Du ca Sài Gòn trong một buổi luyện tập tại Công viên 30-4
|
Không ồn ào, phô trương… Du ca đường phố – Sài Gòn mang đến cho người nghe cảm giác gần gũi, bình dị nhưng vẫn đậm chất nghệ sĩ.
Du ca đường phố – Sài Gòn là một trong những nhóm nhạc cộng đồng có số lượng thành viên hoành tráng nhất tại Việt Nam hiện nay. Các thành viên trong nhóm đến với nhau trên tinh thần tự nguyện của những người yêu đàn, mê hát và muốn “cháy” hết mình cùng âm nhạc. Cứ thế, từ ngày thành lập (25-12-2011) đến nay, định kỳ hai tuần một lần (16-19 giờ), các bạn lại rủ rê nhau mang đàn guitar ra Công viên 30-4 hoặc tụ về Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM “biểu diễn”.
Sân chơi thú vị
Gia nhập Du ca đường phố – Sài Gòn từ những ngày đầu, anh Huỳnh Hoài Bảo cho biết, nhóm ra đời trên tinh thần tự nguyện, tự giác nên không có ban quản lý, trưởng nhóm hay bất cứ sự ràng buộc nào. Mọi người đến đây ngồi lại hát ca đơn giản chỉ để giải tỏa những căng thẳng, mỏi mệt sau cả tuần làm việc, học hành cật lực và kết thêm bạn mới. “Tình cờ nắm được thông tin của nhóm trên diễn đàn hocdan.com, tôi thử tham gia rồi bị “dụ” luôn tới giờ. Ban đầu số lượng thành viên của Du ca khá “nghèo”, chỉ khoảng 20 bạn. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, con số đó đã tăng lên rất nhiều lần. Có hôm số lượng lên đến 400 người”, anh Bảo vui vẻ nói.
Nhạc cụ đóng vai trò chủ đạo trong quá trình hát hò của nhóm chính là guitar. Bên cạnh đó còn có sự “góp mặt” của harmonica, trống cajon, đàn ukulele, sáo, maraca… Mỗi bạn trẻ mang đến một “chiêu nghề” của mình rồi cùng nhau hợp lại tạo nên khối tổng thể âm nhạc hài hòa, thú vị. Dòng nhạc Du ca thể hiện khá đa dạng, từ những ca khúc cách mạng, nhạc trẻ, nhạc thiếu nhi cho đến nhạc trữ tình, cải lương. Ban đầu Du ca xuất hiện bằng vài nhóm nhỏ ngồi ôm đàn nghêu ngao hát tại Công viên 30-4. Nhưng do số lượng thành viên ngày càng lớn nên hiện nay nhóm phải dời “địa bàn hoạt động” về Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Biết đến Du ca qua sự giới thiệu của một người bạn, Huỳnh Ngọc Bảo Trâm (SV Trường ĐH Mở TP.HCM) tò mò tìm hiểu thử rồi bị “say” luôn đến giờ. Trâm chia sẻ: “Nhóm có nhiều chương trình hoạt động rất vui và bổ ích. Tham gia nhóm em thấy mình ngày càng tự tin và đặc biệt là có thêm nhiều bạn mới”.
Điều Du ca “đòi hỏi” ở các thành viên không phải là sự điêu luyện, nhuần nhuyễn trong từng nốt nhạc, cách luyến láy câu chữ mà chính là tinh thần tập thể. Vì thế, mỗi màn “trình diễn” luôn được thể hiện theo trình tự rõ ràng: Trống cajon chịu trách nhiệm dẫn nhịp để dàn đàn guitar hòa cùng tiếng hát, tiếng vỗ tay tạo nên những giai điệu sống động.
“Cầu nối” tinh thần
Du ca đường phố – Sài Gòn hấp dẫn được nhiều người bởi sự mộc mạc nhưng rất “máu lửa” của các thành viên. Khi biểu diễn, họ cùng nhau ngồi bệt xuống đất, đàn hát say sưa suốt nhiều giờ liền. Đến với Du ca, mọi người có thể làm “nghệ sĩ” hoặc thưởng thức buffet âm nhạc đường phố hoàn toàn miễn phí. Cái mà bạn trẻ cần không gì khác ngoài tinh thần cộng đồng, nhiệt huyết “tuổi xanh” cộng thêm ít nhiều niềm đam mê âm nhạc. Có thể nói, việc tham gia Du ca đã mang đến cho Lưu Viết Khôi (SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM), một trong những tay guitar kỳ cựu của nhóm, nhiều trải nghiệm thú vị. Khôi thấy như được tiếp thêm năng lượng sau những lần tập trung lại ca hát như thế để rồi học tập hăng say hơn.
Nhiều người đi đường cũng vì tò mò khi vô tình nhìn thấy Du ca biểu diễn ngoài công viên đã ghé chân vào xem rồi bị níu luôn từ đó. Cô bạn xinh xắn đến từ Quảng Nam, Nguyễn Bích Diễm (SV Trường ĐH Y dược TP.HCM) cũng không ngoại lệ. “Tình cờ biết đến Du ca đường phố – Sài Gòn trong một lần ra công viên chơi, em thử tham gia xem thế nào. Và giờ, em đã là một thành viên khá tích cực của nhóm”.
Tuy mới “đầu quân” vào Du ca từ tháng 4-2012 nhưng sự xuất hiện của Trần Trọng Giáp như một luồng gió mới cho những màn trình diễn vốn đã khá ấn tượng của nhóm. Tay guitar này “chuyên trị” các phần vọng cổ, cải lương – một loại hình âm nhạc đang trên đà bị giới trẻ “bỏ rơi”. Giáp cho biết: “Là người miền Bắc nhưng vì mê vọng cổ nên mình đã theo học vài khóa về thể loại này. Ngoài ra mình còn tìm tòi thêm nhiều tài liệu cũng như clip trên mạng rồi tự mày mò, nâng cao khả năng đàn, hát. Đàn guitar để ca vọng cổ rất khó vì phải đi theo nốt, sự luyến láy, ngân giọng của người ca”.
Nói về hướng phát triển trong tương lai của Du ca đường phố – Sài Gòn, “anh cả” Huỳnh Hoài Bảo cho hay: “Thay vì hướng nhóm theo con đường chuyên nghiệp, Du ca sẽ ngày càng tạo ra nhiều sân chơi để bạn trẻ thêm gần và hiểu nhau hơn. Chúng tôi muốn các thành viên giữ mãi tính chất của du ca – một cái gì đó rất nghệ sĩ, gần gũi với cuộc sống”.
Bài, ảnh: Mỹ Dung
Phong trào du ca (hình thức chơi nhạc trên hè phố) tuy đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng chỉ mới “đổ bộ” vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Điều mà mỗi “nghệ sĩ” du ca cần có bên cạnh tinh thần vì cộng đồng, niềm đam mê ca hát chính là khát khao được chia sẻ cảm xúc của bản thân với những người xung quanh. |
Bình luận (0)