Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Mấy vạn ngày, chưa được nghỉ một ngày”

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh dạo TP.HCM chúc mừng nhà giáo Cao Minh Thì nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2011

Nhà giáo Cao Minh Thì, sau khi tập kết ra Bắc, ông cứ khắc khoải mong ngày trở về. Cuối cùng, ngày 30-4-1975, ông cũng được đặt chân lên Sài Gòn. Và từ đó, ông gắn bó cuộc đời mình cho sự nghiệp GD-ĐT của TP.HCM nói riêng, khu vực miền Nam nói chung.
Năm 2010, ông đã làm một bài thơ “35 năm giải phóng Sài Gòn”, trong đó có đoạn: “Ngày giải phóng tôi mới tròn 37/ Nhưng bây giờ tôi đã tuổi 73/ …35 năm qua mấy vạn ngày rồi nhỉ/ Nhưng riêng tôi chưa được nghỉ ngày nào/ Vẫn phải lo toan cho việc thiếu trường thiếu lớp/ Vẫn phải lo toan cho việc chưa đủ giáo viên/ Vẫn phải lo toan cho đàn em nhỏ/ Đứa ngoan, đứa hư, đứa bỏ học biết làm sao đây…”.
“Vào Nam, dù có bò tôi cũng đồng ý”
PGS.TSKH Cao Minh Thì sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Cần Thơ. Năm 1945, khi cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, cha ông (nhà giáo Cao Minh Phước) bỏ dạy để tham gia kháng chiến. Lúc đó, ông mới 8 tuổi. 6 năm sau, khi vừa tròn 14 tuổi, theo chân cha, anh, cậu bé Cao Minh Thì xung phong đi bộ đội.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và học ở Trường Miền Nam số 14. Một năm sau, ông được chuyển sang học tại Trường Bổ túc Công nông TW. Sau đó ông thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Khoa Vật lý. Sở dĩ, ông chọn sư phạm mà không phải là những ngành nghề đang “hot” như kỹ sư, bác sĩ là bởi: “Tôi muốn học sư phạm để sau này trở về miền Nam dạy lại các em. Ở nơi đấy, các em đang cần tôi đem cái chữ về”, ông kể lại.
Năm 1960, tốt nghiệp đại học loại giỏi và là đảng viên nên ông được giữ lại trường. Ông vừa công tác ở phòng thí nghiệm vừa tham gia trợ giảng. Chính ông đã đặt nền móng cho phòng thí nghiệm vật lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát triển.
6 năm sau, ông được cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (nay là nước Nga). Lúc đó, ông không muốn đi vì trong thời điểm này ông cũng nhận được lệnh vào Nam. Sau đó, tổ chức “ép” ông phải đi Liên Xô. 4 năm học ở nơi xứ người tại Trường ĐH Tổng hợp Moscow Lomonosov danh tiếng nhất của Liên Xô lúc bấy giờ, ông trở về nước với tấm bằng phó tiến sĩ (sau này quy đổi là bằng tiến sĩ).
Về Việt Nam, ông tiếp tục công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tham gia nhiều hoạt động khoa học tại các trường ĐH như: ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội…
Trong khoảng thời gian này, ông bị bệnh tim đập nhanh, run tay nên thường xuyên phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Tháng 3-1975, khi ông đang nằm dưỡng bệnh tại Nhà nghỉ Công đoàn Hà Nội thì Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hồ Trúc tới thăm. Tại đây, Thứ trưởng Hồ Trúc đã hỏi ông: “Có một việc cần hỏi anh là anh có muốn đi vào Nam lo cho sự nghiệp GD-ĐT trong đó không?”. “Nói thật với anh, vào Nam dù có bò tôi cũng đồng ý”, ông vội vã trả lời cứ như sợ Thứ trưởng Hồ Trúc sẽ thay đổi ý định.
Ngày 20-4-1975, ông có quyết định tập trung tại Trường Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị vào Nam. Lúc đó, Tổng bí thư Lê Duẩn và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp cũng có mặt. “Đồng chí Lê Duẩn hỏi: Đảng và Nhà nước yêu cầu các đồng chí tập trung ở đây là để tiếp quản Sài Gòn. Đảng, Nhà nước yêu cầu các đồng chí 3 việc: Điện Sài Gòn phải sáng, chợ Sài Gòn phải họp và trường Sài Gòn phải học”. 3 ngày sau, chúng tôi hành quân vào Sài Gòn. Giải phóng đến đâu, chúng tôi vào đến đó. Đúng ngày 30-4-1975 thì vào đến Sài Gòn”, ông nhớ lại.
Ông vào Nam và đem theo trọng trách: Trường Sài Gòn phải học. Có lẽ vì vậy mà không biết từ lúc nào ông đã coi GD-ĐT như “người yêu” của mình. Ông bảo: “Có yêu giáo dục thì mới làm giáo dục tốt, mới hết mình với giáo dục được”… Và hơn 35 năm qua, từ ngày trở lại miền Nam, ông đã luôn luôn hết mình với giáo dục dù ở cương vị nào.
Trường Sài Gòn đã… học
Tháng 6-1975, ông nhận quyết định của TW Cục miền Nam làm Trưởng ban Quân quản Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức. 5 tháng sau thì ông được điều về làm Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Lúc đó, trong Ban giám hiệu gồm 4 người – 1 hiệu trưởng và 3 hiệu phó, chỉ có ông thuộc chuyên ngành tự nhiên nên ông phải “bao sân” chuyên ngành này. Ông lặn lội ra Hà Nội tới các trường ĐH xin thiết bị về trang bị cho phòng thí nghiệm của trường. Rồi ông đi tất cả các tỉnh miền Nam để hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương. Thời điểm này, hầu như không có địa phương nào đủ giáo viên… Ông cứ như con thoi đi về từ các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh miền Đông Nam bộ, rồi ra Hà Nội. Ông miệt mài với công việc mà quên rằng mình không chỉ là nhà giáo mà còn là người chồng, người cha. Cũng may, vợ ông (nhà giáo Trần Thị Ngọc, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) luôn là hậu phương tốt để ông làm tròn sứ mệnh “trường Sài Gòn phải học” mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Năm 1981, ông được UBND TP.HCM điều về làm Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TP.HCM. “Trước đây, tôi đi các tỉnh thì bây giờ tôi đi các huyện. Tôi đi Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… để tìm hiểu về nhu cầu giáo viên của các huyện. Nơi nào thiếu giáo viên là mở lớp ở nơi đó, bộ môn nào thiếu giáo viên là mở chuyên ngành đào tạo giáo viên cho bộ môn đấy…”, ông cho biết.
Và một lần xuống Hóc Môn mở lớp đào tạo giáo viên (ngày 6-1-1984), ông đã gặp tai nạn giao thông ở ngã tư An Sương. Tai nạn đó đã cướp đi tính mạng của người tài xế, còn bản thân ông… “Khi tôi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong bệnh viện và phát hiện hai chân đã gãy”, ông chỉ vào đôi chân thương tật của mình và nói. Cũng từ đó, ông có thêm “người bạn” một bước cũng không rời, là cây nạng gỗ.
Bắt đầu từ năm 1989, ông vừa làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP vừa làm Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TP. “Khi nhận chức Giám đốc Sở tôi cũng tâm tư lắm. Thời điểm đó rất khó khăn, giáo viên bị nợ lương 3-4 tháng. Tôi nhận chức Giám đốc chẳng khác nào rước họa vào thân, bỗng dưng trở thành “con nợ” của hơn 50 ngàn giáo viên. Không có lương, nhiều giáo viên bỏ nghề, TP đã thiếu giáo viên lại càng thiếu hơn. Không chỉ có vậy, trường lớp cũng thiếu…”, ông bồi hồi nhớ lại.
Nhiệm vụ đầu tiên của ông khi về làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP là “trả nợ” cho giáo viên. Ông và các cộng sự chạy hết chỗ này đến chỗ khác vay mượn tiền, giật gấu vá vai để trả lương cho giáo viên. Song song đó là vận động chính quyền địa phương đầu tư xây dựng trường lớp… Dần dần tình trạng học ca 3 đã được xóa bỏ, giáo viên tuy chưa thể sống bằng lương nhưng tháng tháng cũng được lĩnh lương đúng kỳ hạn. “Tôi tâm huyết nhất là mở được hệ B trong các trường THPT công lập. Vừa giải quyết được chỗ học cho học sinh, vừa phần nào nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên”, điều mà ông tâm đắc nhất trong khoảng thời gian làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP.
Năm 1997, ông nghỉ hưu. Cứ tưởng ông sẽ chịu nghỉ, nào ngờ…
Khi Đảng có chủ trương cho mở các trường ĐH dân lập, ông cùng bạn bè đã mở Trường ĐH Văn Lang. Sau đó là Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng. Có người hỏi ông, sao ông mở nhiều trường thế? Ông trả lời: “10 học sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ có 1 em được học ĐH. Vậy còn 9 em sẽ đi đâu. Tôi mở nhiều trường là để cho 9 em còn lại có chỗ học”.
Với những cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT, ông đã nhận được rất nhiều bằng khen của UBND TP.HCM, Bộ GD-ĐT… Và đặc biệt, năm 2011, ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)