Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thiết bị dạy nghề hàng tỷ đồng xếp xó

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều trung tâm dạy nghề ở địa phương được đầu tư thiết bị giảng dạy trị giá hàng tỷ đồng. Nhưng chỉ để… xếp xó.

Thiết bị của Trung tâm Dạy nghề Phong Điền (Cần Thơ) chất đống trong kho . Ảnh: Kiến Giang
Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền (Cần Thơ) có dãy nhà tôn hơn 10 phòng, thì 8 phòng dùng làm kho chứa thiết bị giảng dạy, gồm máy vi tính, máy tiện, hàn, điện lạnh… Ông Lê Bá Cường, PGĐ trung tâm cho biết, mỗi năm Trung tâm được cấp thiết bị giảng dạy trị giá gần 1 tỷ đồng. Nhiều năm qua trung tâm nhận đều đặn thiết bị nhưng không dùng đến nên xếp hết vào kho.
Theo ông Cường, dù biết là lãng phí nhưng năm nào Trung tâm cũng phải đề xuất danh mục thiết bị mua sắm để được Sở LĐ-TB&XH cấp. “Nếu không nhận thiết bị thì năm tiếp theo sẽ không được duyệt mua nữa nên cứ nhận đại để đấy. Các trung tâm khác cũng đều nhận thiết bị về bỏ kho như vậy”, ông Cường phân trần.
Lý giải việc thiết bị chất đống vào kho, trong lúc Trung tâm Dạy nghề Phong Điền mỗi năm mở 9 lớp dạy nghề, mỗi lớp 30 người, ông Cường nói: “Đó chỉ là các nghề như chằm nón, đan lục bình, may gia dụng… duy nhất mới được một lớp vi tính ngắn hạn. Gần 10 nghề khác trong danh mục được phép đào tạo nhưng không mở được lớp vì không có người học”.
Ông Cường kể: Năm nào cũng xuống ấp kêu gọi nhưng số người học vẫn ít. Tổ chức được lớp học đã khó, duy trì lớp còn khó hơn vì học sinh cứ “rơi rụng dần”. Người đi học được trợ cấp 10.000 đồng/ngày mà vẫn không muốn học. Mới đây, Trung tâm kết hợp với một doanh nghiệp may mặc mở lớp dạy nghề cho 60 người.
Ngoài trợ cấp, học sinh còn được trả công trong các giờ thực hành. Tuy nhiên, đến cuối khóa, chỉ còn 20 người. “Nhiều người dân nông thôn không thích học nghề, chỉ thích lao động thời vụ”, ông Cường nói.
Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, Tiêu Minh Dưỡng cho biết: Thành phố có 5 trung tâm nghề đã hoạt động và 3 trung tâm khác vừa thành lập, đa số đều hoạt động không hiệu quả.
“Kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề do Bộ LĐ-TB&XH cấp, Sở chỉ làm đề án trình lên trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các trung tâm. Dù nhiều trung tâm chưa mở được lớp học nhưng vẫn phải đầu tư thiết bị theo từng năm vì nếu không nhận, năm sau sẽ bị Bộ cắt”, ông Dưỡng nói.
Kiến Giang / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)