Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

SV chưa mặn mà với chương trình học hơn 2.000 USD/tuần

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Học trong môi trường giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo sư nước ngoài, giáo trình hiện đại, thực hành với thiết bị tiên tiến, nhưng nhiều trường áp dụng chương trình tiên tiến vẫn không “hút” được sinh viên. Có trường, mỗi khoá chỉ tuyển được bảy sinh viên theo chương trình học trị giá hơn 2.000 USD/tuần.

Đó là thông tin được đưa ra trong hội thảo sơ kết triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến của các trường đại học (ĐH) đã được giao nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì sáng nay, 19 – 10. 
Khó tuyển
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, số lượng tuyển sinh theo chương trình tiên tiến của các trường khác nhau, số lượng tuyển sinh phụ thuộc vào ngành đào tạo; trong cùng một ngành đào tạo quy mô tuyển sinh cũng không ổn định qua các khoá.
Các ngành thuộc khối kinh tế (Tài chính, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh…), số lượng sinh viên tuyển vào các khoá học khá cao, từ 60 – 80 sinh viên một khóa. Trong khi đó, các ngành thuộc khối Kĩ thuật có số lượng sinh viên ở mức trung bình (từ 30 – 45 sinh viên).
Một số ngành có số lượng sinh viên theo học chương trình tiên tiến thấp, các khoá chỉ tuyển được từ 20 – 30 sinh viên, như ngành khoa học vật liệu của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, hệ thống năng lượng của Đại học Bách Khoa TPHCM,…
Theo ông Tôn Thất Dung – trưởng ban điều hành chương trình tiên tiến Đại học Sư Phạm – ĐH Huế, trường xác định chỉ tiêu mỗi khoá là 30 sinh viên. Tuy vậy, chưa có năm nào tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
Khoá đầu tiên, trường tuyển được 30 sinh viên nhưng chỉ 25 sinh viên theo học. Khoá hai có 21 sinh viên, khoá ba 20 sinh viên. Riêng khóa bốn có 21 sinh viên trúng tuyển nhưng chỉ bảy sinh viên theo học. Nhìn vào tuyển sinh có thể thấy, càng về sau, số sinh viên tham gia học tập càng giảm.
Ông Dung cũng đưa ra nguyên nhân chủ yếu do đa số sinh viên dự tuyển vào chương trình tiên tiến ngành Vật lý của trường đều là những người thi vào ngành Vật lý. Họ đều có hướng trở thành giáo viên phố thông sau khi tốt ngiệp.
Hơn nữa, sinh viên dự thi vào ngành sư phạm không đóng học phí nên còn băn khoăn khi tham gia học theo chương trình tiên tiến mà theo dự án của Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thu học phí.
“Tính bền vững của chương trình vẫn gặp khó khăn khi kinh phí của dự án không còn được cung cấp, không thu được học phí của người học và số sinh viên theo học quá ít. Kinh phí không được cấp nên khó có điều kiện để mời giảng viên từ nước ngoài. Do đó, các trường phải sử dụng đội ngũ tại chỗ, vốn vẫn còn những hạn chế khi phải giảng dạy bằng tiếng Anh" – ông Dung cho biết thêm.
Ông Trương Chí Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, với mức học phí cao khi theo học chương trình tiên tiến, nếu không có nguồn tiền từ dự án, việc tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi càng khó khăn, do các em giỏi tiếng Anh có thể xin học bổng từ nhiều chương trình khác nhau.
Mục tiêu của chương trình tiên tiến là đảm bảo những khóa đầu 100% các môn học do giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy, nhưng hiện nay, các trường cũng kêu khó vì số lượng giảng viên nước ngoài khóa tuyển sinh 2006 chỉ đạt trên 50% so với kế hoạch của các trường.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ mời được chín lượt giảng viên cho hai chương trình tiên tiến trong ba khóa; ĐH Cần Thơ, hai khóa mời được 16 lượt giảng viên. Nhiều trường chỉ mời được 30 – 40% giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy theo kế hoạch… Nguyên nhân do trường đối tác đòi hỏi kinh phí quá cao.
Theo ông Đoàn Công Vinh, phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, chi phí thỉnh giảng mà trưởng phải trả cho một giảng viên nước ngoài là 55 – 70 USD/tiết, 2.000 USD/tuần và chi từ 120 – 180 triệu đồng cho một đợt thỉnh giảng.
Nhập nhầm hàng ngoại?
Ông Phan Quang Thế – phó hiệu trưởng trường Đại học Công Nghiệp – Đại học Thái Nguyên cho biết, giảng viên của trường từng nói rằng: Ban giám hiệu nhập nhầm một chương trình đào tạo cao đẳng ở nước ngoài về nên ngần ngại tham gia vào chương trình đào tạo.
Theo ông Thế, vì chưa nhận thức đúng về bản chất của việc đào tạo chương trình tiên tiến nên nhiều trường, giảng viên loay hoay không biết phải thực hiện như thế nào.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Trung – phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hai năm đầu tiên, khi đưa vào giảng dạy tại trường, đã có rất nhiều mâu thuẫn, tranh cãi trong nội bộ giảng viên.
“Khi cấy một nhân tố mới vào hệ thống, trường đã lường trước được khó khăn. Nhiều giảng viên cho rằng, chương trình không hay, quá xa lạ với trình độ của sinh viên Việt Nam, kinh phí đào tạo quá cao, sinh viên không thể kham nổi. Phụ huynh và học sinh thì nghi ngờ hiệu quả của chương trình” – ông Trung cho biết thêm.
Phó Giáo sư Trần Thị Hà – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, các trường phải nhận thức rõ bản chất của chương trình tiên tiến không phải thuần tuý là “hàng ngoại” được “nhập khẩu” và giảng dạy bằng tiếng Anh.
“Bộ chỉ chủ trương học hỏi phương pháp đào tạo, nghiên cứu, trao đổi, liên kết các mô hình của những trường đại học lớn, làm nền để phát triển giáo dục đại học của nước ta trong tương lai, mà cụ thể là 15 – 20 năm sau. Đây được coi là những viên gạch đầu tiên cho bước tiến này. Vì vậy, nội dung chương trình phải được các trường nội hoá dần dần để phù hợp với điều kiện của sinh viên Việt Nam”- bà Hà khẳng định.
Từ năm 2006 đến nay, cả nước có 23 trường đại học của Việt Nam hợp tác với 22 trường đại học trên thế giới triển khai 35 chương trình tiên tiến. Trong đó, 20 chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ, năm chương trình thuộc khối ngành kinh tế, một chương trình thuộc khối ngành khoa học sức khỏe, sáu chương trình thuộc khối khoa học tự nhiên và môi trường, ba chương trình thuộc khối nông nghiệp.
Đỗ Hợp / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)