Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Siết chặt kỷ luật đợt thi thứ 2

Tạp Chí Giáo Dục

TS thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trao đổi bài trong đợt 1 kỳ thi ĐH-CĐ 2013. Ảnh: M.Tâm
Sáng nay (8-7), thí sinh (TS) trên cả nước tiếp tục đến trường làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2 cho các khối B, C, D và năng khiếu. Theo Bộ GD-ĐT, đợt thi này diễn ra với nhiều khối, đặc biệt là có nhiều môn xã hội nên sẽ siết chặt hơn nữa kỷ luật nhằm loại bỏ tình trạng TS sử dụng tài liệu, quay cóp…
Khác với mọi năm, lịch thi năm nay sẽ có sự đảo trật tự các môn thi. Cụ thể, ở khối B, môn toán sẽ thi đầu tiên thay vì môn sinh như mọi năm. Ngược lại, môn sinh thi vào buổi thứ 2. Khối C, môn địa lí sẽ được thi trong buổi đầu tiên thay vì ngữ văn. Đồng thời môn ngữ văn lại thi vào buổi cuối cùng. Khối D, trình tự thi sẽ là toán – ngoại ngữ – ngữ văn; khác với các năm thi ngữ văn – toán – ngoại ngữ.
Khắc phục hạn chế đợt 1
Kết thúc đợt thi ĐH đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã điểm lại những mặt hạn chế để chú ý khắc phục trong đợt thi tới. Ông Hà Hữu Phúc (Phó giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho biết, tại đợt thi đầu tiên, nhiều trường thực hiện chưa đúng cách thức niêm phong, chưa dán đúng văn bản theo quy định. Đặc biệt, biên bản giao nhận đề thi mỗi trường thực hiện một kiểu.
Đợt thi này cũng đã xảy ra sự cố nhỏ về đề thi. Cụ thể, một đề thi bị để giấy trắng và một đề có đến 2 mã. Ngoài ra, trong khâu vận chuyển đề tại một trường ĐH đã gặp sự cố hư xe do dùng xe quá cũ. Rất may là tất cả sự cố này đều có phương án giải quyết kịp thời nên không ảnh hưởng đến quá trình làm bài của TS.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đại diện đơn vị in sao đề thi cho biết, đây là trường hợp hi hữu. Vì đề thi được in sao với khối lượng rất lớn nên có thể trong quá trình in đã bị dính giấy. Đơn vị sẽ rút kinh nghiệm cho những đợt thi sau.
Toàn đợt, cả nước có 134 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 19; cảnh cáo: 4; đình chỉ: 111). Trong số 111 TS bị đình chỉ thi, có 1 trường hợp thi hộ, còn lại chủ yếu mang điện thoại di động vào phòng thi. Bên cạnh đó, còn có 7 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 5; đình chỉ: 2).
Ông Đỗ Quốc Anh (Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) nhận định, từ khi TS được phép mang vật dụng “thu” mà không “phát” trực tiếp vào phòng thi nhằm chống tiêu cực đã tạo được sự giám sát vô hình từ phía TS. Theo đó, tinh thần trách nhiệm của cán bộ coi thi được nâng cao hơn. Khác với mọi năm, các trường hợp TS vi phạm đều do thanh tra bộ phát hiện thì năm nay chủ yếu từ phía cán bộ coi thi.
Kiên quyết chống… quay cóp

TS làm bài thi tại Trường ĐH Sài Gòn trong đợt thi ĐH-CĐ đầu tiên năm 2013. Ảnh: M.Tâm
Cũng theo ông Đỗ Quốc Anh, đợt thi thứ hai sẽ phức tạp hơn bởi lượng mã đề thi nhiều, khối và môn thi tăng, đặc biệt có nhiều môn xã hội, khả năng sẽ có TS sử dụng… phao thi, quay cóp.
Chỉ riêng TP.HCM đợt thi này đã có đến hơn 220.370 hồ sơ (HS) dự thi vào 38 trường ĐH tại 201 điểm. Trong đó, có những trường rất đông như: Trường ĐH Sài Gòn (22.746 HS, 21 điểm thi), Trường ĐH Y dược (19.440 HS, 21 điểm thi), Trường ĐH Nông lâm (18.314 HS, 16 điểm thi), Trường ĐH Sư phạm (14.575 HS, 9 điểm thi), Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân (13.407 HS, 22 điểm thi); Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm (12.981 HS, 8 điểm thi), Trường ĐH Công nghiệp (10.055 HS, 5 điểm thi), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (10.702 HS, 11 điểm thi)…
“Đối với những khối xã hội, phương hướng ra đề mở của bộ yêu cầu TS phải động não, tư duy làm bài chứ không chỉ học thuộc lòng sẽ góp phần hạn chế được tình trạng quay cóp. Đồng thời, công tác thanh tra, việc tăng cường giám sát kỳ thi sẽ được chú ý cao hơn nữa” – ông Đỗ Quốc Anh nói.
Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH) cho rằng, bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm của lực lượng coi thi, việc bố trí phòng thi đúng số TS quy định sẽ giảm thiểu hẳn khả năng sử dụng “phao”, quay cóp.
Khác với mọi năm, năm nay mỗi hội đồng thi tại TP.HCM đều được cử một cán bộ về điện túc trực và trang bị máy phát điện nhằm xử lý những tình huống mất điện khẩn cấp trong quá trình thi.
Ngày 6-7, Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng cho biết, trong kỳ thi ĐH, CĐ đợt 2, có 21.878 hồ sơ đăng kí dự thi vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Trong đó, đông nhất là TS dự thi vào khối D với 13.516 hồ sơ.
Kết thúc đợt 1, tại Đà Nẵng có 17 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại và sử dụng điện thoại di động trong phòng thi. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Việt (Trưởng ban Đào tạo tuyển sinh ĐH Đà Nẵng) cho biết, đa số các TS sử dụng điện thoại di động trong phòng thi là TS thi liên thông. Tuy nhiên, từ sai phạm này, thiết nghĩ ở đợt 2, các cán bộ coi thi cần nhắc nhở TS kỹ lưỡng hơn trong ngày học quy chế và cả trước lúc vào phòng thi, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Đợt 2, nhiều TS đến Đà Nẵng tạo nên tình trạng đông đúc tại các ga tàu, bến xe. Đặc biệt, tại Ga Đà Nẵng, số TS và người nhà đến mua vé quá tải nên xảy ra tình trạng đông đúc, chen lấn. Chị Nguyễn Thị Hiền, quê Quảng Trị cho biết: “Tôi đến hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng cuối cùng mua vé không có. Hai mẹ con đành phải bắt xe ôm đi ngược lên bến xe để mua vé cho con kịp thi đợt 2 ở Huế”.
Đợt 2, cụm thi Cần Thơ có 59.454 HS đăng ký dự thi, tăng hơn so với năm 2012. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ, trao đổi: “Đợt 2 này, trong mỗi hội đồng có nhiều khối thi, nhiều trường tuyển sinh, nên chúng tôi tập trung vào công tác an toàn đề thi. Các trưởng điểm thi được tập huấn rất kỹ để không lầm lẫn về khối thi, đề thi trong các buổi thi. Chúng tôi cũng quan tâm những phòng thi ghép, đảm bảo đúng qui chế của bộ. Mặt khác, chúng tôi cố gắng giảm số TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi”.
Kỳ thi tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Y dược Cần Thơ có 15.229 HS đăng ký dự thi, tăng 4.472 so với năm 2012. Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho biết: Đối với trường hợp mang thiết bị ghi âm ghi hình nhưng không có chức năng phát vào phòng thi, chúng tôi dán những qui định trước các phòng thi. Yêu cầu TS phải đăng ký thiết bị với cán bộ coi thi. Cán bộ báo lên phòng hội đồng. Quá trình thi, các cán bộ coi thi phải chú ý hành vi của những em này, không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiết bị để vi phạm qui chế”.
Nhóm PV
 
Điểm sàn sẽ giữ nguyên hoặc tăng hơn năm ngoái
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định, điểm sàn phụ thuộc vào đề thi và chất lượng TS. Xu hướng điểm sàn các năm gần đây hầu như ở mức 13, khả năng năm nay cũng sẽ giữ nguyên hoặc tăng.
Cũng theo tiến sĩ Chính, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức chấm điểm từ sau khi kết thúc đợt thi thứ 2 và hoàn thành vào cuối tháng 7. Bên cạnh lực lượng nội tại, ĐH Quốc gia TP.HCM còn mời một số giáo viên phổ thông có kinh nghiệm để tham gia chấm. Riêng khoa y sẽ nhờ Trung tâm Khảo thí thực hiện. Bài thi khối A của TS thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ được gửi sang chấm nhờ tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
M.T
 
 
Trên 800.000 hồ sơ đăng ký thi đợt 2
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đợt 2, cả nước có 838.291 hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm các khối B, C, D. Đợt 2, có 124 trường ĐH tổ chức thi. Khác với đợt 1, các TS dự thi đăng ký vào nhóm ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên, kinh tế thì đợt 2, chủ yếu là các TS dự thi vào nhóm ngành xã hội, y tế, ngoại ngữ. Đợt 2 cũng thường được cảnh báo là có số lượng TS vi phạm quy chế thi do mang tài liệu vào phòng thi cao hơn đợt 1.
N.Huê
 

 

Bình luận (0)