Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ồ ạt đào tạo, ngành y bắt đầu thừa

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết thực hành của sinh viên ngành dược tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm
Nhân lực ngành y tế (điều dưỡng, y sĩ…) đang bắt đầu có dấu hiệu thừa. Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT cảnh báo vấn đề này đến thí sinh (TS) (giống như ngành tài chính ngân hàng, kinh tế). Tuy nhiên, đó là hậu quả của việc trường trường mở ngành y trong thời gian vừa qua mà thiếu vai trò kiểm soát, điều tiết chính từ phía Bộ GD-ĐT.
Dễ như vào học… ngành y!
Nếu như để được học ngành bác sĩ đa khoa ĐH Y Hà Nội, TS phải đạt 27,5 điểm, ở ĐH Y Thái Bình là 25,5, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) là  23 điểm, Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM ngành y đa khoa là 26 điểm… thì nhiều trường khác cũng mở ngành đào tạo y nhưng điểm thấp một cách bất ngờ. Điểm chuẩn vào nguyện vọng (NV) 1 của ngành y đa khoa ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) là 16 điểm, ngành dược cũng tương tự. Không những thế, điểm nhận hồ sơ NV2 ngành y đa khoa của trường sau khi đã cộng điểm ưu tiên cũng chỉ 17. Còn ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), điểm trúng tuyển NV1 ngành kỹ thuật y học, điều dưỡng khối B chỉ là 14 (tương đương điểm sàn). Bên cạnh đó, mỗi địa phương có một trường CĐ y tế, đó còn chưa kể hệ thống các trường TCCN mọc lên như nấm để đào tạo ngành y dược. Sở dĩ các trường chuyển từ đào tạo các ngành kinh tế sang y dược vì đây là ngành thu hút lượng lớn nhu cầu của người học.
Trong khi đó, hệ thống bệnh viện trên cả nước đều rất có hạn. Trên địa bàn Hà Nội, nơi tập trung phần lớn các bệnh viện Trung ương nhưng khi vào viện, vẫn có thể thấy, sinh viên thực tập nhiều hơn bác sĩ, y tá. Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng khẳng định, đào tạo ngành y khác với các ngành nghề khác. Không thể chỉ cần một giảng đường cho 500-600 con người ngồi học là xong mà còn cần các trang thiết bị để hỗ trợ, cần bệnh viện để thực hành trong quá trình học. Đánh giá về sự dôi dư cung quá cầu đối với nhân lực ngành y tế như hiện nay, ông Hinh cho rằng có cầu ắt có cung. Còn việc sử dụng như thế nào thì đó là quyền lựa chọn của các cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế lên tiếng

Sinh viên ngành điều dưỡng Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch trong giờ thực hành. Ảnh: A.Khôi
Trước nguy cơ thừa nhân lực trong thời gian tới, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ GD-ĐT về công tác đào tạo nhân lực y tế. Trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường khẳng định hiện nay trên thực tế, có nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài công lập, kể cả các trường đào tạo đa ngành cũng tham gia đào tạo nhân lực ngành y tế. Thứ trưởng Cường cho biết trong thông tư của Bộ GD-ĐT về việc quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ trong đó có quy định việc mở ngành đào tạo giao cho các sở GD-ĐT. Do đó, việc thẩm định mở ngành đào tạo nhân lực y tế không có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế sẽ khó đảm bảo chất lượng. Qua khảo sát, có nhiều đơn vị không đảm bảo năng lực dẫn tới không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập. Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Về công tác tuyển sinh, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết đầu tháng 8-2013, Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế, điều này cũng dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT, xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào cả tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Điều này sẽ giúp đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế. Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của sở y tế các địa phương, qua kỳ tuyển dụng, nhân lực y tế trình độ trung cấp ra trường khá nhiều (dược, điều dưỡng, y sĩ) trong khi khả năng tuyển dụng của các cơ sở y tế có hạn. Trong thời gian qua, có nhiều cơ sở đào tạo tham gia đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp các loại hình trên kể cả các trường ĐH và các trường CĐ, trung cấp đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Do vậy, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ GD-ĐT khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành dược, điều dưỡng và y sĩ để các TS có định hướng khi chọn ngành học. Đồng thời có giải pháp hạn chế tuyển sinh đối với các ngành này. 
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Cường, trước mắt, để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế, Bộ Y tế triển khai nhiều biện pháp yêu cầu các cơ sở đào tạo có kế hoạch cụ thể. Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra, giám sát và đang xây dựng chuẩn năng lực làm cơ sở cho việc đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ một dự án ODA để nâng cao chất lượng đào tạo, kiểm định chất lượng y khoa, điều dưỡng và các ngành sức khỏe, dự kiến triển khai năm 2014.
Nghiêm Huê
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới quản lý giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã một lần nữa thừa nhận việc đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương, có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y. Các đại biểu cho rằng quy trình của bộ rất “ổn” nhưng thực tế, các thiết bị được một số trường mượn của các công ty về qua mặt đoàn kiểm tra. Xong rồi mang trả. Chính vì thế mà nhiều trường mở ra đào tạo nhưng không có thiết bị. Bộ trưởng Luận cũng đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ GD-ĐT thẩm định việc này, đồng thời đề nghị Bộ Y tế kiểm tra đột xuất các cơ sở đào tạo. Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm, thậm chí dừng tuyển sinh. 
 

Bình luận (0)