Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người chuyên đặc trị môi trường bẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Hoàng Đức Thảo thăm công nhân tại một xưởng sản xuất. Mỗi sáng sớm, anh đều dành thời gian ra thăm hỏi, kiểm tra công nhân và tiến độ công việc

Người ta gọi anh bằng nhiều tên gọi: “hacker của mùi hôi”, “bác sĩ môi trường”, “dị nhân của làng khoa học”… Tất cả những điều ấy anh đều đón nhận và trân trọng bởi mỗi cái tên đều gắn liền với cách nhìn nhận, đánh giá của người đời. Nhưng hơn cả, anh vẫn thích được mọi người gọi bằng cái tên bình dị: kỹ sư Hoàng Đức Thảo.
Tôi gặp anh trong ngày hội công nhận kỷ lục gia Việt Nam năm 2009. Dáng vẻ thân thiện, gai góc pha lẫn chất quê mùa, ấn tượng ban đầu của tôi về anh chỉ có thế. Cho đến những lần gặp thứ hai, thứ ba sau này, tôi mới khám phá ra một điều: anh là người nổi tiếng.
Vượt lên chính mình
Quả không sai khi tôi gọi anh như thế. Bởi trong làng nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) và bảo vệ môi trường, tên của anh nổi lên như một huyền thoại về một con người dám nghĩ, dám làm, dám tư duy để tìm ra cái mới. Hàng loạt những sản phẩm, nghiên cứu khoa học đã ra đời dưới bàn tay của người kỹ sư chỉ có trong tay tấm bằng cử nhân kinh tế ấy. Nhưng mấy ai biết được rằng, đằng sau những thành công ấy là con đường không mấy bằng phẳng, cuộc đời anh đã phải trải qua biết bao sóng gió để có được thành công ngày hôm nay.
Hoàng Đức Thảo vốn xuất thân từ một vùng quê nghèo ở Thái Bình. Khác với sự tưởng tượng của nhiều người, anh không ham học và học hành cũng chỉ ở mức bình thường. Trong câu chuyện của mình, anh kể về một cậu bé nhút nhát nhưng lại rất nghịch ngợm, thỉnh thoảng lại bị thầy cô phạt vì tội quậy phá trong lớp. Sau khi trở thành học viên của Trường Công nhân kỹ thuật Việt Đức (Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức ngày nay), Đức Thảo phải lăn lộn, làm đủ thứ nghề như bốc vác, phụ buôn bán… để bươn chải trong cuộc sống. Hồi đó, anh cũng chưa có khái niệm về KHCN, có chăng cũng chỉ là đôi bàn tay dính đầy dầu mỡ vì phải… sửa xe cho khách hàng. Ra trường, anh trở thành công nhân kỹ thuật của Công ty Xây dựng số 10 (thuộc Bộ Xây dựng), là một trong những thế hệ công nhân đầu tiên đi xây dựng Nhà máy Xi măng Hà Tiên (Kiên Giang). Nhờ cần cù, sáng tạo trong công việc, anh được lãnh đạo công ty cử đi học nghiệp vụ quản lý kinh tế – tài chính. Bắt đầu từ đó, Hoàng Đức Thảo liên tục theo học ĐH Tài chính – Kế toán, ĐH Kiến trúc tại TP.HCM để nâng cao trình độ, nghiệp vụ của mình nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu công việc. Ngoài việc học, anh còn làm thêm nhiều công việc khác nhau để vừa đảm bảo hoàn thành khóa học, vừa để trang trải cuộc sống.
Với những cố gắng vượt bậc ấy, năm 2003, Hoàng Đức Thảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây cũng chính là bước ngoặt lớn đưa anh đến với những sáng kiến và sản phẩm KHCN góp phần bảo vệ môi trường. Bà Rịa – Vũng Tàu được coi là tỉnh thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc nhưng hạ tầng của hệ thống thoát nước đã xuống cấp, thiếu thốn trầm trọng, ảnh hưởng tới môi trường sinh hoạt và cảm nhận của du khách khi đến tham quan. Lần đầu đi thực tế nơi công nhân làm việc, anh đã thực sự “choáng” khi thấy một vài người công nhân hết chui vào lại chui ra khỏi lòng cống, loay hoay một lúc mà chưa thực hiện được công việc. Để hiểu việc làm của họ, anh đã trực tiếp chui vào lòng cống và như chết lặng bởi những bùn sình, dầu mỡ, chất thải từ các nhà hàng… tạo nên một mùi hôi thối đến nghẹt thở. Rời công trường, Thảo trở về với bao suy nghĩ ngổn ngang. Anh thương những người công nhân phải dầm mình dưới cống với bao mối nguy hiểm, bệnh tật rình rập để moi móc từng xô phế thải. Và lúc ấy, ý tưởng phải có một công cụ thay thế con người làm việc đã lóe ra trong đầu người quản lý trẻ. Nhưng chưa một nơi nào có được loại máy móc như anh mong muốn. Sau sáu tháng mày mò, tìm hiểu tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, anh nghiên cứu và cho ra đời Cụm tời nạo vét hệ thống cống thoát nước. “Ngày cho vận hành máy, tôi đã mời Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh về thử nghiệm. Nhưng có lẽ do lần đầu tiên, lại thêm có sự xuất hiện của “ông lớn” nên số công nhân vận hành lúc đó rất run khiến máy giật tung. Ông Giám đốc Sở không nói gì, chỉ lẳng lặng đi về. Bản thân tôi nghĩ mình thất bại nên cũng đi tiếp khách đến mấy tiếng sau mới quay lại. Nhìn cảnh anh em công nhân dây nhợ “bó” máy khiến tôi bật cười. Tháo hết dây nhợ, cố vận dụng tất cả các nguyên lý có được, chúng tôi thử lại và… máy chạy ngon lành. Niềm vui như vỡ òa, anh em chúng tôi ôm nhau trong niềm vui sướng tột độ. Sản phẩm đó sau này đạt giải ba giải thưởng Sáng tạo KHCN (không có giải nhất, nhì) và huy chương bạc do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Hiệp hội Các nhà sáng tạo quốc tế (IFIA) trao tặng. Công suất lên đến 500-600kg và có thể vận hành trong điều kiện cống ngập nước hoàn toàn” anh Thảo hạnh phúc kể lại công trình đầu tay của mình.
Thành công nhờ… liều
Sau thành công từ công trình đầu tay ấy, hàng loạt sản phẩm ứng dụng bảo vệ môi trường đã được ra đời từ những trăn trở, băn khoăn của anh trước nhu cầu thực tế. Đó là hệ thống ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới, bể phốt kiểu mới, cống điều tiết triều nhằm hòa loãng và thoát nước nhanh tại các kênh, mương, hồ chết… Để có được những sản phẩm đó, không biết bao nhiêu đêm anh thức trắng, lăn lộn ngoài công trường để tìm ra nguyên nhân, thiết kế và thử nghiệm sáng tạo mới. Những người nơi anh làm việc đã quá quen với hình ảnh “ông sếp” một mình ra công trường, lụi cụi làm việc giữa màn đêm thanh vắng vì bất chợt nghĩ ra một chi tiết quan trọng. Bắt đầu từ một doanh nghiệp nhà nước nhỏ lẻ, nên khi bắt tay vào nghiên cứu KHCN, anh và các cộng sự phải đối đầu với không ít khó khăn, thách thức. Đó không chỉ là vốn, kinh nghiệm, sự thuyết phục các nhà quản lý mà còn là thách thức từ chính bản thân mình. “Các sáng tạo KHCN của tôi đều dựa trên những sản phẩm lỗi thời, được du nhập từ nước ngoài cách đây mấy chục năm và chưa có ai dám đề xuất cải tiến, tạo mới. Bản thân tôi lại chưa nắm rõ các nguyên lý, quy trình cũng như các công nghệ mới nên đã phải đắn đo rất lâu trước sự ngại ngần của mình. Nhưng rồi sự say mê, lòng quyết tâm và một chút… liều đã giúp tôi làm được điều mình muốn”, anh Thảo tâm sự.
Lẽ thường, các doanh nghiệp thường chú ý tới việc sản xuất để tăng nguồn lợi kinh tế. Nhưng với Hoàng Đức Thảo, anh lại hướng mũi nhọn của mình sang nghiên cứu KHCN nhằm phục vụ nhu cầu cấp thoát nước và bảo vệ môi trường. Hằng năm, thu nhập từ việc nghiên cứu KHCN chiếm hơn 80% tổng doanh thu toàn công ty. Sau sáu năm thành lập, với 15 sản phẩm thuộc các lĩnh vực KHCN anh đã đưa doanh nghiệp của mình trở thành một đơn vị có tên tuổi trong cả nước. Sản phẩm của anh được ứng dụng thành công trên 28 tỉnh thành trong cả nước và bước đầu xuất khẩu sang Malaysia. Công ty của anh là một trong 4 doanh nghiệp KHCN được chứng nhận ở Việt Nam. Riêng bản thân mình, anh cũng được ghi nhận là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đoạt nhiều giải thưởng sáng tạo của Tổ chức Sáng tạo quốc tế gồm 2 cúp vàng, 1 cúp bạc và 3 giấy chứng nhận sáng tạo quốc tế, hàng loạt huy chương trong nước… Nhưng với anh, thành công chính là được đóng góp sức mình cho nền KHCN, đưa ứng dụng của mình phục vụ lợi ích cho nhân dân.
Bài, ảnh: Tường Vy

Trong sản xuất kinh doanh, anh luôn nhắc nhở bản thân và các cộng sự của mình phải nói “không” với các sản phẩm có lỗi. Một sản phẩm khi ra đời phải được thử nghiệm nhiều lần để không bị sai sót, gây thiệt hại cho khách hàng. Chữ “tâm” trong kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, phải coi khách hàng là “ân nhân” chứ không phải là “thượng đế” để phục vụ tận tâm, tận tình.

 

Bình luận (0)