Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao. Tỉnh hiện có 745 trường học các cấp với 22 nghìn cán bộ, giáo viên; trong đó, bậc học phổ thông có 515 trường với hơn 340 nghìn học sinh, giáo dục chuyên nghiệp có 10 trường với quy mô đào tạo hơn 10 nghìn sinh viên, 212 cơ sở thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên; bình quân mỗi năm đào tạo và bồi dưỡng cho hơn 40 nghìn lượt người.
Học sinh lớp nghề sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường trung cấp nghề Gia Lai trong giờ học.Ảnh : LÊ HOÀ
|
Ðối với các trường chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong phương pháp đào tạo, mở rộng các hình thức liên kết tạo môi trường thuận lợi cho lao động nâng cao trình độ và tay nghề. Trong giai đoạn 2006 – 2010, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 70 nghìn người, trong đó hệ dài hạn (trung cấp) chiếm 10%; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề tăng nhanh hằng năm, từ 11% (năm 2001) lên 30% (năm 2010).
Các ngành nghề đào tạo ở các trung tâm, các trường trung học chuyên nghiệp đa dạng, phù hợp yêu cầu thực tế, gắn với giải quyết việc làm ở từng vùng. Trong nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy Gia Lai coi công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực là một yêu cầu cấp thiết đối với một tỉnh miền núi, nhất là khi địa phương đang đẩy mạnh CNH, HÐH. Theo đó, Tỉnh ủy đề ra nhiều giải pháp để công tác đào tạo nguồn nhân lực đạt hiệu quả cao hơn, như: quy hoạch phát triển mạng lưới các trường chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề; huy động các nguồn lực đào tạo theo hướng xã hội hóa; thực hiện các chính sách ưu đãi để tuyển dụng, thu hút đội ngũ giáo viên có trình độ cao.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ nay đến cuối năm, tỉnh Vĩnh Long tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp và xây mới bảy chợ nông thôn; trong đó, ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ các chợ ở vùng nông thôn, vùng sâu và các chợ thuộc xã điểm thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới. Năm 2011, tỉnh có kế hoạch xây dựng, nâng cấp 16 chợ nông thôn, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 31,3 tỷ đồng. Tỉnh kêu gọi đầu tư, thực hiện đa dạng hình thức huy động vốn từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khai thác quỹ đất khu vực chung quanh chợ tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách đối với các chợ vùng nông thôn sâu, vùng dân tộc thiểu số…; xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có quỹ đất phù hợp quy hoạch phát triển chợ thực hiện liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác kinh doanh chợ… Tại các xã điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh thực hiện lồng ghép dự án nâng cấp chợ với các nguồn vốn chương trình mục tiêu để tăng hiệu quả đầu tư. Từ nay đến cuối năm 2011, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ Mỹ An (huyện Mang Thít), Hòa Ninh (Long Hồ), Trung Thành, Hiếu Nhơn, Quới Thiện (Vũng Liêm), Thành Lợi (Bình Tân), Hựu Thành (Trà Ôn); hoàn thành, đưa vào hoạt động các chợ xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm), chợ xã điểm xây dựng nông thôn mới Thành Ðông (Bình Tân).
Theo NDDT
Bình luận (0)