Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Về ngoại thành ngắm sen

Tạp Chí Giáo Dục

“Làng sen” thu hút khá đông người đến thưởng ngoạn
Chiều vương nắng, hàng lượt người từ phố phường đông đúc đổ về “làng sen”. Bạn trẻ có tâm hồn lãng mạn đến để thỏa thích ngắm, mân mê cành sen hay “bắt” người yêu lội xuống hái cho cành sen tỏa hương thơm ngát vì tội… chỉ có nàng mới biết.
Ao sen có chiều dài gần 500 mét chạy dọc giữa đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Mặc cho dòng người ồ ạt đổ về vây kín nhưng ao sen vẫn luôn êm đềm, tĩnh lặng. Theo người dân địa phương, trước đây chỉ có một vài nhánh sen vươn lên từ vùng trũng sình lầy giữa đại lộ nhiều làn xe. Về sau, sen mọc kín ao tỏa hương thơm ngát thu hút nhiều người đến thưởng ngoạn. Tên “làng sen” ra đời từ đó.
“Làng sen” giữa Sài Gòn
“Làng sen” đẹp, thanh bình nhất vẫn là buổi sớm khi sương mai còn đọng trên lá, búp sen non mơn mởn đang chờ nắng lên để khoe sắc thắm. Đến “làng sen” để tìm lại khoảng lặng quê nhà, để thỏa nỗi nhớ quê da diết là cảm xúc của những người tìm đến “làng sen” mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Bác Nguyễn Mậu quê ở Đông Nam bộ làm rể Làng Sen xứ Nghệ (Nghệ An). Cuộc mưu sinh đã đẩy đưa con người ly hương, vợ chồng bác Mậu cũng không ngoại lệ. Bao nhiêu năm sống xa quê, bác gái thèm được về lại Làng Sen quê nhà nhưng vì nhiều lý do không về thăm được. Nghe con cháu bảo ở đây cũng có “làng sen” nên bác Mậu chở bác gái ra ngắm sen cho vơi nỗi nhớ nhà. Ghé vào tai tôi, bác Mậu nói khẽ: “Bà nhà tôi thích lắm, bệnh đau uống thuốc nhiều hơn ăn nhưng cứ mỗi lần ra đến đây là người bà khỏe ra, cứ như được uống thuốc tiên vậy”.
Nằm lọt thỏm giữa hai hàng cây xanh tỏa bóng mát nên đến “làng sen” giờ nào cũng có cảm giác dễ chịu. Mặc dù nằm khá xa trung tâm thành phố nhưng từ sáng sớm, đặc biệt là ngày cuối tuần, từng đoàn người đủ mọi thành phần, tuổi tác đổ về như đi trẩy hội. Ngày nghỉ, để có được một chỗ ngồi ngắm sen lý tưởng, nhiều người phải tranh thủ ra khỏi nhà khi mặt trời vừa ló dạng. “Làng sen” có rất nhiều cá thiên nhiên nên đây cũng là địa chỉ thu hút nhiều người đam mê thú câu cá. Gần đây, trong cuốn sổ của những tay chụp ảnh cưới có thêm một địa chỉ chụp ảnh ngoại cảnh mà những đôi lứa sắp thành hôn mới nghe thôi đã muốn đi lập tức.
Cuộc sống công nghiệp đang dần biến con người trở thành một cỗ máy tất bật quay cuồng. Một khoảng không gian yên ả, bình dị mà gần gũi để thị dân xả stress mà không phải mất tiền quả là hiếm. “Làng sen” là nơi mà mọi người tìm về thả lòng mình với thiên nhiên, ngẫm nghĩ về những tháng ngày đã qua để rồi tự chiêm nghiệm mà thay đổi lối sống, suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Đó là suy nghĩ của đôi bạn trẻ Thanh Hoài – Ngọc Miên (nhân viên Ngân hàng Đông Á).
Những tâm hồn đồng điệu
Bác Mậu lo rằng, liệu mai đây “làng sen” có còn dòng người nườm nượp đổ về hay chỉ còn lại cái tên trong ký ức? Cho nên, được ra đây ngày nào là thỏa thích ngắm, để hoài niệm. Nỗi lo của bác Mậu cũng là nỗi lo chung của những người yêu sen. Nghe đâu, gần đây, một số ít bạn trẻ thiếu ý thức đậu xe dưới lòng đường làm mất trật tự an toàn giao thông trên khu vực nên chính quyền địa phương đang kiến nghị lấp ao để khắc phục. Vẫn biết đó là một giải pháp hay, song việc xóa sổ “làng sen” cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi một điểm dã ngoại lý tưởng có-một-không-hai ở một thành phố công nghiệp.
Không ít bạn trẻ vì không cưỡng nổi cái đẹp thanh tao, muốn sở hữu một cành sen lại nằng nặc bắt người thân hoặc tự mình lội xuống hái. Một người hái được thì nhiều người làm theo khiến “làng sen” nát bươm là hình ảnh thi thoảng xảy ra khiến nhiều người yêu sen cảm thấy nhói lòng. Cũng như bác Mậu, nhiều người lớn tuổi đến “làng sen” vừa thư giãn vừa làm tình nguyện viên môi trường để nhắc nhở các bạn trẻ không nên hủy hoại sen dưới mọi hình thức.
Sau giờ tan ca, chị Nguyễn Thu Hằng (công nhân Công ty Nhôm Inox Kim Hằng) cùng nhóm bạn ra “làng sen” hóng mát. Sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười, hình ảnh đóa sen hồng quanh ao nhà đã quá quen thuộc với chị. Chị Hằng trải lòng: “Mỗi lần nhớ nhà, ra đây ngắm sen cảm thấy trong người thoải mái vô cùng. Hình ảnh các bạn trẻ cầm cánh sen tung tăng thích lắm, nó gợi lại tuổi thơ vô tư, trong sáng của mình nhưng sẽ đẹp biết bao nếu mọi người biết yêu, quý sen hơn nữa”.
Quãng trước, người đi đường thường ghé lại hái một ít ngó sen về chế biến thức ăn, người dân địa phương còn nhắm đến sen để mưu sinh nhưng nay đã giảm đáng kể. Được như vậy là nhờ công sức của những người yêu sen, yêu cái đẹp toát lên từ bùn đã ngày đêm ra sức bảo tồn và gìn giữ “làng sen” thiên nhiên để tôn vinh cái đẹp. Là người địa phương với ba đời làm nông, ông Nguyễn Vỹ luôn xem sen mọc tự nhiên là báu vật của sự sống. Ông Vỹ giải thích cụm từ “báu vật của sự sống” theo kiểu nhà nông thế này: “Trước giờ ao ruộng mênh mông mà có thấy cành sen nào đâu, tự nhiên gần đây mọc lên nhiều vô kể. Nghĩa là ông trời đã ban tặng cho vùng đất này cái đẹp mà không phải nơi nào cũng có”. Có lẽ vì thế mà mỗi chiều, ông Vỹ ra bờ ao đứng nhìn chứ không dám đưa tay hái, dù chỉ một cánh đã úa tàn”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Sen là một biểu tượng cao đẹp, có ý nghĩa sâu sắc. Ngắm sen cũng phải có văn hóa chứ đừng nói chi đến việc lội xuống giẫm đạp để hái từng nắm sen, đau lòng lắm”, bác Nguyễn Mậu nói.
Cùng bạn đọc!
Vì nhiều lý do, tòa soạn tạm ngừng đăng loạt bài Thú chơi kinh dị, mong bạn đọc thông cảm. 
 
 

Bình luận (0)