Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2012): Gieo mầm văn nghệ ở chiến trường

Tạp Chí Giáo Dục

NSƯT – đạo diễn Nguyễn Văn Khánh và con gái Trà Giang

1. Năm 1965, chiến trường Khu 5 ngày càng ác liệt vì quân Mỹ đổ bộ vào Cảng Đà Nẵng ngày một nhiều. Để động viên tinh thần cho quân dân khu Trung Trung bộ hăng hái giết giặc, miền Bắc chi viện ngoài sức người, sức của, lương thực, quân trang, quân dụng còn cả một đoàn văn công tăng cường cho khu. Ra đi, chúng tôi (NSƯT Khánh Cao – PV) được đồng chí Tố Hữu dặn dò: “Trung ương chỉ chi viện cho cỗ máy cái, các đồng chí phải nhân lên và đẻ ra nhiều máy con. Đây là xẻ đôi lực lượng đoàn văn công khu ở miền Bắc. Các đồng chí là hạt nhân nòng cốt làm thế nào để lực lượng văn nghệ ngày một phát triển lên, đào tạo cho chiến trường nhiều nghệ sĩ tài hoa để đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam…”. Buổi đầu đến khu ủy, mặc cho mọi gian nan, thiếu thốn, mặc cho sức khỏe chưa hồi phục của những ngày hành quân xa, dưới mưa bom, đạn pháo của Trường Sơn; chúng tôi đã biểu diễn, ra mắt các cán bộ và chiến sĩ khu bộ đang khao khát lời ca tiếng hát… Cảm động nhất là anh Năm Công – tức đồng chí Võ Chí Công – Bí thư khu ủy đang bệnh, nhờ anh em cáng đến để xem. Chúng tôi diễn trích đoạn tuồng Lê Lai cứu chúa và dân ca Tiếng sấm Tây Nguyên do các diễn viên gạo cội như Võ Sĩ Thừa, Phương Thảo, Phương Anh… biểu diễn. Anh Năm Công rất vui mừng và ngợi khen về nghệ thuật và tính tư tưởng cao của các vở diễn. Anh mong hạt giống này sẽ được gieo trồng và nhân lên nở rộ toàn khu. Thế là chúng tôi gồm: Tôi, anh Phan Huỳnh Điểu, nữ nghệ sĩ múa Phương Anh, Phương Thảo đi các địa phương mở lớp… Chúng tôi chia nhau từng tỉnh, từng huyện, tùy khả năng mà triển khai. Lớp đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi, lớp học ở trong rừng. Tỉnh chỉ đạo để cung cấp cho 30 học viên học trong 10 ngày thôi. Gạo thì thầy trò phải tự đi cõng xa hàng mấy chục cây số, bởi vậy chương trình phải rút ngắn và rất khẩn trương. Các bài giảng dựa vào các vở diễn. Chúng tôi dựng các vở Một mạng người của Đào Hồng Cẩm, Đâu có giặc là ta cứ đi của Nguyễn Vũ và vở ca kịch Chim chèo bẻo… Chúng tôi vừa diễn vừa giảng giải từng bước về chủ đề tư tưởng, về công tác đạo diễn… qua ba vở kịch ấy. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì dựng Ngọn lửa Trà Bồng, dạy nhạc… Các huyện anh chị em đăng ký về học rất đông, nhưng khả năng có hạn, chúng tôi chỉ nhận 30 học viên. Sau đó huyện Đức Phổ mở lớp. Anh Phan Huỳnh Điểu bị đau thương hàn, thiếu thuốc men, thiếu chất tươi. Thương cán bộ giải phóng, các cụ, các mẹ mang cá diếc đến cứu chữa, vì cá diếc trị được bệnh thương hàn, nhưng rất khó tìm. Và đồng bào quanh vùng mang chuối, gạo, hoa quả đến bồi dưỡng cho lớp học. Liền sau đó chúng tôi hành quân đến Quảng Nam – Đà Nẵng liên tục mở hai lớp ở Điện Bàn và Duy Xuyên dạy dân ca Bắc – Trung – Nam, điệu sắc bùa, ca kịch vui và tấu, bài chòi… Anh chị em văn công quân khu nghe nói có mở lớp cũng xin đến tham gia… Và cứ thế, cứ thế chúng tôi đến xin khu ủy mở trường nghệ thuật của khu. Các tỉnh Tây Nguyên, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về học. Lớp học mở 3 tháng chứ không phải chỉ 10 ngày như trước nữa.
2. Có một chuyện rất đau thương và anh dũng mà trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi tôi không bao giờ quên.
Hồi ấy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở một chiến trường ác liệt nhất là Quảng Nam – Đà Nẵng. Tại làng La Tháp, Duy Hòa, huyện Duy Xuyên. Tôi và nghệ sĩ múa Phương Thảo đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ đồng bào vùng địch hậu. Những đêm biểu diễn của chúng tôi, trên những sân hẹp ngoài trời hoặc dưới những căn hầm. Đồng bào, du kích, bộ đội địa phương chen chúc nhau xem Phương Thảo biểu diễn. Bà con kháo nhau đi xem cô tiên múa, đẹp, người như không có xương uyển chuyển lạ thường. Ban ngày mặt mũi phờ phạc vì phải hành quân, có khi phải cùng du kích đánh trả các cuộc phục kích lẻ tẻ, ăn đói mặc rách. Thế mà đêm đêm Phương Thảo, Phương Anh đẹp lộng lẫy dưới ánh đèn dù và pháo sáng của địch. Phương Thảo múa đẹp như cô Tấm trong chuyện cổ tích của ta. Cháu đẹp và dịu dàng. Từ gương mặt như ánh trăng rằm, đến đôi tay mềm mại, đôi môi tươi tắn và nhất là cặp mắt sắc sảo, long lanh dưới ánh đèn. Cô đã từng là diễn viên đi với Đoàn văn công Trung ương biểu diễn ở Mát-xcơ-va, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và nhiều nước Trung Đông Âu. Và hôm nay về biểu diễn ở quê nhà. Vào một đêm hè tháng tư, mồng sáu, năm 1968. Cháu Thảo và tôi từ các xã vùng đông Quảng Nam, vượt quốc lộ số 1 vô vàn gian nan dừng chân ở La Tháp kế sông Thu Bồn. Nơi có giao liên chờ đón đưa chúng tôi về phía Tây để phục vụ đồng bào miền núi. Bỗng đâu một quả pháo từ đồn giặc đóng kề, nơi có cả một trung đoàn lính Mỹ đóng – nổ vang như trời long đất lở trước sân trạm. Tôi bị thương nhẹ, và Phương Thảo bị một mảnh đạn trúng ngay lồng ngực xuyên tận sau lưng, chỉ kịp kêu một tiếng nhỏ: “Chú Khánh ơi, con bị thương” rồi tắt thở. Chúng tôi cùng anh chị du kích gói ghém cháu vào vỏ chăn dù hoa, và để cháu yên nghỉ ở rìa làng thôn 1, xã Yên Thanh vừa bị pháo, cối cày ủi. Đồng bào và du kích cùng chúng tôi lặng im nước mắt đầm đìa, lội bì bõm trong chiến hào sũng nước và phải ngã lên ngã xuống hàng chục lần vì tránh pháo, mới tìm đưa được cháu đến huyệt ngay trong đêm ấy. Năm ấy cháu vừa tròn 22 tuổi.
Ngậm ngùi tiếc thương Phương Thảo như con gái út của tôi. Ba lô lên vai, tôi lại tiếp tục lên đường, vì nơi này không thể ở đêm được. Pháo và hỏa châu địch vẫn nổ, chớp lòe như một trận giông bão.
3. Tôi còn nhớ như in, dường như có điềm tâm linh nào báo trước. Trước đó vài ngày, khi vượt sông Thu Bồn vào một buổi chiều, Phương Thảo lục đống thư từ của người yêu là một nhạc công đem đốt hết. Phương Thảo nói với tôi: “Con không mang giữ làm gì, nặng lắm chú Khánh ơi! Tình yêu Tổ quốc cũng như tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi bao giờ cũng nặng nợ chú ạ! Mối tình ấy con vẫn để trong tim”.
Phương Thảo đốt cả thư từ, làm tôi liên hệ như các bà má đốt vàng mã vậy! Tôi xúc động quá, an ủi cháu vài câu và chú cháu lại tiếp tục lên đường với giao liên mặt trận.
Tôi lại nhớ đến Phương Anh. Cậu Mỹ chồng chưa cưới của Phương Anh cõng giùm ba lô của người yêu, rồi quay trở lại dìu Phương Anh leo dốc, vì sốt rét hành kiệt sức cô diễn viên múa này. Chao ôi mối tình của tuổi trẻ cao đẹp quá. Khi đất nước lâm nguy đều “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Bởi thế nên năm ấy tuy tuổi đã lớn nhưng tôi vẫn mang ba lô theo các cháu lên đường ra trận. Trận địa của chúng tôi là mặt trận văn hóa văn nghệ, như Bác Hồ đã dạy “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Chúng tôi lại hành quân, lại mở lớp gieo hạt giống văn nghệ cách mạng trong sự đùm bọc chở che của lòng dân kháng chiến. Cũng năm ấy và những năm tiếp sau, nhiều đồng nghiệp của cháu Thảo trong đó có cả người yêu của cháu đã lần lượt ngã xuống trên đường giải phóng dân tộc như nhạc sĩ Văn Cận, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà báo Trần Văn, nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà báo Nguyễn Hồng, các nhà quay phim Phạm Chuân, Nguyễn Giá… Cái chết của cháu Võ Thị Phương Thảo là cái chết gieo mầm cho hạt giống văn nghệ mai sau. Tên tuổi của cháu trở thành bất tử trong lòng nhân dân miền Trung Trung bộ, cháu được truy tặng NSƯT và liệt sĩ văn công.
Trích sổ tay
10-6-2012
Đoàn Minh Tuấn (ghi)
LTS: NSƯT Khánh Cao, ông tên thật là Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1918 tại Quảng Ngãi, nguyên Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, phụ trách Tạp chí Sân khấu phía Nam. Trong kháng chiến chống Pháp là Phó ty văn hóa thông tin Bình Thuận, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Phan Thiết, ông ra Bắc tập kết làm đạo diễn dân ca kịch Khu 5, sau năm 1975 làm đạo diễn tại Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM. Ông là cha của nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, cũng là một nghệ sĩ tài hoa, giàu lòng nhân hậu, dù tuổi cao nhưng gần đây ông vẫn sáng tác kịch dành cho thiếu nhi được Đài Truyền hình TP.HCM dàn dựng, phát sóng. Ông vừa mất, hưởng thọ 95 tuổi. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2012), nhà văn Đoàn Minh Tuấn xin ghi lại những câu chuyện qua lời kể của NSƯT Khánh Cao trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Liên khu 5:
 
 

Bình luận (0)