Cô giáo Trần Thị Kim Lan đang dạy học sinh chậm phát triển tập đọc |
“Cô ơi, bạn khóc”. Nghe xong, chị lật đật chạy lại ôm lấy cậu bé đang khóc và hỏi: “Sao vậy con?”. Chỉ về cô bạn bên cạnh, cậu bé mếu máo: “Bạn giành kẹo của con”. Thế là chị dẫn cậu bé ra căng tin và móc tiền túi mua kẹo cho em… Đây là hình ảnh quá quen thuộc mà nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 nhìn thấy ở cô giáo Trần Thị Kim Lan – chủ nhiệm lớp chậm phát triển.
“Sau khi ra trường, bạn bè được dạy ở đất liền còn tôi thì phải ra cù lao dạy. Lúc về TP.HCM, đồng nghiệp dạy lớp bình thường, riêng tôi lại dạy lớp chuyên biệt. Tôi tuổi trâu mà, cực lắm!”, chị bắt đầu câu chuyện về những năm tháng đi dạy của mình.
Suýt bỏ dạy vì… bị té ruộng
Năm 1993, chị tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Tiền Giang. Ngay lập tức chị bị phân công về dạy tại Trường Tiểu học Bình Xuân 2, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Là con nhà nông, ngày này qua tháng khác chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên khi được đi dạy chị vui lắm. Ngày đầu tiên tới trường chị vô cùng háo hức, trên đường đi cứ miên man nghĩ về trường, về lớp và về những học sinh của mình. Song, sự thật đã khiến chị không khỏi chạnh lòng. Chị kể: “Tôi nhận nhiệm sở đúng vào mùa nước nổi, Trường Tiểu học Bình Xuân 2 lại nằm giữa cù lao nên ba bề bốn bên nước trắng xóa. Không phân biệt được đâu là đường, đâu là ruộng nên tôi bị té xuống ruộng và uống nước no bụng. Người ướt như chuột lột nhưng tôi vẫn phải đến trường. Nhìn thấy trường là những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, trong lớp chỉ có bàn, ghế và bảng, còn bàn giáo viên thì như muốn sập xuống vì quá cũ, tôi càng buồn hơn. Chiều hôm ấy về đến nhà là tôi quyết định bỏ việc…”.
10 ngày không thấy chị đến trường, cũng không thấy báo cáo gì nên Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bình Xuân 2 đã tới nhà chị hỏi thăm. Thấy chị đòi nghỉ dạy, Ban giám hiệu đã an ủi, động viên rằng nước sẽ nhanh chóng rút, thế là chị đã quay lại trường.
Chị được phân công dạy lớp 1. Học sinh của chị là những đứa trẻ con nhà nông chân lấm tay bùn. Các em tới trường trong những bộ quần áo cũ của anh chị để lại, sách giáo khoa vừa thiếu vừa rách. Và đặc biệt, cả lớp hơn 30 em nhưng chỉ có 2-3 em đi dép, còn lại đều đi chân đất.
Không giống như trẻ em ở thành phố, trước khi đi học tiểu học đều qua mầm non, học sinh của chị là những đứa trẻ chưa một lần đặt chân tới cổng trường. Về trình độ, các em chẳng khác nào tờ giấy trắng – cái gì cũng không biết. Và chính chị – người thầy đầu tiên cầm tay các em để tập viết chữ o, chữ a… Qua chị, những đứa trẻ nghèo khó ở cái vùng quê heo hút này đã biết đọc, biết viết, biết làm toán. Cái chữ đầu tiên mà các em đọc, các em viết không phải tên của mình mà chính là tên cô giáo – cô Lan.
Thương tích đầy người do học sinh “bạo hành”
Năm 2003, chị theo chồng chuyển công tác lên TP.HCM. Cái ngày đầu tiên đặt chân vào cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, chị không khỏi ngỡ ngàng. Dẫu Trường Nguyễn Thiện Thuật không phải là một trường to lớn ở TP.HCM nhưng so với Trường Tiểu học Bình Xuân 2, Tiền Giang thì khác nhau một trời một vực.
Lúc đó, chị thật sự lo lắng. Chị lo cái bản chất quê mùa của mình có thể hòa nhập với các đồng nghiệp ở thành phố được không? Rồi lo học sinh ở thành phố lanh như vậy, liệu có “nói” được không…? Và sự lo lắng đó trở nên dư thừa khi Ban giám hiệu phân cho chị chủ nhiệm lớp chậm phát triển. Bởi đây là một “gánh nặng” mà không phải ai cũng gánh được.
Lớp của chị có 12 học sinh. 12 học sinh với 12 bệnh tật khác nhau – đứa thì bị đao, đứa bị tăng động, đứa lại tự kỷ, có đứa thì yếu chi… Các em không chỉ đa dạng về bệnh tật mà đa dạng cả về tuổi tác. Nếu ở các lớp 1 khác, chỉ có học sinh 6 tuổi thì lớp của chị có cả học sinh 7, 8, 9, 10 tuổi. Các em cũng đến từ nhiều gia đình ở nhiều quận, huyện khác nhau chứ không chỉ duy nhất Q.3… Ngày đầu tiên nhận lớp, chị đã “sốc”, cái cảm giác muốn bỏ nghề của 10 năm trước lại hiện về trong tâm trí chị.
“Lẽ nào đầu hàng, mình là con nhà nông, khó khăn nào mà không nếm trải chứ”, nghĩ vậy chị quyết định ở lại để “thuần phục” những học sinh “bất trị” này. Thời gian đầu đi học, mấy đứa tăng động cứ la khóc, chạy ngược chạy xuôi trong lớp học. Khi cô giáo kêu lấy sách, lấy tập ra học là xé sách, xé tập và cắn bút.
Điển hình như học sinh Phạm Thị Thanh Thúy (7 tuổi) bị tăng động. Cứ vào lớp học là Thúy la khóc, đòi ra ngoài chơi. Khi cô giáo không thỏa mãn nhu cầu, lập tức Thúy ôm lấy cô mà cắn, mà cào. Chị vén tay áo lên và chỉ cho tôi thấy những vết cào, cắn của Thúy. Sau ba năm học với chị, Thanh Thúy đã theo gia đình qua Mỹ. “Lúc này, Thúy đã đi vào nề nếp. Đến giờ là biết ngồi vào bàn học chứ không chạy lung tung như trước nữa. Cũng không còn cắn, cào cô giáo mà trái lại rất thương cô, cô nói gì cũng nghe”, chị kể.
Lớp học nhiều trình độ
Cô giáo Trần Thị Kim Lan và học sinh lớp chậm phát triển |
7 năm chủ nhiệm lớp chậm phát triển, đến nay chị cũng có vài học sinh lên được lớp 7. Trong đó có em Toàn, hiện đang học tại Trường THCS Thăng Long, Q.3. Toàn bị bệnh tự kỷ, em có một thói quen là cứ vào trường thì phải chào hết tất cả các thầy, cô giáo rồi mới lên lớp đi học. Trong trường có 10 hay 30 giáo viên thì Toàn gặp hết 10, 30 thầy, cô để chào. Có lúc gặp 4-5 thầy, cô giáo trong phòng giáo viên, Toàn chạy vào và đến trước mặt từng thầy, cô để chào: “Thưa cô, em mới tới”, “Thưa thầy, em mới tới”. Thậm chí, giáo viên đang dạy trong lớp, Toàn đứng ngoài cửa khoanh tay cúi đầu và chào: “Thưa thầy hoặc thưa cô, con mới tới”… Khi về cũng vậy, Toàn phải chào hết lượt thầy, cô đang có mặt trong trường rồi mới về.
Và bây giờ, khi sang học ở Trường THCS Thăng Long, Toàn cũng không quên đem theo thói quen này. “Ngoài tật trên, Toàn học rất khá, nhất là môn tiếng Anh – em có thể giao tiếp với người nước ngoài”, chị Lan cho biết.
Năm học 2010-2011, lớp của chị có tới 40 học sinh. Ngoài những học sinh mới cũng có rất nhiều học sinh cũ từ 2-3 năm trước. Chẳng hạn như Trung Nguyên (8 tuổi) đã học 3 năm lớp 1 và dự kiến năm học này cũng không thể lên lớp 2 được. Trung Nguyên vừa bị tăng động, vừa tự kỷ.
Phan Quang Phúc dù đã 9 tuổi nhưng bé nhỏ như đứa trẻ 6 tuổi. Phúc cũng học ở đây 2 năm rồi. Về giao tiếp, Phúc nhớ tên tất cả các bạn trong lớp nhưng học thì học trước quên sau.
“Đối với những học sinh này, giáo viên phải dạy cá thể, kèm từng em một. Chẳng hạn như buổi sáng 7 giờ 15 là vào học nhưng trước đó có học sinh nào trong lớp là giáo viên dạy học sinh đó. Buổi chiều, 4 giờ 15 về, em nào còn ở lại thì tiếp tục dạy em đó. Khi nhận lớp này, tôi không sợ bệnh thành tích như hiệu suất đào tạo, tỷ lệ lên lớp, các em học được đến đâu tôi dạy đến đó. Tôi đến với những học sinh kém may mắn này bằng cái tâm của một người thầy, cái tình của một người mẹ”, chị Lan tâm sự.
Bài, ảnh: Hòa Anh
Từ năm 2007 đến nay, thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tình yêu của chị đối với những học sinh thiếu may mắn này càng được tăng lên gấp bội. Bởi chị đã học hỏi được rất nhiều từ tấm gương của Bác. Ghi nhận những đóng góp của chị, thành phố đã trao tặng bằng khen: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. |
Bình luận (0)