Tại Hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006 CT-TTg về chống tiêu cực trong giáo dục, sơ kết ba năm thực hiện phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được tổ chức tại Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, yêu cầu ngành GD-ĐT phải tập trung gắn việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực – khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Coi đây là hoạt động thường xuyên trong mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục, thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ trong năm học tới và các năm tiếp theo.
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận: Sau bốn năm thực hiện Chỉ thị số 33 ngày 8-9-2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (Hai không) do Bộ GD-ĐT phát động, đến nay, ngành giáo dục cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào, cuộc vận động… của ngành giáo dục chính là những giải pháp cơ bản nhằm chấn chỉnh nền nếp kỷ cương, nâng cao chất lượng dạy và học theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng khẳng định: Cuộc vận động “Hai không”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục, được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng, thực hiện của các ngành, các cấp, các đoàn thể từ trung ương đến địa phương, được toàn ngành giáo dục hưởng ứng và triển khai tích cực; đến nay đã đạt được kết quả về nhiều mặt, tạo ra những động lực mới trong dạy và học, nâng cao hơn chất lượng giáo dục toàn diện. Trật tự kỷ cương trong thi cử, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường. Những tiêu cực trong dạy và học đã cơ bản được ngăn chặn. Kết quả các kỳ thi đã thực chất hơn. Công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới. Môi trường sư phạm ngày càng khang trang hơn. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể nhất là khu vực ĐBSCL. Việc thành lập bộ phận kiểm định chất lượng giáo dục đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực…
Bên cạnh những thành tích đã đạt được ngành GD-ĐT phải nghiêm túc nhận thức rằng: Trách nhiệm của một bộ phận cán bộ giáo viên, về yêu cầu, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các cuộc vận động, phong trào thi đua… còn hạn chế, có nơi còn chỉ đạo thiếu liên tục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ đại học còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ giáo viên có khả năng trau dồi về kỹ năng sống cho HS còn yếu. Bệnh tiêu cực, thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để. Vì vậy, đánh giá những kết quả đạt được và khắc phục những yếu kém, tồn tại là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD-ĐT phải làm nghiêm túc, chặt chẽ và hiệu quả hơn trong những năm học tới.
2. Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XI, trong thời gian tới, toàn ngành GD-ĐT phải đổi mới toàn diện và thực hiện tốt các công tác trọng tâm sau đây:
Một là: Hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để phát triển nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; đưa nền giáo dục nước ta tiến kịp nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam và thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020…
Hai là: Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT trong cả nước. Đẩy mạnh phân cấp và đề cao tự chủ các cơ sở GD-ĐT. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng xã hội học tập để người dân được học tập suốt đời.
Ba là: Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, ổn định và phát triển về chất lượng, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức về tự học và sáng tạo”. Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý có tầm nhìn xa để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ ra các kế hoạch cụ thể cho sự phát triển giáo dục nước nhà.
Bốn là: Đổi mới nội dung chương trình giảng dạy: tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản theo hướng giảm tải, phù hợp với chủ trương GD-ĐT đã đề ra. Làm tốt công tác phổ cập giáo dục cho người mù chữ… Triển khai có kết quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Năm là: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp trường lớp, cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, cùng với sự tăng cường đầu tư của Nhà nước là sự đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Xây dựng nhà ở, khu nội trú cho giáo viên và học sinh yên tâm công tác và học tập.
Sáu là: Quan tâm sâu sát hơn nữa cho giáo dục của các vùng xa, vùng sâu, đảm bảo công bằng trong giáo dục. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với con em của người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người dân tộc, con gia đình nghèo, người khuyết tật… và những vùng có nhiều khó khăn.
Lê Quang Huy (Lược ghi)
“Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà ngành GD-ĐT đã đạt được. Sự nghiệp GD-ĐT đã có đóng góp rất quan trọng, to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Giáo dục đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh vươn lên thành nước xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, cá ba sa… thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo, “đưa đất nước Việt Nam vượt qua tình trạng một nước nghèo, kém phát triển thành nước có thu nhập trung bình” đúng như mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra”.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)
|
Bình luận (0)