TS. Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng trao bó hoa tươi thắm cảm ơn bà Lê Duy Loan – đại diện Công ty TI và mong tiếp tục tạo sân chơi nghiên cứu khoa học cho sinh viên của trường
|
Ấn tượng đầu tiên với thạc sĩ Lê Duy Loan – người phụ nữ từng được mệnh danh là “Một trong 10 phụ nữ diễn thuyết hay nhất nước Mỹ”; “Người phụ nữ da vàng duy nhất trong lịch sử 82 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn TI Texas Instruments đứng vào hàng ngũ senior executives”… là khả năng diễn thuyết tuyệt vời, một trí thức có tầm nhìn sâu rộng. Phong thái mạnh mẽ, quyết đoán nhưng ở bà luôn toát lên tấm lòng nhân ái.
12 tuổi, bà đến Mỹ. Đối với một đứa trẻ việc phải bắt đầu một cuộc sống xa gia đình thực sự rất khó khăn, nhất là đến một nơi hoàn toàn bất đồng về ngôn ngữ. Vậy mà bà đã sống, học tập trong môi trường mới và đã vươn lên trở thành một trong 10 phụ nữ diễn thuyết hay nhất nước Mỹ. ThS. Lê Duy Loan nhớ lại: Thực tình khi đặt chân đến một miền đất hoàn toàn xa lạ trong khi mình chỉ là một đứa trẻ chưa hiểu gì nhiều về cuộc sống xung quanh thì khỏi phải nói hết nỗi khó khăn. Vừa tới trường, tôi vừa miệt mài học giao tiếp. Khó có thể tưởng tượng được, lúc đó tôi không có gì cả: không cha (cha tôi lúc đó chưa qua Mỹ), không biết ngoại ngữ, không nhà, thiếu thốn tình thương yêu đùm bọc của người thân… Nhưng cứ mỗi lần mệt mỏi muốn buông xuôi là tôi cứ nghĩ mình là người Việt Nam, mình phải làm được, ít ra cũng như các bạn ở đây đã làm được. Phần khác, lời cha tôi như động lực giúp tôi đứng vững: “Con phải ráng học trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù khó khăn, nghèo khốn…”. Thế là tôi lao đầu vào học, đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Rồi chỉ bốn năm sau đó (16 tuổi) tôi đã tốt nghiệp thủ khoa trung học và vinh dự đăng đàn phát biểu trước toàn trường. Vốn đam mê sáng tạo, tôi quyết định chọn trường đại học ở xa nơi gia đình cư trú để theo học kỹ sư. Ba năm sau, tôi tốt nghiệp thạc sĩ về quản trị kinh doanh ở Đại học Houston và bắt đầu công việc của mình ở TI Texas Instruments cho đến tận bây giờ. Để có được như ngày hôm nay, tôi đã làm việc hăng say, không biết mệt mỏi. Tôi đã làm như lời dạy của cha để không hổ danh là con gái Việt. 30 năm công tác, tôi có 22 bằng phát minh. Chính sự hăng say lao động cũng như những sáng chế đó là minh chứng rõ ràng để khẳng định một điều rằng không chỉ đàn ông, phụ nữ cũng có thể giỏi ở lĩnh vực điện tử. Và tôi chọn TI Texas Instruments vì tôi đam mê sáng chế về điện tử – nghề mà tôi theo học.
PV: Không chỉ được biết đến là người phụ nữ tài ba tại TI Texas Instruments, bà còn được mệnh danh là 1 trong 10 người phụ nữ diễn thuyết giỏi nhất nước Mỹ, bí quyết nào để đạt được thành quả tuyệt vời như vậy?
Tôi muốn nhắn gửi đến các bạn, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam đang ngồi trên giảng đường đại học hôm nay một điều như thế này: Dù bạn làm công việc nhặt rác đi chăng nữa thì hãy nhặt rác bằng chính niềm đam mê và trái tim yêu nghề của bạn. Thành tựu nào cũng phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách nhưng nếu bạn làm việc bằng niềm đam mê thì thành quả mang lại sẽ mỹ mãn hơn rất nhiều.
Khi bạn nói chuyện với ai đó, hãy nhìn sâu vào mắt họ để hiểu họ muốn nói gì, muốn nghe gì. Hiểu rồi và mình nói với họ bằng tình cảm chân thành từ trái tim thì chắc chắn cuộc nói chuyện đó sẽ được mọi người thán phục. Một trong những bí quyết giúp tôi thành công chính là nụ cười. Nụ cười tạo thiện cảm khi bạn đối diện với ai đó, đồng thời đó là nguồn năng lượng giúp mình sảng khoái, làm việc đạt kết quả cao hơn.
Một điều khác tôi muốn chia sẻ đó là: hãy là chính bạn. Trong thời gian tôi học ở Mỹ, những giáo sư ở đây cũng đã dạy tôi lòng tự hào và tự tôn về tiếng mẹ đẻ mình. Họ nói với chúng tôi rằng các bạn không cần nói tiếng Mỹ bằng giọng Mỹ. Đơn giản chỉ vì, dù cố gắng đến đâu, thì giọng của người nước ngoài khi nói tiếng Anh sẽ không thể nào như người Mỹ (hoặc Anh) được. Và tôi đã nói tiếng Anh bằng giọng Việt.
Được biết bà có gia đình hạnh phúc với hai cậu con trai rất đáng yêu. Vậy làm thế nào để một người phải đảm đương nhiều công việc như bà có thể cân bằng được cuộc sống gia đình và công việc?
Thú thực tôi rất bận rộn, có khi chỉ trong vòng 2 tuần tôi phải đi đến 7 quốc gia từ châu Á sang châu Âu. Tuy nhiên, vợ chồng tôi luôn sắp xếp để dành thời gian đoàn tụ, quây quần bên con cái. Đến cuối tuần chúng tôi xếp thời gian để dạy tiếng Việt cho các cháu. Về nhà nhiều khi bận quá, tôi cố gắng nối mạng từ phòng mình làm việc sang nơi chồng tôi xem ti vi. Điều quan trọng để giữ mái ấm hạnh phúc là cả hai biết hi sinh cho nhau, hiểu và giúp đỡ nhau. Dân gian ta có câu “khéo co thì ấm”, tôi luôn cố gắng để tạo niềm vui cho chồng con mỗi khi có thể.
Dù có thành công đến đâu trong sự nghiệp, nhưng nếu không có một gia đình hạnh phúc, thì thành công đó không bao giờ trọn vẹn. Tôi nhớ những năm theo học đại học vì quyết định chọn ở xa nhà nên cha tôi giận tôi suốt ba năm. Sau này nghĩ lại, đó là thất bại lớn nhất trong cuộc đời mình. Tôi vì tương lai mà quên mất cảm giác của cha mình. Cũng may, sau đó tôi đã viết thư cho cha và cha đã đến trong ngày tôi làm lễ tốt nghiệp.
Ngoài công việc tại TI Texas Instruments, được biết bà có nhiều hoạt động hướng về trẻ em, học sinh nghèo. Bà có thể chia sẻ tâm nguyện của mình thông qua những hoạt động ấy?
Trước khi tôi đến Mỹ, tôi có khoảng thời gian 12 năm sống ở Việt Nam. Hồi ấy, tôi cũng vất vả lắm. Sau này tôi học hành thành đạt, có cái này cái khác tôi vẫn không quên nỗi vất vả ngày thơ ấu. Tôi rất thương trẻ chịu thiệt thòi. Tôi nhận quá nhiều rồi, giờ tôi san sẻ niềm vui lại cho các em. Đó là lý do tôi lập quỹ Hoa hướng dương để giúp trẻ em nghèo có cơ hội đến trường, học hành để sánh vai với bạn bè quốc tế trên mọi lĩnh vực. Thứ nữa tôi muốn làm cầu nối cho những người Việt ở bên này với những người Việt sống ở Việt Nam có mối quan hệ gắn bó, để những đứa trẻ lớn lên sau này vẫn nhớ mình là người Việt Nam. Tôi dự tính trong 10 năm, Sunflower Mission sẽ xây được 100 lớp học, tạo 10.000 học bổng cho học sinh Việt Nam từ tiểu học đến đại học. Đến nay, chúng tôi đã xây được gần 70 lớp học và tặng gần 3.000 học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo.
Đây là lần đầu tiên TI tổ chức cuộc thi thiết kế chíp vi điều khiển (MCU) dành cho khối ĐH, CĐ Việt Nam. Bà có thể chia sẻ đôi điều về chương trình này?
Đây là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức cuộc thi Sáng tạo khoa học ở Việt Nam tại ba điểm là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tôi luôn có tâm nguyện là làm sao tạo cơ hội cho các em đang theo học ĐH, CĐ trên đất nước mình có cơ hội tiếp xúc với khoa học tiên tiến. Cuộc thi này là cơ hội tốt cho các em thể hiện khả năng của mình. Cũng qua đây, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo và truyền đạt kiến thức cho các em. Điều tôi muốn nhắn nhủ tới các em là các em hãy tự tin, mạnh dạn làm những điều mình yêu thích. Những bước đi đầu đời rất quan trọng quyết định đến sự thành công của các em trên đường học vấn cũng như trong cuộc sống. Mạnh mẽ nhưng giàu lòng nhân ái! Đó là phương châm sống của tôi!
Xin cám ơn sự chia sẻ chân thành của bà.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
TI Texas Instruments là công ty nằm trong top 500 ở bảng xếp hạng của Fortunes and Forbes. Năm 1990, Lê Duy Loan được bầu vào Hội đồng kỹ thuật của TI rồi thành viên cao cấp của hội đồng này vào năm 1993. Bốn năm sau, bà là người phụ nữ đầu tiên của TI trở thành thành viên danh dự của Hội đồng kỹ thuật và là Phó giám đốc thương mại của Công ty TI. Năm 2001, tên tuổi của Lê Duy Loan một lần nữa được lưu danh trong “Women in Technology International Hall of Fame” dành cho các nữ chuyên gia kỹ thuật xuất sắc trên thế giới. Năm 2006, bà tiếp tục được vinh danh là người Việt Nam thành công trên đất Mỹ, được báo chí nước ngoài ngợi ca là “kỳ quan học thuật”. |
Bình luận (0)