Anh Huỳnh Quang Lĩnh đang dạy học trò viết thư pháp với chữ Khoa đẩu
|
Tay ngang rẽ qua nghề hội họa, rồi viết thư pháp và do yêu lịch sử, anh tìm về chữ Khoa đẩu – một bộ chữ được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định đó là chữ của người Việt có từ hàng nghìn năm trước .
Trong không gian ấm áp của một quán trà đạo nằm trên đường Trần Khắc Chân, phường 9, quận Phú Nhuận, anh Huỳnh Quang Lĩnh (Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM) không chỉ dạy bạn trẻ viết thư pháp bằng chữ Việt mà còn bằng chữ Khoa đẩu để nhớ về cội nguồn dân tộc Việt.
Học chữ Khoa đẩu vì yêu lịch sử
Vừa bước vào Trà quán thư pháp, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là bên cạnh những bức thư pháp còn có rất nhiều con chữ ngoằn ngoèo khá giống con nòng nọc viết trên các nan tre, phiến đá được dán và treo xung quanh bức tường. Nếu chưa nghe nói đến bộ chữ này, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây là một loại chữ nước ngoài đã được phiên âm chứ ngờ đâu nó lại là chữ Việt đã có cách đây hàng nghìn năm.
Cách đây khoảng 3 năm, anh vô tình đọc một bài báo về chữ cổ của Việt Nam (tức là chữ Khoa đẩu), anh vội vàng liên hệ ngay với nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền – người đã bỏ ra hơn 50 năm nghiên cứu về bộ chữ này – để xin theo học. Và cho đến nay, có lẽ ở mảnh đất Sài thành tấp nập này, chỉ có anh là người đầu tiên tìm đến, học và truyền lại chữ viết của người Việt cổ xưa cho các bạn trẻ. Anh nói: “Bộ chữ gồm 47 chữ cái và không có dấu (chỉ có âm trầm và âm bổng), trong đó có 17 chữ theo vần bằng là phụ âm đi với thanh không, 16 chữ theo vần trắc là phụ âm đi với thanh huyền, 11 nét phụ (tứ bàng phụ họa) cho những từ vần bằng là nguyên âm. Đây là loại chữ ghi phát âm tiếng nói (không phải là chữ tượng hình nguyên thủy) có cấu tạo gần với hệ chữ Latin của phương Tây nên việc học không khó. Hầu hết, các bạn trẻ đến đây học khoảng 10 đến 15 ngày là có thể đọc viết được bộ chữ này”.
Mặc dù để học và viết chữ Khoa đẩu không khó nhưng khi phát âm để ghép vần, anh đã gặp không ít khó khăn bởi anh là người miền Nam, trong khi bộ chữ này lại theo cách phát âm của miền Bắc, không phân biệt rõ các phụ âm như l/n, s/x, d/gi, tr/ch… nên phải nhờ hết người này người nọ quê ở tận miền Bắc phát âm để học và hiểu rõ. Ngoài những khó khăn này, anh còn phải vật lộn khi ghép các từ thành chữ bởi chúng không tuân theo một quy luật nào như chữ viết hiện nay. Anh chia sẻ: “Tiếng Việt hiện hành thường phụ âm đứng trước phần vần đứng sau, còn với chữ Khoa đẩu thì không theo luật này mà sắp xếp khá lộn xộn, phụ âm thường đứng sau các nguyên âm hay có chữ không viết một hàng dài mà đôi khi lại nằm ở trên. Chẳng hạn, chữ “đồng” trong chữ Khoa đẩu xếp nguyên âm ô sẽ đứng trước, còn phụ âm đ và ng đứng kế sau. Ngoài ra, một khó khăn nữa là một số chữ các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải thích được vì sao lại được viết khá giống nhau nên đôi khi phát âm sai và hiện vẫn đang nghiên cứu thêm”.
Với những trở ngại này, anh vừa học lại vừa mày mò nghiên cứu, có lúc anh thức trắng đêm để học ghép vần ghép chữ và soạn tài liệu cho các bạn trẻ học. Anh in các chữ Khoa đẩu ra thành sách rồi đi đâu anh cũng mang theo để ghi nhớ. Có lẽ, lòng đam mê lịch sử, tình yêu dân tộc sâu đậm là động lực giúp anh theo đuổi loại chữ cổ này.
Truyền chữ cho mọi người
Chữ Khoa đẩu |
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, ai thường đi qua đoạn đường Phạm Ngọc Thạch (trước cổng Nhà Văn hóa Thanh niên) hay ngang qua đoạn đường hoa Nguyễn Huệ thường thấy một ông đồ đang ngồi viết thư pháp, đó chính là anh Huỳnh Quang Lĩnh.
Sinh năm 1982, tốt nghiệp ngành điện ở một trường trung cấp nhưng chỉ đi làm được vài tháng thì anh rẽ ngang sang ngành khác. Với bàn tay khéo léo, anh từng làm rất nhiều việc như trang trí sân khấu, hoa cưới, mâm ngũ quả, vẽ bảng quảng cáo… Rồi chẳng biết từ đâu, anh mày mò học viết thư pháp. Viết đẹp, anh trở thành một ông đồ “đắt khách” và nhiều người còn nhờ anh dạy thư pháp. Học trò của anh phần lớn là giới trẻ, tuổi chừng 15 đến 30 và cũng có một vài ông cụ, bà cụ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy.
Lúc dạy học trò viết thư pháp, anh đã trăn trở rất nhiều vì thiết nghĩ tại sao người Trung Quốc và nhiều dân tộc khác có chữ, còn dân tộc Việt mình đã có từ mấy ngàn năm trước thì lại không có mà phải vay mượn chữ Hán hay chữ Latin (chữ Quốc ngữ hiện nay). Vì thế, khi biết đến chữ Khoa đẩu này, anh hăm hở học tập và truyền lại cho các bạn trẻ. Anh chia sẻ: “Dạy chữ Khoa đẩu cho mọi người, tôi muốn họ hiểu hơn về lịch sử dân tộc và tự hào về truyền thống dân tộc mình. Hơn nữa người này biết sẽ giới thiệu cho người kia, từ đó bộ chữ này sẽ được phổ biến rộng rãi đến nhiều người và thậm chí là người nước ngoài”.
Với mong muốn này, những bạn trẻ đến học thư pháp anh đều vui vẻ dạy họ học thêm chữ Khoa đẩu miễn phí. Trong khoảng 20 học trò mà anh đang dạy thư pháp tại quán trà đạo thì có 5 người học thêm chữ Khoa đẩu. Ngoài ra, còn nhiều em nhỏ ở xa nghe tiếng tăm của anh cũng viết thư xin anh chỉ tài liệu để học.
Anh Nguyễn Văn Thảo (35 tuổi, nhà ở quận 2) là nhân viên thiết kế nội thất kể: “Mình biết anh Lĩnh qua các buổi sinh hoạt cùng CLB Mỹ thuật ở Nhà Văn hóa Thanh niên. Khi nghe anh kể về chữ Khoa đẩu, mình liền nhờ anh dạy vì cảm thấy thích. Ngoài học chữ, mình cũng thường đọc thêm về những nghiên cứu mới của các nhà lịch sử để xem với loại chữ này họ đã tìm thêm những điều gì mới. Thực ra, học viết chữ Khoa đẩu không khó lắm, các bạn trẻ nếu có thời gian nên tìm đến học coi như vừa giải trí, vừa hiểu thêm những giá trị truyền thống dân tộc”.
Là người am hiểu về thư pháp, thấy cách viết uốn lượn của thư pháp rất đẹp nên anh còn dạy cho học trò cách viết thư pháp bằng chữ Khoa đẩu. Anh tâm sự: “Học chữ Khoa đẩu mất khoảng 10-15 ngày người học sẽ biết mặt chữ nhưng để viết được thư pháp ít nhất phải mất hai tháng. Khi viết thư pháp, chữ Khoa đẩu vẫn giữ nguyên khung chính nhưng được viết theo nét chữ bay bổng hơn, đẹp hơn”.
Để mọi người tìm đến chữ Khoa đẩu không chỉ nhằm giải trí rồi đi vào lãng quên mà anh mong muốn chữ này được phổ biến ở mọi ngõ ngách của đất nước. Vì thế, anh tự bỏ tiền túi ra để đến các buổi gặp gỡ, giao lưu về chữ Khoa đẩu tận thủ đô Hà Nội.
Chia tay anh khi Sài thành đã rực rỡ ánh đèn, khác với không gian tráng lệ của một thành phố hiện đại, sau lưng chúng tôi như vẫn còn in đậm âm hưởng nét cổ xưa của người Việt qua những con chữ Khoa đẩu uốn lượn – một nền văn minh của người Việt cổ xưa.
Bài, ảnh: Hà Xuyên
Bình luận (0)