Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm chuẩn ngành mầm non, tiểu học sẽ tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh sau giờ làm bài thi ĐH-CĐ 2013 tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Trở nên “hot” trong năm nay với lượng hồ sơ đăng ký dự thi đông, hai ngành thuộc khối sư phạm là mầm non và tiểu học dự kiến sẽ tăng mức điểm chuẩn. Tại một số trường, khả năng thí sinh phải đạt trên 17 điểm mới đậu.
Điểm mới năm nay, các trường phải tổ chức chấm kiểm tra 5% lượng bài thi của thí sinh. Với đội ngũ độc lập, việc chấm kiểm tra thực hiện song song với công tác chấm thông thường nhằm kịp thời điều chỉnh những sai sót.
Bắt đầu vừa chấm vừa “kiểm”
Trước đó, hoạt động chấm kiểm tra đã được tiến hành và phát huy hiệu quả lớn ngay từ đợt chấm thi tốt nghiệp THPT. Theo Bộ GD-ĐT, khó khăn lớn nhất nằm ở việc khan hiếm cán bộ chấm thi cũng như khiến “đội” chi phí lên so với các năm trước. Tuy nhiên, kết quả chấm kiểm tra sẽ giúp tham mưu kịp thời, điều chỉnh toàn bộ khâu chấm thông thường.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay, lượng hồ sơ đăng ký tăng đến 6.000. Với tỷ lệ dự thi cao, số giáo viên được bố trí chấm thi năm nay cũng tăng theo. Riêng môn toán khối A đã có 120 giáo viên tham gia chấm. TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo) cho biết, vấn đề ngại nhất chính là những ngày đầu, giáo viên chưa quen với đáp án, barem điểm chia rất nhỏ làm chậm tốc độ chấm. Đối với quy định mới, trường bố trí Ban chấm thanh tra gồm 10 thành viên, mỗi nhóm nhỏ gồm 3 người. “Dù vậy, trách nhiệm chính vẫn thuộc về tổ chấm, việc chấm thanh tra chỉ nhằm giúp có những điều chỉnh kịp thời để đảm bảo kết quả chính xác nhất” –  TS. Dũng nói.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thừa nhận, thực tế, không ít cán bộ chấm thi trong những ngày đầu chưa nắm bắt hết nội dung, đáp án, thang điểm nên công tác chấm có phần chệch choạc. Việc chấm kiểm tra song song sẽ góp phần khắc phục được hạn chế này. Cũng theo TS. Nghĩa, nếu như có sự chênh lệch giữa điểm chấm kiểm tra và điểm chấm thi, chủ tịch hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định điểm cuối cùng của bài thi.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, điểm chấm kiểm tra chỉ có tính chất “tư vấn”, giúp điều chỉnh công tác chấm chứ không phải tạo ra kết quả chính thức. Ban chấm kiểm tra được tổ chức độc lập, những thành viên thuộc Ban chấm kiểm tra sẽ không được tham gia chấm thi thông thường.
Điểm chuẩn ngành mầm non, tiểu học sẽ trên 17
So với các năm trước, hai ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non năm nay “hot” hơn với lượng thí sinh đăng ký rất đông. Dự kiến điểm chuẩn theo đó cũng sẽ tăng vì các thí sinh phải “chọi” nhiều.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn (Phó hiệu trưởng nhà trường) nhận định, điểm chuẩn các ngành vào trường năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đề thi, chất lượng bài làm của thí sinh, mức độ khách quan trong khâu chấm… Tuy nhiên, riêng hai ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non tại trường dự kiến điểm chuẩn sẽ cao hơn năm ngoái vì lượng đăng ký rất đông, tỷ lệ “chọi” khá cao. Được biết, năm ngoái, ngành giáo dục tiểu học lấy mức điểm chuẩn là 17,5; ngành giáo dục mầm non là 17. Như vậy, những thí sinh có cơ hội đậu vào trường hai ngành này năm nay phải đạt mức điểm trên 17.
Tại một số trường khác, mặc dù lượng đăng ký năm nay tăng nhưng khả năng điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, 6.000 hồ sơ tăng năm nay rải đều ở các ngành mà không tăng đột biến ở riêng ngành nào. Trong khi đó, phổ điểm hằng năm của thí sinh thi vào trường hầu như chỉ ở mức trung bình – khá. Do đó, điểm chuẩn các ngành vào trường năm nay khả năng không biến động bao nhiêu.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết, công tác chấm thi tại trường sẽ chính thức được tiến hành từ ngày 15-7. Đây là năm đầu tiên trường đạt tỷ lệ dự thi khối A rất cao (khoảng 84%). Theo PGS.TS Hùng, đây là tỷ lệ “thật”. Ở khối B cũng đạt tỷ lệ tương đương, tuy nhiên con số “ảo” vẫn nhiều vì nhiều em thi cả hai khối A và B nhưng chỉ chọn khối B làm khối “sơ-cua”.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Điểm sàn chưa chắc đã thấp hơn
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số chỉ tiêu vào ĐH, CĐ năm 2013 là 605.000, trong khi đó có trên 1,2 triệu thí sinh dự thi nên các trường không lo thiếu. Trong khi đó, khi xác định phương án điểm  sàn, ngoài 4 nguyên tắc như các năm, bộ sẽ lọc những thí sinh thi hai khối để xác định điểm sàn chuẩn hơn.
Năm nay cũng là năm đầu tiên thí sinh liên thông phải thi cùng 3 chung với thí sinh ĐH chính quy. Về phương án tuyển sinh với hệ này, ông Ngô Kim Khôi cho biết với đối tượng này, điểm chuẩn đầu vào sẽ do hiệu trưởng của trường quyết định. Điểm chuẩn có thể bằng với điểm chuẩn tuyển sinh như các thí sinh khác, hoặc có thể có điểm chuẩn riêng cho hệ liên thông. Tuy nhiên, do thi 3 chung nên điểm chuẩn này vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là tối thiểu bằng điểm sàn.
T.Lam
 
Bài làm sáng tạo được thưởng điểm
Năm nay, đề văn đối với khối D và C đều có câu hỏi mở. Đây là một trong những điểm mới của đề thi môn xã hội những năm gần đây. Câu hỏi mở thường được 3 điểm trong tổng số 10 điểm của môn văn. Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, những bài làm có cách giải độc đáo, sáng tạo so với đáp án nhưng vẫn đúng sẽ được cộng điểm thưởng tối đa 1 điểm.
Cũng theo ông Khôi, sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh, các trường sẽ bắt tay vào chấm điểm. Quy trình chấm hai vòng độc lập. Điểm mới của năm nay là sẽ chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi. Theo đúng kế hoạch tuyển sinh, trước ngày 31-7 các trường ĐH phải chấm xong, đối với các trường CĐ là trước 5-8. Sau đó, các trường sẽ công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1 trước 20-8. Các đợt tuyển nguyện vọng sau sẽ tiếp theo đến hết 31-10 (sớm hơn một tháng so với mùa tuyển sinh 2012).
N.Huê
 
 

Bình luận (0)