Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Sắc mới Đông Trường Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngôi nhà vừa mới xây “bám mặt đường” . Những tốp học sinh tung tăng tới trường. Những chiếc xe tải, xe gắn máy “mát ga mát số” chở nông sản đi tiêu thụ. Những khuôn mặt lấp lóa nụ cười của người dân Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Cơ Ho, Xơ Đăng… Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi có dịp trở lại rẻo đất miền Trung – Tây Nguyên sau khi một số đoạn đường Trường Sơn Đông hoàn thành…
Đoạn đường đôi S1 tại xã Sơn Lang, huyện KBang (Gia Lai) vừa hoàn thành
 Nhờ Đảng, Nhà nước mà người dân Tây Nguyên có con đường đẹp!
So với lần lên Tây Nguyên hồi đầu năm 2011, việc đi lại của chúng tôi bây giờ đã thuận tiện hơn nhiều. Đại tá Ngô Văn Linh, Trưởng phòng Kế hoạch Ban quản lý Dự án 46 (thuộc Bộ Tổng tham mưu) tiết lộ: “Rồi anh sẽ thấy, sẽ có nhiều đổi thay ở Đông Trường Sơn nhờ có tuyến đường Trường Sơn Đông”.
Quả vậy, người dân xã Sơn Lang, huyện KBang (thuộc tỉnh Gia Lai) cũng không thể ngờ rằng, có một ngày giữa núi rừng hoang vắng mù sương, xa đồng bằng hàng trăm ki-lô-mét, bỗng xuất hiện một con đường đôi đẹp đến mê hồn. Đoạn đường này thuộc gói thầu S1, chiều rộng tới 25m, mặt đổ bê tông xi măng mác cao dày 24cm, phẳng lỳ. Không chỉ có ở huyện KBang, nhiều đoạn tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Quang Nam, Quang Ngãi… đã và đang hiện rõ hình hài con đường chiến lược. Gặp chúng tôi, bà Lê Thị Thịnh, trú tại xã Hiếu, huyện Kon Plong (Kon Tum) thật thà kể: “Tôi là người dân gốc Quảng Ngãi, lên xây dựng quê hương mới tại Kon Tum đã gần 15 năm nay. Nhà tôi ở gần trung tâm xã nhưng con đường trước mặt bao nhiêu năm nay chỉ là một con đường mòn, bé tẹo. Nay nhờ ơn Đảng và Nhà nước, điều bộ đội lên xây dựng một con đường đẹp như thế này, chúng tôi rất phấn khởi. Nhà tôi đã mở cửa hàng chuyên kinh doanh các loại nấm, xe ô tô chở hàng về dưới xuôi tiêu thụ tiện lắm”.
Xã Hiếu dẫu sao cũng có con đường liên thông với các địa phương lân cận. Nhưng ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) thì bao đời nay giống như một ốc đảo. Nay, tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua, nối tỉnh Quảng Nam với tỉnh Quảng Ngãi, nhiều hộ gia đình Hiệp Hòa bỗng nhiên trở thành “dân mặt đường”. Hiện tuyến đường hầm “thông xã” đang được Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Lũng Lô gấp rút thi công. Gặp chúng tôi ngay tại đường hầm, Đại tá Tăng Văn Chúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên – Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Trên tuyến đường Trường Sơn Đông, Công ty chúng tôi có nhiệm vụ thi công 2 hầm xuyên núi, có khổ rộng 10m. Đường hầm H1 dài 254m (tại tỉnh Quảng Nam) và đường hầm H2 dài hơn 800m (tại tỉnh Đắc Lắc), kết cấu hầm được thiết kế thi công theo công nghệ NATM, công nghệ của Áo, hiện đại nhất hiện nay. Chúng tôi phấn đấu sẽ thông đường hầm H1 trước 30-9. Nếu tuyến hầm này được khai thông, sẽ giảm khoảng 50km đường vòng vèo quanh các triền núi”.
Vượt nắng, thắng mưa trên công trình chiến lược
Mới đây, khi có mặt tại một số điểm thi công trên tuyến đường Trường Sơn Đông, chúng tôi ghi nhận khí thế thi đua “vượt nắng, thắng mưa” của các đơn vị thi công trên công trường. Theo Đại tá Phạm Tiến Nhượng, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án 46 (thuộc Bộ Tổng tham mưu): Dự án xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông là một nhiệm vụ lớn, quan trọng mà Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện, có ý nghĩa chiến lược cả về quốc phòng – an ninh và kinh tế – xã hội. Đến nay, chúng tôi đã triển khai thi công 50/70 gói thầu, trong đó đã thông nền được 350km, hoàn thành 230km mặt đường cấp cao bê tông xi măng và bê tông nhựa. Cùng với đó, đã cơ bản hoàn thành 15 cầu các loại và 2 đường đôi lưỡng dụng, đang tiến hành nghiệm thu và từng bước đưa vào sử dụng.
Do đây là một dự án lớn, với số tiền (sau khi điều chỉnh) lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, nên công trình xây dựng đường Trường Sơn Đông thường xuyên nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp. Trong chuyến kiểm tra việc thi công mới đây, đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và một số bộ, ngành liên quan đều đánh giá cao việc Bộ Quốc phòng tổ chức chủ trì quản lý, thi công dự án này. Ông Trần Bá Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, thuộc Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) nhận xét: “Chỉ cần nhìn cách bố trí công trường là có thể biết chất lượng sản phẩm ra sao. Qua kiểm tra, khảo sát, tôi cho rằng các nhà thầu tổ chức công trường và thi công rất tốt. Bên cạnh ý nghĩa quan trọng về quốc phòng – an ninh, tuyến đường Trường Sơn Đông còn được bổ sung vào mạng lưới giao thông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông theo trục dọc của đất nước”.
Còn ông Vũ Trung Thành , Chuyên viên Vụ Tài chính Quốc phòng – An ninh (Bộ Tài chính) thì bộc bạch: “Chúng tôi rất tin tưởng khi dự án này được giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện. Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng với Kho bạc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân, giúp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án”.
Đường lớn đang mở, sắc mới đã hiển hiện trên những cung đường vừa hoàn thành. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tân Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: “Sơn Tây là một huyện nghèo, 90% dân số là bà con dân tộc thiểu số, 67% là hộ nghèo. Nhờ con đường này mà bà con nông dân có đường để vận chuyển vật liệu, nông sản đi bán, tạo điều kiện giao thương với nhiều địa phương, các cháu học sinh thuận tiện đến trường, văn hóa – xã hội có điều kiện phát triển”.
Một trục dọc mới song song với Quốc lộ 1A đang từng bước hình thành, mở ra một hành lang thông thương, nhiều tiềm năng ở rẻo đất Đông Trường Sơn.
Theo Lê Thiết Hùng
(QĐND)

Bình luận (0)