Một bệnh nhân đang được cắt tóc tại Trại phong Bến Sắn
|
Bệnh tật chẳng những đã gây nên biết bao khiếm khuyết về thể xác mà còn kéo con cái, gia đình ra xa họ. Họ tìm đến đây – khu điều trị phong Bến Sắn (ấp 4, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) – để tìm sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ.
Vài lần ghé thăm
Gần 80 tuổi, ông Đào Duy Tư ngày ngày vẫn thui thủi một mình ở trại phong này. Niềm an ủi của ông giờ là những lời động viên, trò chuyện của các y bác sĩ, hộ lý và mấy người bạn già trong khu dưỡng lão nam. Ghì chặt bàn tay chai sần, mất hết ngón lên bánh xe lăn, ông Tư buông mắt nhìn xa xăm: “Cũng vợ con đàng hoàng như người ta. Nhưng khi phát hiện tôi mắc bệnh, bà ấy bỏ theo người khác. Con cái ban đầu cũng vô thăm vài lần, còn giờ thì…”. Câu nói của ông bị ngắt quãng bởi sự nghẹn ngào sắp bật thành tiếng khóc.
Trước khi bị bệnh, ông Tư là trụ cột kinh tế gia đình. Số tiền kiếm được bằng nghề lái xe ở Sài Gòn ngày ấy đủ để ông lo cho vợ và hai con một cuộc sống no ấm. Rồi không may bệnh tật vận vào người, ăn dần ăn mòn chân tay, biến ông thành người tàn phế. Sau nhiều lần chuyển viện tìm cách trị dứt bệnh nhưng không thành, ông tìm về với Trại phong Bến Sắn và chọn nơi đây là “trạm dừng” cuối cùng. Ông Tư thở dài: “Đi mỏi chân rồi, dừng thôi. Bệnh tật đã vậy phải sống cùng nó đến cuối đời chứ chẳng còn chọn lựa nào khác”. Tay chân bị co rút gần hết, hơn 30 năm qua, việc di chuyển của ông Tư khá khó khăn vì phải phụ thuộc vào nẹp, chân giả và xe lăn. Vậy mà ông cho rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì: “Dù sao mắt tôi vẫn còn sáng, tay vẫn còn khỏe để tự lo cho bản thân. Mấy người bị liệt khổ hơn nhiều!”.
Không may mắn như ông Tư, ông Lạc Tô Hào (70 tuổi, TP.HCM) chưa bao giờ biết đến 4 chữ “hạnh phúc gia đình”. 12 tuổi mắc bệnh, 3 lần tái phát với những biến chứng ngày càng nặng hơn, ông mặc cảm với những khiếm khuyết trên cơ thể nên chọn ở vậy một mình để khỏi liên lụy đến ai. Nhà có 11 anh chị em, nhưng từ ngày ông về với Bến Sắn tính đến nay đã tròn 20 năm, những lần ghé thăm của vợ chồng người em chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nhiều khi cũng muốn về thăm anh em, con cháu cho đỡ nhớ nhưng lại sợ ảnh hưởng đến việc làm ăn của gia đình nên thôi”, ông Hào chia sẻ. Cuộc sống của ông Hào cũng như những người bệnh nơi đây phụ thuộc vào phần trợ cấp từ phía Nhà nước (240 ngàn đồng/ người/ tháng) và tấm lòng của các mạnh thường quân. Đưa mắt nhìn về phía một ông cụ bị liệt nằm cạnh giường, ông Hào ngậm ngùi: “Số tiền đó tôi đóng mua gạo, còn lại mua thức ăn tự nấu lo cơm ngày hai bữa. Mình còn chân tay, làm gì được cứ làm, mai mốt trở nặng nằm một chỗ thì tính sau”.
Nương nhau mà sống
Bà Lý Thị Hen – niềm an ủi cho các cụ già nơi đây
|
Không lành lặn, không có gia đình cạnh bên, cách “sưởi ấm” duy nhất của những con người kém may mắn này là xích lại gần nhau để đỡ thấy cô đơn. Từ Quảng Nam, năm 31 tuổi, bệnh trở nặng, ông Võ Huấn vô Trại phong Quy Hòa (Bình Định) chữa trị suốt 10 năm nhưng không khỏi. Sau đó, ông chuyển về Bến Sắn ở luôn đến bây giờ. Nhìn bề ngoài của người đàn ông 75 tuổi này, ai cũng phải xót xa. Nước da ông giờ đen sẫm, chân tay bị “bào mòn” gần hết, mọi khâu vệ sinh cá nhân phải nhờ đến hộ lý. Điều may mắn nhất là cách đây mấy chục năm, chính tại cái nơi chồng chất nỗi đau này, ông đã tìm được cho mình một tổ ấm. Sự thấu hiểu của những người cùng mắc bệnh đã đưa ông và “một nửa” của mình đến gần với nhau. Giờ thì bốn người con của ông cũng đã lớn khôn và may mắn là không ai mắc bệnh. “Vợ tôi mới mất cách đây 5 năm. Lúc trước còn bà ấy trò chuyện đỡ buồn hơn nhiều. Mình cũng may là không bị con cái bỏ rơi”, ông Huấn nói về gia đình với tất cả niềm tin yêu.
Có thể nói, hơn 10 năm qua, bà Lý Thị Hen (63 tuổi) là niềm an ủi lớn lao cho các cụ già trong khu dưỡng lão nữ. Cũng mắc bệnh, cũng chịu sự hành hạ của biến chứng sang tim nhưng ngày ngày, đôi tay co quắp ấy vẫn vỗ về, chăm sóc cho khá nhiều người. Không cần ai phân chia, bà Hen tự xung phong làm “bảo mẫu” với mong muốn chia sẻ bớt phần nào nỗi đau ở những cụ già bị bỏ rơi này. Đu đưa một chân còn lại trên chiếc xe lăn quen thuộc, bà Hen nói với giọng trầm trầm: “Mình không gia đình, con cái, ở không cũng buồn. Thôi thì giờ còn khỏe mạnh giúp được ai cứ giúp. Biết đâu mai mốt lại nhờ vào người khác”. Công việc hàng ngày của bà Hen là đi chợ, nấu nướng, đút cơm cho 8 bà cụ bị liệt ở đây. Người thường chăm sóc bệnh nhân đã đủ bề mỏi mệt chứ nói gì đến một người khiếm khuyết như bà Hen. Vậy mà chưa khi nào bà than thở hay gắt gỏng với ai dù lắm lúc mấy “bà bạn già” trở chứng không chịu ăn, mè nheo đủ thứ như trẻ con. “Mình sống sao để tàn nhưng không phế chứ suốt ngày buồn rầu vì bệnh tật cũng đâu thay đổi được gì. Vào đây, ai cũng như ai, phải dựa vào nhau mà sống”, bà Hen trải lòng.
Bài, ảnh: Yên Nhi
Hơn 50 năm qua, Bến Sắn là “điểm dừng chân” cho rất nhiều người mắc bệnh phong. Họ tìm về đây sau nhiều lần “luân chuyển” như một duyên nợ để rồi chọn nơi này làm “chỗ dựa” khi tuổi xế chiều. Họ chấp nhận bệnh tật, sự xa lánh của người đời như sự an bài của số phận. Thế nhưng, trong sâu thẳm nỗi đau, họ cần lắm một lần siết tay, một cái ôm thật chặt hay những lời vỗ về từ người thân, con cái. |
Bình luận (0)