Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Gần học trò, càng thêm yêu nghề giáo!

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Bùi Thị Mai Châu bên bàn làm việc

Ngày nào còn được học trò khoanh tay cúi đầu chào thì ngày ấy chị còn niềm vui cầm phấn đứng trên bục giảng. Cái niềm vui tưởng chừng rất giản đơn, nhỏ bé ấy thôi nhưng đã là động lực đối với chị trong suốt 8 năm ròng dạy học…
Chị, cô giáo Bùi Thị Mai Châu (Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Nam Sài Gòn) vừa vinh dự được Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 13, một giải thưởng dành để tôn vinh các thầy cô giáo tiêu biểu của ngành giáo dục thành phố (sẽ chính thức diễn ra vào ngày 14-11 tới).
“Ghét nghề nào trời trao nghề ấy”
Gặp chị ngay sau hôm biết tin, chị thực sự vui và không giấu nổi bất ngờ. Vậy là từ nay, trong bộ sưu tập giải thưởng của chị lại có thêm một tấm bằng khen nữa, cùng với không ít những danh hiệu đã đạt được trước đó. Có lẽ, số bằng khen chị có trong tay đến thời điểm này còn nhiều hơn số năm chị hoạt động tại ngành giáo dục. Điều đó cũng hoàn toàn xứng đáng thôi, so với tất cả những gì chị đã nỗ lực cống hiến.
Chẳng biết khi người ta đã quyết định từ chối một chọn lựa nào đó trong cuộc đời mà cuối cùng lại vẫn nhận về chính điều ấy thì có được gọi là duyên số hay không, nhưng có lẽ chị có duyên với nghề giáo thật. Bởi trước đây chị cũng từng đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM và nếu chọn học, chị đã đến thẳng được với vạch đích, thậm chí thuận lợi và dễ dàng hơn rồi. Nhưng chị đã rẽ sang một lối đi khác, theo đuổi ngành công nghệ thông tin (Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) bằng đúng niềm đam mê của mình. Tốt nghiệp đại học, vô tình, rất vô tình thôi, chị nộp hồ sơ vào Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn và được xếp lớp dạy buổi tối. Lúc đó, chị cũng không nghĩ gì hơn ngoài việc thực hiện công việc dạy học đơn thuần và cũng chưa hình dung được rằng mình sẽ có lúc như ngày hôm nay, tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm theo đuổi nghề giáo. Chị có ngờ đâu môi trường dạy học lại là mảnh đất ươm mầm cho năng khiếu sư phạm dường như cũng đã “tiềm ẩn” đâu đó trong con người chị từ lâu lắm rồi. Chị được chuyển sang dạy lớp ban ngày và đó chính là bước ngoặt quan trọng đầu tiên với cuộc đời giáo viên của chị. Chị đã phải tự bồi dưỡng chuyên môn nhiều hơn, tích cực học hỏi đồng nghiệp để nâng cao tay nghề phục vụ tốt công tác giảng dạy của mình, của một giáo viên trẻ mới ra trường còn đầy lạ lẫm. Cuộc đời này lạ lắm, khi người ta biết rơi nước mắt vì nỗi buồn thì cũng có lúc lại khóc cho niềm hạnh phúc. Ngày chị được trường cử đi dự thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, nước mắt trong chị không hiểu vì sao cứ dâng trào. Vinh dự là đây nhưng theo sau nỗi vui đó cũng là thử thách lớn, chị biết vậy. Thời điểm ấy, chị cũng mới chỉ trải qua một học kỳ đầu đứng lớp, kinh nghiệm còn “non” vô cùng. Chị khóc thêm một lần nữa vào cái ngày hay tin mình trở thành giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, bảo là rất bất ngờ nhưng ai cũng hiểu, đó chính là thành quả của những gì mà chị đã hết sức cố gắng.
Chị bảo, chính chị cũng không nhận ra mình thời điểm bây giờ và 8 năm về trước. Khác lắm, thay đổi lắm! Nếu 8 năm trước, mọi người biết đến một cô gái trẻ Mai Châu khá nhút nhát với giọng nói mà chị cho là “yếu ớt” thì nhiều năm gần đây, học trò và đồng nghiệp của chị không còn được nghe thấy chất giọng yếu ớt đó nữa rồi. Kết quả của những lần khản cổ với học trò trong từng công thức, phép tính, lần các em nghịch ngợm… ở những tháng ngày đầu đứng lớp là chị bị tắt tiếng và trong suốt một tháng trời, chị đã phải diễn tả mọi thứ bằng ngôn ngữ của đôi tay. Giờ đây, dù chị tỏ ra hài lòng với giọng nói “khàn khàn” của mình (vì theo chị, như vậy đỡ đi cảm giác “yếu ớt”) từ sau “tai nạn nghề nghiệp” ấy thì mọi người cũng ngầm hiểu rằng, đã có sự hy sinh rất đáng ghi nhận từ nơi chị. Chị tâm sự, đảm nhiệm dạy lớp học sinh hệ nghề thường vất vả gấp trăm lần lớp thường và đây được xem là thử thách đáng kể đối với giáo viên trẻ nhưng nếu thật sự tâm huyết, nhiệt tình thì môi trường này cũng là điều kiện tích lũy kinh nghiệm để giáo viên đó mau chóng vững vàng. Chị cũng đã bao lần rớt nước mắt nghẹn ngào khi đối mặt với học trò không nghe lời, nghịch phá. Cũng từng phải năm lần bảy lượt liên hệ gia đình, tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống thường nhật của học sinh để rồi, từ hiểu, cảm thông chị đã gần gũi, chia sẻ với các em, dần dần “dụ” được các em về gần hơn với trang sách. Học trò của chị khi là những em ở tỉnh xa, hàng tháng phải tha đồ lỉnh kỉnh nào là sách vở, gạo, mì… lên nhà trọ để học; lúc là những em tuổi 14-15 ngày ngày lội mưa, đội nắng đi bưng hủ tiếu… kiếm tiền phụ cha mẹ. Thương sự khó nhọc của học trò, ngày đêm chị mày mò những phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền tải. Nhất là giai đoạn đầu khi chị mới tiếp nhận cương vị Trưởng khoa, rồi thì công việc giảng dạy tất bật, có lúc chị phải rời trường vào 9, 10 giờ đêm, khi phố đã lên đèn và màn đêm báo hiệu tàn ngày làm việc từ lâu lắm. Thương chị, đôi khi là sự động viên khích lệ từ chồng, lúc lại là ánh mắt nghiêm nghị như nhắc nhở của anh để chị chú tâm hơn cho sức khỏe. Chị hiểu mình phải nỗ lực thêm nhiều…
Thái độ làm việc nghiêm khắc của chị, đôi khi học trò cứ hay gọi đùa bằng một từ “dữ” thôi, nhưng nhiều em sau đó, khi đã tốt nghiệp, kiếm được việc làm đúng sở nguyện và quay về trường gặp để tỏ lòng tri ân sự nghiêm khắc ấy thì chị lại vui. Và lại càng thêm yêu nghề giáo!
Ngày hôm qua như giấc mơ…
Xa hơn 8 năm về trước, hình dung qua lời kể của chị, chính tôi cũng không nhận ra thời thơ ấu của cô bé Mai Châu với những sớm thức dậy lúc 2 giờ sáng chưa kịp dụi mắt tỉnh ngủ đã phải khoác “phụ tùng” đi phụ mẹ cắt rau muống cho kịp bữa chợ sớm mai, rồi mới vội vã chạy đến trường. Sự khó nhọc của gia đình thời ấy không cho phép chị mơ ước một tuổi thơ với cuộc sống đủ đầy. Chị đã lớn lên bên những vạt rau muống thấm đẫm mồ hôi như thế, để rồi có lúc nhận ra rằng chính mỗi giọt mồ hôi nhỏ xuống lại là động lực để người ta vươn lên. Khóc sưng mắt cho cái lần suýt bị bỏ dở chuyện học vào cái hồi chị lên lớp 4 trong điều kiện gia đình quá thiếu thốn, chị càng quý trọng hơn niềm may mắn được cắp sách đến trường. Và ngôi vị thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của trường chị năm ấy có lẽ cũng không phải là quá bất ngờ đối với một cô học trò luôn biết nỗ lực.
Chị bảo, cuộc sống gia đình lớn – nhỏ của chị cũng mới đi vào ổn định trong vài năm gần đây thôi. Và hạnh phúc với mái ấm nho nhỏ cùng chồng lẫn cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh mỗi chiều tan tầm khiến chị không mơ ước gì thêm. Có lẽ chị sống giản dị quen rồi! Quen như cái công việc mỗi ngày đứng lớp mà chị vẫn bảo rằng nếu vì một lý do nào phải rời nó, chị coi như mất đi niềm hạnh phúc. Nhưng cũng giả dụ vậy thôi, chứ chị quyết tâm với lòng sẽ còn tiếp bước chân trên chặng đường dài không ít chông gai của nghề giáo, chỉ cần ngày nào còn được nhìn thấy học trò khoanh tay cúi chào, có lẽ vậy!
Bài, ảnh: Mê Tâm

Không chỉ từng đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm 2003, cô giáo Bùi Thị Mai Châu còn đạt được nhiều thành tích nổi bật khác: Bí thư chi đoàn xuất sắc (2003) do Quận đoàn quận 8 khen tặng; Gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2006); Chiến sĩ thi đua cấp thành phố (2007); Giảng viên tiêu biểu cấp thành phố (2009); Giáo viên chủ nhiệm xuất sắc (2010); Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cho hầu hết các năm học…

 

Bình luận (0)