Nụ cười thỏa nguyện của ngư dân sau chuyến biển bội thu |
Buổi sáng, biển Đông khá yên ả. Trời quang mây tạnh và nắng ấm đã tỏa tràn mặt biển. Tôi lân la làm quen rồi bắt đầu đặt vấn đề với ngư dân Nguyễn Hữu Toàn (35 tuổi, trú tại Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) để xin theo tàu ra biển trong chuyến tới. Thuyền trưởng Nguyễn Sang (58 tuổi, cha của Toàn) đồng ý và kêu tôi về chuẩn bị, 3 ngày sau tàu sẽ nhổ neo…
Ra khơi
Y hẹn, tôi có mặt tại Cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) để theo tàu cá ra khơi. Trừ ông Sang và anh Toàn ra, tất cả mọi người trên tàu đều nhìn tôi như một “vật thể lạ”, chẳng mấy ai ưng ý vì lo tôi không đủ sức. Riêng tôi cũng cảm thấy “nhợn”, nhưng quá muốn đi nên cứ tỏ ra vững: “Rượu, bia còn có thể làm cháu say, chứ sóng biển chắc vô tư”.
Ngoài thuyền trưởng Sang còn có 5 thuyền viên, đều là những tay lái tàu rất thành thạo để luôn có thể linh hoạt hoán đổi việc. Tàu dài 19m, ngang khoảng 5m, công suất 90CV, thuộc loại vừa. Bên bến cảng, cả 6 người quần quật. Người tiếp nhiên liệu, người chuẩn bị đồ đạc, nước ngọt, thức ăn, thuốc men và cả… rượu uống khi buồn. Sau 3 giờ chuẩn bị, 17 giờ 30, mặt trời chiều đã bị ngọn Ngũ Hành Sơn che khuất gần nửa. Tàu theo lệnh ông Sang nhổ neo.
Ngư dân Toàn cứ dò dặn tôi nhiều điều. Nhưng đáng nhớ nhất là những điều kiêng cữ trên tàu với một loạt việc bắt đầu bằng từ “không”: La hét, gây gổ đánh nhau, làm rơi vật dụng như dao, thìa xuống biển… Tàu cưỡi sóng vươn khơi khoảng 2 hải lý (1 hải lý = hơn 1,8km). Tôi đi một vòng “thám hiểm” tàu. Nó chẳng khác gì một ngôi nhà ngoại trừ việc ở giữa biển. Mỗi thuyền viên đều có một cái giường gỗ, đẹp cỡ trong một khách sạn nhỏ nào đó. Đầu giường gắn tủ gỗ để đựng đồ cá nhân cần thiết. Treo cao bên vách cạnh mấy cái giường là chiếc ti vi, cái đầu đĩa cùng bộ loa Nhật sản xuất… Đây quả thực là chốn khá lý tưởng đối với ngư dân khi quanh năm bám biển.
Chính tay thuyền trưởng Sang pha một ấm trà rồi bưng ra, thơm đượm lắm. Tất cả ấm cho đến ly đều được dính trên những miếng xốp mềm vuông vức. Thấy tôi chăm chú vào ấm trà bằng ánh mắt lạ lẫm lẫn thích thú, ông Sang cười: “Cậu thử không đặt vào xốp, tức khắc nó sẽ bay tưng xuống sàn tàu vì sóng ngay”.
Mẻ cá đầu tiên
Tàu đã xa bờ hơn 40 hải lý, những đợt sóng cao hơn nửa mét ập dồn vào mạn tàu. Tàu hết chúi xuống, lại dựng thân lên, đè sóng băng băng. Bụng tôi đã nghe trộn trạo và bắt đầu nếm cái vị gọi là… say sóng. Phía đầu tàu, ông Sang đang tay phải cầm bánh lái, tay trái áp Incom lên gần mặt, hô vang: “A lô! A lô! Tàu… 457 (3 số cuối trong số hiệu của tàu này) nghe rõ! Có bão xa à?…” – tiếng liên lạc với Tổng đài Duyên hải tại Đà Nẵng. Tôi đứng đớ người, lo lắng tự vấn: “Mới ra khơi đã gặp bão…”. Như đọc được suy nghĩ tôi, anh Toàn vỗ vai: “Yên tâm đi. Giữa đại dương này, bão nhỏ và ở xa thì cứ đi biển là nghe đều à. Quan trọng là có ảnh hưởng vào mình không thôi”.
Khoảng 19 giờ 30 tối, tàu chúng tôi đã ở cách bờ 50 hải lý. Tôi cảm giác rờn rợn, bởi con tàu chỉ là vật thể quá bé nhỏ giữa tứ bề trùng khơi. Đang miên man, tôi sực tỉnh bởi tiếng cười đùa trên tàu đang buông neo, chuẩn bị bữa cơm tối. Thuyền viên tên Thung, mời: “Cậu ăn chén cơm cho êm bụng mà coi bọn tui tung lưới”. Bữa cơm được dọn ra và mọi người ăn thoáng chốc đã xong. Hầu như nhịp hoạt động của ai ai trên tàu cũng liến thoắng để tận dụng hết thời gian.
20 giờ 30, tàu nổ máy, thu neo, thả dù và bật đèn để bắt đầu đánh cá… Dù đây là tàu 90CV, nhưng theo nghề, phải lặn lội ra đến biển Đông bằng nghề chụp lưới và câu. Mười mấy bóng đèn công suất cả ngàn watt chong lên, rực sáng cả khoảng biển lớn xung quanh tàu để “hút” cá. Vì đánh cá bằng đèn nên thời gian biểu trên tàu là: Đêm làm, ngày ngủ. Tàu bắt đầu thả hàng trăm lưỡi câu. Mục tiêu là loại cá hố biển, có giá trị hiện tại là 80.000-120.000 đồng/kg. Trong khi câu, nếu thấy cá bị “hút” nhiều thì buông lưới.
Nhưng từ đó đến quá 0 giờ đêm, 5 thuyền viên dù rất cật lực cũng chỉ câu được mấy chục cân cá hố. Lưới vẫn chưa chụp được mẻ nào. Thấy tôi đâm lo, anh Toàn thản nhiên: “Bóng chim tăm cá” mà. Chưa gặp luồng thôi. Gặp thì sẽ lãi khá nhưng cũng có khi tay không, lỗ cả tiền dầu”.
Đến hơn tiếng sau, tàu dời địa điểm câu sang tầm 500m thì trúng luồng. Hơn 3 tạ cá hố cùng 4 tạ cá nục bằng cả chục lần buông lưới. Chừng ấy, cơ bản đã “êm” cái phần chi phí cho chuyến đi và dầu chạy máy. Mặt ông Sang, 5 thuyền viên và tôi đều hớn hở. Chẳng biết buồn ngủ là gì, dù đã 5 giờ sáng.
Quyết không rời biển
Sau 6 ngày đêm trên tàu 457, tôi đặt vấn đề muốn sang tàu khác để hiểu thêm nhiều về ngư dân trên biển. Ông Sang bốc Incom: “Đang ở đâu? Tôi có khách muốn sang chơi thăm tàu cậu được chớ?”. 17 giờ chiều, tàu 90CV này tiến đến gần một tàu gõ câu mực xà – đây là tàu bạn thường điểm chỉ luồng cá theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” và một chiếc thúng được thả xuống để chuyển tôi sang.
Câu mực – nghề dễ “hái ra tiền”, nhưng “hành động” vào những đêm thật tối trời và thuộc hàng nguy hiểm nhất trong các món nghề biển. Đêm đầu tiên, 8 chiếc thúng được thả xuống biển cùng 8 ngư dân. Mỗi thúng có 1 thợ câu, trang bị 1 bộ đàm, can nước và ít thức ăn đêm. Thả xong 8 thúng là 20 giờ 30 đêm. Từ xa ngoái lại chỉ thấy 8 chấm sáng leo lét giữa biển khơi đêm. Ông Minh nói: “Trên 8 thúng kia, có 4 đứa là con tui làm cùng hơn chục năm. Nghề này sống chết cách nhau trong gang tấc. Đôi khi gặp cá dữ hay một cơn giông, lốc sóng bất ngờ là có thể mất mạng”.
Đến rạng sáng, ông Minh cho tàu chạy đi vớt thúng. Thúng xa nhất cách tàu… 7 hải lý. Những thợ câu vừa lên tàu, chưa kịp ăn đã phải xẻ bóc ruột hết số mực câu được, phơi lên giàn trên trần tàu để tránh ôi thiu. 12 giờ trưa, mỗi thợ câu tắm bằng cách dội 2 ca nước ngọt lên người rồi đi ngủ. Mỗi ngày họ chỉ ngủ hơn 4 tiếng. 17 giờ đã lại dậy để chuẩn bị đêm câu.
Ở tàu câu mực tôi chịu hết nổi bởi mùi mực tươi, mực đang phơi khô tanh thật khó ngửi. Ông Minh như hiểu tình cảnh tôi và liên lạc với tàu câu cá ngừ đại dương của anh Nguyễn Quang Hòa (trú xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) để cho tôi sang.
Tàu của anh Hòa cũng là tàu 180CV, có 14 thuyền viên. Anh Hòa tâm sự: “Lao động trong họ hàng, anh em đông quá. Chỉ ước có tiền mà đóng tàu lớn hơn. Kiếm ăn xa mới dễ chứ gần bờ cũng hiếm rồi. Thỉnh thoảng lại lỗ cả mấy chục triệu tiền dầu và các thứ đầu tư khác”. Đi biển cũng theo mùa vụ, từ cuối tháng 9 âm lịch trở đi, phải hạn chế ra khơi vì mưa bão. “Chuyện mất tích, bỏ mạng trên biển với ngư dân tụi tui là điều khó đoán biết. Biển khơi lắm hiểm nguy rình rập… Hồi mới vào nghề, trong 3 năm mà có đến 2 lần tui suýt “ở lại” giữa biển vì thiếu kinh nghiệm dự báo và tránh bão”, anh Hòa kể về 15 năm tuổi nghiệp đã qua. Tôi hỏi anh Hòa, có khi nào ra biển khốn khó mà định bỏ nghề chưa. Anh khẳng khái: “Vẫn bám biển chứ. Biển đảo của Tổ quốc ta mà. Nghiệp nó thấm trong máu rồi. Bỏ răng được?”…
Theo tàu anh Hòa từ chiều hôm trước thì đầu hôm sau tin xấu ập đến. Tổng đài Duyên hải tại Đà Nẵng phát tin khẩn cấp thời tiết nguy hiểm trên vùng Nam biển Đông “… mưa rào, có nơi có giông. Gió cấp 7-8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. Đề phòng trong cơn giông có lốc xoáy…”. Cả tàu nhìn nhau trong lặng im. Anh Hòa chấp nhận lỗ gần trăm triệu, quay tàu trở ngược lại Cảng Cửa Việt (Quảng Trị).
Giữa đêm, bão đã bắt đầu. Biển Đông dậy sóng! Gió giật cấp 5-6. Mấy hôm trước, biển Đông hiền hòa, thơ mộng là thế mà đêm nay mang “bộ mặt” khác. Khủng khiếp, hung tợn… Mưa trắng trời, chỉ nhìn thấy được những con sóng cao 2-3m đang ập vào mạn tàu. Nhiều lúc, tôi tưởng tàu đã chìm hẳn và sẽ không qua khỏi đêm nay. Thi thoảng, tiếng sấm làm tôi giật thót người. Sấm dội bị mưa biển làm âm vang đùng đục, rợn người. Từ đó đến sáng, tàu đi trong những cơn ầm ầm. Tàu giật, lắc, rung dữ dội… 10 giờ sáng, tàu cập Cảng Cửa Việt trú bão an toàn.
Chuyến “phiêu du” kết thúc sau 10 ngày trên biển Đông với hơn 250 hải lý (hơn 500km). Chuyến hải hành ấy đã cho tôi trải nghiệm qua nhiều cung bậc. Tôi đã thích thú, hào hứng đến mê mẩn, đã mệt lừ với sóng bão và đã sợ đến mất hồn… Đọng trong tôi là hình ảnh những ngư dân vai trần rắn rỏi, thân vạm vỡ rám nâu. Họ đang tay buông neo, tay chụp, tay kéo lưới, vững vàng và kiêu hùng trước những bất trắc hàm ẩn giữa trùng khơi.
Bài, ảnh: Trần Thiếu Gia
Bình luận (0)