Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí sinh tự tin vì đề dễ

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh thi vào khối C tại TP.HCM làm bài thi sáng 9-7. Ảnh: M.Tâm

Ngày 9-7, hơn 648.000 thí sinh (TS) trên cả nước đã bước vào đợt thi thứ hai của kỳ thi ĐH-CĐ 2013. Ghi nhận của phóng viên Giáo Dục TP.HCM ở các cụm thi Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM cho thấy, phần lớn TS thở phào nhẹ nhõm vì đề năm nay ở các khối B, C, D tương đối dễ…
Cụm Hà Nội: Vẫn mang ĐTDĐ vào phòng thi
Theo ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhiều TS đã hoàn thành bài thi môn địa lý của mình với tâm trạng khá thoải mái.
Hoàn thành bài thi sớm hơn so với quy định, TS Chu Thị Minh Nguyệt (dự thi khối C, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đề thi tương đối dễ, câu vẽ biểu đồ không quá đánh đố, phần lớn TS đều xác định được dạng biểu đồ ngay sau khi đọc đề thi. Riêng câu hỏi về biển Đông, trước đó đã dự đoán sẽ ra câu hỏi vì vấn đề này đang “nóng”. Chính vì vậy, em đã nghe đài, đọc báo và ôn tập khá kỹ về vấn đề này.
Với tâm trạng thoải mái, TS Hoàng Phương Dung (dự thi Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) tự tin: “Em đã hoàn thành hết các câu hỏi, và rất tự tin với bài làm của mình”.
Chiều 9-7, đoàn thanh tra đột xuất của Bộ GD-ĐT do ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GDTX dẫn đầu đã kiểm tra công tác tuyển sinh tại ĐH Nội vụ. Tại đây, tiến sĩ Triệu Văn Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết ĐH Nội vụ có số hồ sơ đăng ký dự thi đợt 2 (hai khối C và D) tăng gấp 2 lần năm 2012 với tổng số 8.600 hồ sơ. Trong buổi thi đầu tiên, về cơ bản công tác đề thi đã diễn ra bình thường, không có sơ suất gì; 1 TS bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi. TS này bị phát hiện ngay sau khi phát đề môn địa lý. Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho biết năm nay, việc thuê địa điểm của trường khá vất vả. Rút kinh nghiệm, năm sau trường sẽ phải “giấm” chỗ từ ngày 2-9 hoặc Tết Dương lịch.
Qua quá trình thanh tra đột xuất các trường trong kỳ thi, một thành viên trong đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT cho biết rất nhiều trường hợp TS bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi là các TS dự thi liên thông. Điều này các trường cần phải cảnh giác. Còn theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, môn thi đầu tiên cả nước có 22 TS vi phạm quy chế thi. Trong đó có 20 trường hợp bị đình chỉ do mang ĐTDĐ, tài liệu vào phòng thi. 
Tại ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ông Vũ Ngọc Huyên, thành viên Hội đồng tuyển sinh cho biết, trường có 3 TS bị khiển trách, 4 TS bị đình chỉ, chưa có cán bộ coi thi nào bị xử lý kỷ luật.
Trong đợt 2, nhiều trường ĐH cũng cảnh giác cao độ với các thiết bị công nghệ cao. Các trường đều dán trước cửa mỗi phòng thi danh sách những thiết bị được phép mang vào phòng thi. Cho đến giờ, chưa có trường nào phản ánh có TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình được phép của Bộ GD-ĐT vào phòng thi.
Cụm Đà Nẵng: TS vi phạm giảm rõ rệt

Thí sinh thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM phấn khởi sau giờ thi môn địa lý sáng 9-7. Ảnh: M.Tâm

Hơn 19.000 TS từ khắp mọi miền đất nước đã tập trung về dự thi đợt 2 tại các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng. Dưới cái nắng nóng khá oi bức nhưng kết thúc hai buổi thi, đa số TS đều ra về trong tâm trạng khá phấn khởi do làm được bài.
Khi được hỏi, nhiều TS cho rằng, đề thi năm nay khá hay, TS trung bình có thể đạt được điểm 5, bên cạnh đó đề mang tính chất phân loại khá cao, TS học lực giỏi và xuất sắc mới có thể hoàn thành đến mốc điểm 10. Cụ thể, đề toán khối B được nhiều TS cho rằng dễ. TS Hoàng Văn An (đến từ Quảng Bình, dự thi khối B) cho rằng: “So với đề khối A thì đề khối B dễ hơn. Tuy nhiên vẫn có câu hỏi khá hóc búa chỉ có TS giỏi mới làm được đó là câu 6 (giải bất đẳng thức)”. Còn  khối D thì nhiều bạn cho rằng đề toán dễ hơn khối A và B. TS Nguyễn Hữu Nhân (quê Quảng Trị, dự thi vào khối D) nói: “Đề toán khối D năm nay so với năm ngoái có dễ hơn. Em làm được khoảng 8 điểm. Còn câu phân hóa trình độ TS thì em không làm được. Nhìn chung các bạn từ thôn quê như em cũng ít bạn làm được vì bình thường trên lớp thầy giáo chỉ lướt qua còn ở lớp học thêm thì hầu như rất ít thầy dạy về dạng toán này. Ai cũng nắm tâm lý ăn chắc các câu dạng toán dễ giải”.
Ở môn thi khối C, môn địa được nhiều TS đánh giá hay phần câu hỏi về biển đảo. TS Nguyễn Thu Hương (dự thi vào khối C) cho biết: “Đề môn địa sáng nay em làm tạm ổn. Em thích nhất là 2 câu hỏi 1 và 2 liên quan đến biển đảo. Về vấn đề này em thường theo dõi trên thời sự nên bài làm của em rất tốt”.
Buổi chiều, các TS dự thi môn sinh, sử và Anh văn. Dù không được hài lòng như các môn thi buổi sáng nhưng đa số TS đều cho rằng để đạt được điểm 5 trong các môn này là tương đối dễ dàng. TS Hoàng Quốc Bảo (quê Thanh Hóa, dự thi vào khối B) cho biết: “Đề sinh năm nay phần lý thuyết hơi dài so với năm trước. So với môn toán buổi sáng, môn sinh có phần khó hơn. Em ước tính làm được khoảng 6 điểm”. Ở môn sử với thời gian dài 180 phút, nhiều TS than đề dài và khó đạt điểm tối đa. Em Trần Văn Quốc (thi vào ĐHSP Đà Nẵng) nói: “Môn sử năm nay có 4 câu, em làm vừa thời gian. Câu sự phân hóa giai cấp sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất em không làm được vì trong quá trình ôn không chú ý”.         
Theo báo cáo nhanh của Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng, trong đợt thi này, sau khi có sự kiểm tra, chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, tình trạng sai phạm đã giảm rõ rệt. Trong môn thi đầu tiên, có 1 TS bị đình chỉ thi do dán công thức lượng giác vào máy tính.
Cụm Cần Thơ: Vắng trên 7.200 TS
Theo HĐT liên trường cụm Cần Thơ, môn thi đầu tiên của đợt 2 có 36.158 TS đến thi, vắng 7.243 em. Tại một số điểm thi, những TS để quên giấy báo thi hoặc chứng minh nhân dân, đều được Trưởng điểm thi cho làm giấy cam đoan, sau đó vào phòng thi. Trong buổi sáng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi đến thăm các tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ  tại  một số chốt. Tại những điểm đến, anh Phan Văn Mãi khen ngợi và động viên tinh thần, thái độ làm việc  của  lực lượng  tình nguyện viên.
Ngày thi đầu dù số TS đông, có nhiều môn thi nhưng không có cán bộ vi phạm qui chế. Duy nhất 1 TS thi môn toán, ở HĐT THPT Phan Ngọc Hiển, bị khiển trách do nhìn bài của bạn. Không có trường hợp nào mang ĐTDĐ cũng như các thiết bị thu âm – ghi hình vào phòng thi. 
Đối với đề thi toán khối B và D, hầu hết TS cho rằng đề không phức tạp như năm trước, vừa sức nhưng có tính phân hóa cao. TS Diệp Quốc Tư (thi khối D vào ĐH Cần Thơ), phấn khởi: “Đề thi vừa sức, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Em làm được hơn 70%”. Trong khi đó nhiều TS khối B nhận định: Đề khó và hơi dài, có nhiều bài tập phức tạp… TS Tô Thị Hồng Phấn (HĐT THPT Châu Văn Liêm), chia sẻ: “Đề  toán khối B có 10 câu, em  làm được 8 câu nhưng sợ những câu làm được chưa chắc đúng. Em đoán mình được khoảng 3-4 điểm. Trong đề,  khó nhất là câu 3 giải hệ phương trình và câu 6 tìm giá trị lớn nhất của biểu thức. Em bỏ hai câu này”. Còn hầu hết TS ra về khi được 2/3 giờ làm bài thì thú nhận: Chỉ làm được khoảng 50% đề thi nhưng chưa chắc đúng vì sợ sai số. TS Nguyễn Thị Bích Hạnh (thi khối D vào Khoa Nông nghiệp, ĐH Cần Thơ) cho biết: “Đề không khó, dễ hơn đề thi toán khối A nhưng em bị yếu phần tích phân và log nên chỉ làm được khoảng 30%”.
Trong khi đó môn địa thì, đa số TS rời phòng thi đúng giờ với nét mặt hân hoan vì đề ra trong những phần trọng tâm chương trình. TS Đỗ Lê Bích Trâm (thi vào ngành Việt Nam học, ĐH Cần Thơ) cho biết: “Đa số câu hỏi đều đã được cô giáo ôn tập. Đặc biệt những vấn đề về biển Đông được ôn tập rất kỹ và khuyên chúng em phải theo dõi thời sự, tình hình trong và ngoài nước. Nhìn chung, em làm được gần 80% đề  thi”.
Buổi chiều, trời đổ mưa. Hội đồng trung tâm cụm thi liên trường Cần Thơ đã tăng cường máy bơm đề phòng nước tràn vào phòng hội đồng.
Cụm TP.HCM: Đề dễ, TS phấn khởi
Ngay khi kết thúc các môn thi đầu tiên là địa lý, toán của khối B, C và D, hầu hết TS đều phấn khởi vì cho rằng đề thi năm nay “dễ thở” hơn những năm trước, giành điểm tuyệt đối tuy khó nhưng học lực khá, giỏi có thể đạt được điểm 8-9. Còn ở các môn thi buổi chiều như tiếng Anh, lịch sử, sinh, nhiều TS nhận định đề không khó so với những năm trước, lại có tính thực tiễn cao nên có hứng thú làm bài.
Đối với các môn thi khối D, hầu hết TS đều cho rằng, môn toán tương đối dễ, nhiều em làm được 8-9 điểm, môn tiếng Anh phân loại TS rất cao, các em làm được 60-70% câu hỏi. Nhóm TS gồm Đoàn Văn Hải (quê ở Lâm Đồng), Ngô Anh Minh (ở TP.HCM) cùng thi vào ĐH Luật TP.HCM tại HĐT Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1 đều có điểm tổng kết môn toán năm lớp 12 trên 8 phẩy phấn khởi: Đề có 9 câu thì chúng em đã làm được 8 câu, chỉ có câu 6 nói về bất đẳng thức phân loại TS rất cao nên chúng em bỏ sót. Với đề thi này, chúng em nghĩ TS trung bình có thể làm được điểm 5, 6, TS khá, giỏi giành điểm 7 đến điểm 9 không khó, còn điểm 10 chỉ những bạn có học lực thật giỏi, cách tính toán suy luận cao mới đạt được. Ngoài ra, đề cũng có những câu kiến thức từ lớp 10, 11 như các câu hỏi về hình học không gian, lượng giác nhưng những câu này không khó lắm. Còn môn tiếng Anh, hầu hết TS cho rằng, đề có độ khó tương đương với năm trước, để làm được điểm 10 là rất khó, đa số TS chỉ làm được 60% câu hỏi. TS Nguyễn Thị Tường Vân (quê ở Đắk Lắk, thi vào Khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sài Gòn) cho rằng: “Đề thi phân loại TS rất rõ, trong đề có một đoạn văn yêu cầu TS trả lời câu hỏi quá khó, hầu hết các bạn cùng phòng thi với em không hiểu nghĩa đoạn văn này. Đề có 80 câu, em chỉ làm được 50 câu hỏi, những câu còn lại chưa chắc chắn đúng”.
Ở môn sinh, các TS đều nhận định, đề có 60-70% câu hỏi là lý thuyết nên dễ hơn đề thi năm trước. “Đề có 50 câu, phần lớn các câu hỏi đều nằm trong chương trình lớp 12, có rất nhiều câu hỏi lý thuyết, những câu bài tập tương đối khó thuộc về các phần như tính xác suất, các phép lai, di truyền gen… Với đề thi này em nghĩ TS trung bình có thể làm được 5 điểm, em làm được khoảng 7-8 điểm (TS Lê Thành Công, quê ở Tây Ninh, thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, có điểm tổng kết môn sinh lớp 12 trên 8 phẩy cho hay).
Chuẩn bị nộp bài, 1 TS thi vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm (tại điểm thi THPT Bình Hưng Hòa) bất ngờ bị phát hiện sử dụng ĐTDĐ khi vô tình chuông reng. Lý giải nguyên do mang điện thoại vào phòng trong khi đã nắm rất rõ quy chế, TS này cho biết, em mới được mua điện thoại iPhone “xịn” nên sợ mất, không dám để lại bên ngoài.
Ngoài ĐTDĐ, ở đợt 2, không ít trường hợp bị “dính” thêm lỗi mang tài liệu. Đơn cử, tại Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân có đến 3 TS bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng, 1 TS mang máy nghe nhạc và 1 TS mang ĐTDĐ. Tại Trường ĐH Phú Yên, có đến 4 TS bị khiển trách vì trao đổi trong giờ làm bài. Tương tự, tại Trường ĐH Cần Thơ, 1 TS bị khiển trách do gây mất trật tự. Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM có 1 TS bị đình chỉ do mang ĐTDĐ. Cũng ở lỗi này, các trường: ĐH Khoa học Tự nhiên có 1 TS; ĐH Y dược 1 TS, Trường ĐH Nông lâm có 2 TS…
Lo kẹt xe, TS. Dương Văn Quốc Việt (thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) tranh thủ đến HĐT rất sớm nhưng lại quên toàn bộ giấy tờ. Em đã được xem xét và tạo điều kiện hoàn thành bài thi.
Trong ngày thi đầu tiên, khá nhiều sự cố ngoài ý muốn khác cũng đã xảy ra đối với các TS. Tại HĐT Trường ĐH Y dược, 1 TS nộp bài sớm, bị mệt và đã được cấp cứu ngay tại Bệnh viện ĐH Y dược. Cũng tại hai điểm thi TH Phú Thọ và THCS Lạc Long Quân của trường đã bất ngờ bị mất điện trước giờ thi do sự cố nổ bình điện. Sự cố này đã được khắc phục ngay sau đó nên không làm ảnh hưởng đến quá trình làm bài của TS. 
Ông Hà Hữu Phúc (Phó giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT) nhìn nhận, cũng như đợt thi trước, đợt này, một số giám thị coi thi chưa thực hiện đúng quy chế như lơ là trong việc yêu cầu TS điền mã đề vào giấy đầu giờ làm bài. Tại HĐT Trường ĐH Nông lâm, 2 cán bộ coi thi báo cáo nhầm số liệu TS dự thi.
Năm nay, việc đảo trật tự các môn thi khiến một số trường có tổ chức thi năng khiếu lúng túng. PGS.TS Hoàng Văn Cẩn (Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, tổ chức cho khối lượng lớn với hơn 2.000 TS thi năng khiếu chỉ trong buổi thi thứ 2 ngày đầu tiên khiến trường rất áp lực. Phải gấp rút hoàn thành môn thi năng khiếu trước 18 giờ ngày thi đầu tiên là rất khó khăn.
Hôm nay, 10-7, các TS tiếp tục dự thi môn cuối cùng. Ông Hà Hữu Phúc đề nghị các trường hết sức cẩn trọng trong công tác tổ chức thi, nhất là ở công đoạn thu bài thi các môn tự luận. Thực tế, đã có trường hợp TS làm bài chỉ trên 1 tờ giấy thi nhưng lại “khai” đến 2 tờ.
Nhóm PV
 
Đình chỉ 81 TS
Theo Bộ GD-ĐT, ngày đầu của kỳ thi ĐH đợt 2 có 648.102 TS dự thi ở các khối B, C, D và năng khiếu. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, không có sai sót. Nội dung đề thi môn toán khối B và D; môn sinh học khối B… nằm trong chương trình THPT, có tính phân loại cao; nội dung đề thi môn địa lý gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, đề cập đến vấn đề biển đảo, khái quát về biển Đông, vấn đề an ninh và tài nguyên biển của Việt Nam…
Trong ngày thi đầu tiên của đợt 2, trên phạm vi cả nước, có 125 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 34; cảnh cáo: 10; đình chỉ: 81), số bị đình chỉ thi chủ yếu mang ĐTDĐ và tài liệu trái phép vào phòng thi; có 2 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật khiển trách.
N.H
Trong vòng tay cộng đồng
Trong kỳ thi ĐH 2013 (đợt 2), tại HĐT liên trường cụm thi Cần Thơ, có một TS bị liệt hai chân, một mình đến Cần Thơ dự thi. Đó là TS Nguyễn Thành Trọng, thi khối D, Khoa Kinh tế Trường ĐH Cần Thơ.

Sinh viên tình nguyện cõng Trọng lên phòng thi
 
Trọng là con thứ 3 trong gia đình nghèo có 4 đứa con ở phường 9, TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Cha em làm nghề bốc vác, còn mẹ làm công nhân vệ sinh. Lên 5 tuổi, Trọng bị một cơn sốt nặng khiến em bị liệt hai chân. Nhà nghèo, cha mẹ đầu tắt mặt tối với việc mưu sinh nên không có điều kiện chăm lo chuyện học hành của con cái, thế nhưng cậu bé Trọng rất hiếu học và đặc biệt giỏi các môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, do thể trạng yếu nên việc học của Trọng bị gián đoạn; đến năm 2012, khi em được 20 tuổi mới tốt nghiệp THPT. Trong hoàn cảnh cha mẹ đều gần 60 tuổi, Trọng không thể học tiếp dù rất yêu thích ngành CNTT và kinh tế. Thương cậu học trò ngoan hiền và có chí, các thầy cô ở Trường THPT Lưu Văn Liệt (nơi Trọng học) đã động viên em thi vào ĐH, đồng thời đến nhà giúp em ôn luyện và cùng nhau đóng góp tiền bạc để em “lai kinh ứng thí”. 
Đan Phượng 
Nhiều TS không được thi vì… đi trễ
Sáng 9-7, tại HĐT Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), một TS dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã lỡ môn thi địa lý do đến muộn 18 phút. Theo đó, TS này đã đến trường thi lúc 7 giờ 18, tức là sau khi đề thi đã bóc 15 phút. Theo quy chế, TS không được phép vào phòng thi.
Tương tự, sáng 9-7, tại HĐT Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, 2 TS đi trễ quá 15 phút (bóc đề được… 3 phút) cũng đã phải ngậm ngùi đứng ngoài phòng thi.

TS đến trễ không được dự thi tại ĐH Sư phạm TP.HCM

 
 
TS dừng thi đi… cấp cứu
Tiến sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết sáng 9-7, tại phòng thi số 22 (điểm thi 40) thuộc cụm thi Quy Nhơn (Bình Định) của Trường ĐH Nông lâm, TS Đặng Thị Mỹ Thu (số báo danh: NLSD1-047863) đã ngất xỉu khi đang làm bài thi. Nguyên nhân là do TS này bị căng thẳng, lo lắng quá mức. Ngay sau đó TS này đã được cán bộ y tế của HĐT chở vào Bệnh viện Đa khoa Bình Định cấp cứu.
N.Q-T.D
 
Nhận xét đề
Môn địa lý: TS dễ đạt điểm cao
So với các năm trước, đề thi năm nay dễ hơn rất nhiều. Nội dung quen thuộc, nằm trong trọng tâm ôn tập lớp 12. Vì vậy, những TS mới dự thi tốt nghiệp 2013 rất dễ đạt được điểm cao. Đề thi mang tính thời sự cao, gần gũi với những vấn đề “nóng” của đời sống xã hội như: Biển đảo, đô thị hóa bảo vệ đất nông nghiệp của ĐBSCL (vùng lương thực lớn nhất cả nước bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu trong tương lai). Đặc biệt, đề thi tập trung rất nhiều câu hỏi liên quan đến biển đảo (chiếm 40% tổng số điểm), gồm khái quát biển Đông và thiên tai vùng biển (câu II.1); ngành thủy sản, khai thác tài nguyên khoáng sản biển, ý nghĩa của đảo và quần đảo (câu II). Vì chủ đề này thường xuyên xuất hiện trong đề thi thời gian gần đây nên có thể TS sẽ không còn bất ngờ, thậm chí “trúng tủ”. Điều này khiến phổ điểm có thể “đẹp” hơn nhưng vô tình làm giảm tính cạnh tranh cần thiết giữa các TS trong một kỳ thi ĐH. Tuy nhiên, nếu TS không đọc kỹ từng câu chữ trong đề thi sẽ rất dễ bị nhầm lẫn và trả lời sai nội dung, không đúng trọng tâm. Đề cần có thêm vài câu hỏi khó đòi hỏi TS phải “động não” nhiều hơn, chẳng hạn yêu cầu các em phải biết giải thích, so sánh…
Thầy Đoàn Nhật Quang 
(GV môn địa lý Trường THPT Tân Phong, TP.HCM)
 Trong phần chung, ở câu hỏi 1về khái quát biển Đông không khó nhưng có yêu cầu nâng cao, liên hệ thực tế về phần thiên tai. Cách hỏi này cũng giống phần 1 của câu 2 hỏi về điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản. Kiến thức chủ yếu nằm trong SGK. Phần 2 của câu hỏi về đô thị thuộc dạng nâng cao và có liên hệ thực tế, đòi hỏi TS phải có tầm nhìn cao hơn về kiến thức. Câu 3 vẽ biểu đồ và nhận xét là dạng bài tập khó, chỉ những TS học lớp chuyên mới làm được. Ở phần riêng, đề thi ra theo chương trình chuẩn đơn giản, riêng phần nâng cao khá hay, chỉ có trong chương trình nâng cao. Tóm lại, cấu trúc câu hỏi của đề thi luôn có 2 phần: Đơn giản và nâng cao; đặc biệt tính ứng dụng rõ ràng và rất thực tế. Điều này chưa thấy nhiều ở đề thi các năm trước. 
Cô Nguyễn Thị Túy Thơ 
(GV môn địa lý Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)
Môn toán: Đề hay và khá dễ
TS thi môn toán khối D không thấy bỡ ngỡ vì bố cục đề năm nay cũng tương tự các năm trước. Đề ra tương đối “dễ chịu”, các câu hỏi hay và yêu cầu mức độ tư duy cao là câu 3 và câu 6 (thuộc về phương trình Lôgarit và giá trị lớn nhất của biểu thức đã biến đổi). Đề có những phần dễ để TS trung bình có thể “ghi điểm” như các câu 1, 2, 4, 7, 8, 9. TS khá có thể làm được thêm các câu 3, 5 và đạt khoảng 7 đến 9 điểm. TS giỏi làm được thêm câu 6 và đạt từ 9 đến 10 điểm. Với mức đề này, khả năng phổ điểm sẽ rơi vào mức từ 4 đến 7.
ThS. Trần Đăng Hùng 
(Giảng viên toán Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Ở khối B, đề ra khá dễ và hay. Nội dung kiến thức rất cơ bản, phân loại TS rất tốt. TS trung bình có thể làm được trên 5 điểm. Cụ thể, bắt đầu từ điểm 6 trở lên được phân cấp thành bậc đó là bài giải hệ phương trình. Qua mốc 8 điểm lại có phần câu hỏi số 9a và điểm tuyệt đối thuộc về câu tìm giá trị của bất đẳng thức.
Thầy Nguyễn Văn Thông 
(Tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)
Môn lịch sử: Phổ điểm từ 6-7
Đề thi năm nay có một số câu dễ như câu 1 và câu 4, TS trung bình có thể làm được. Câu 3 đúng trọng tâm nên TS sẽ không gặp khó khăn khi làm bài. Riêng câu 2 ở phần riêng, đề hỏi về Chiến dịch Đông xuân 1953-1954 nghĩa là liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng thực tế khi ôn tập, GV dạy “tủ” thường bỏ qua bài này do năm rồi mới thi, vì thế có không ít TS sẽ bị “gãy”. Nhìn chung, đề thi năm nay rất hay, vừa sức TS, không nằm ngoài trọng tâm chương trình THPT nhưng có những phần “đánh lừa” nếu GV dạy non kinh nghiệm dễ bị sơ hở. GV nào có kinh nghiệm dạy đủ chương trình không bỏ qua kiến thức trong đề thi các năm trước thì chắc chắn TS làm bài tốt. Như trên đã nói, sẽ có nhiều TS bị “gãy” ở câu lịch sử thế giới nên phổ điểm dừng lại từ 6 đến 7.
Thầy Lê Văn Chương (Chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM)
 
 

 

Bình luận (0)