Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết, đang đề nghị Bộ Y tế kiểm soát chặt việc nhập khẩu, sử dụng chất Salbutamol trong điều trị, không cho dùng Ractopamine trong thực phẩm.
Tới đây, sẽ tổng kiểm tra các chất bổ sung có tác dụng kích thích sinh trưởng, tạo nạc trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Dương. |
Ông Dương cho biết: Bộ Y tế đang cho sử dụng chất Salbutamol trong điều trị. Không phải chỉ y tế của Việt Nam, mà trên thế giới, một số nước vẫn sử dụng chất này để điều trị bệnh đường hô hấp. Bên y tế cũng đang quản lý chặt chẽ chất này, chứ không phải cho bán trôi nổi trên thị trường.
Việc sử dụng tuân theo đơn, toa thuốc; còn nhập khẩu phải rõ ràng về người nhập địa chỉ, số lượng, mục đích nhập. Cty kinh doanh thức ăn chăn nuôi không có chức năng về dược phẩm y tế nên không được phép nhập. Nếu họ nhập trót lọt, có thể chất cấm không đứng một mình, mà đã trộn lẫn, pha vào một chất khác, và nhập với mục đích khác.
“Chúng tôi không đề nghị cấm chất Salbutamol trong điều trị, nhưng Bộ Y tế phải quản lý chặt hơn, vì có thể các đối tượng chuyển mục đích từ y tế sang chăn nuôi thì rất nguy hiểm. Sử dụng cho người cũng có liều lượng, theo đơn, toa thôi, chứ nhập hàng yến, tạ, tấn như vậy, thì mục đích gì?”, ông Dương nói.
Bộ Y tế vẫn cho tồn tại một lượng nhất định Ractopamine trong thực phẩm, trong khi Bộ NN&PTNT cấm tuyệt đối. Vấn đề này sẽ được xử lý ra sao, thưa ông?
Vừa rồi, Bộ Y tế cũng rất tích cực phối hợp để giải quyết vấn đề trong việc buôn bán, sử dụng chất cấm tạo nạc. Tại cuộc họp mới đây, Cục ATVSTP cũng có ý kiến với Cục Quản lý Dược, nếu thực sự việc sử dụng các nhóm Beta agonist gây nguy hại sức khỏe người dân, ngành chăn nuôi, thì nên điều chỉnh.
Bộ Y tế đang cho phép tồn tại một tỷ lệ nhất định chất Ractopamine trong thực phẩm. Tại một hội đồng khoa học mới đây, do hai bộ tổ chức, nhiều nhà khoa học đã đồng tình với chúng tôi, đề nghị Bộ Y tế đưa ra khỏi danh mục cho phép sử dụng có giới hạn với Ractopamine. Hy vọng, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh ở chỗ này, tránh sự chồng chéo giữa các bộ, khó quản lý.
Tổng kiểm tra chất bổ sung
Hiện có những loại chất gì kích thích sinh trưởng, tạo nạc ở gia súc, gia cầm?
Ngoài các loại chất cấm tạo nạc như nhóm Beta agonist, hoóc-môn sinh trưởng, còn lại một số chế phẩm sinh học, kim loại, nhóm kháng sinh, dùng với liều lượng nhỏ, giúp quá trình tiêu hóa, hấp thụ của lợn, kích thích quá trình tạo nạc, không gây hại, vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, không được quá liều lượng cho phép.
Nhiều Cty đã dùng các mỹ từ như “bung đùi”, “nở vai”, “nhiều nạc”, chỉ dùng để quảng cáo, chưa đủ cấu thành mức độ phạm tội. Việc dùng liều lượng các chất trên, do các nhà sản xuất khuyến cáo, làm sao không ảnh hưởng việc nhờn thuốc trong điều trị, không gây tồn dư trong cơ thể lợn, ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi các Cty làm không đúng liều lượng công bố, khi kiểm tra, các cơ quan chức năng sẽ xử phạt. Tuy nhiên, việc kiểm soát ở nước ta khó hơn ở các nước phát triển, vì chăn nuôi ở ta còn nhỏ lẻ, do vậy, quy định về quảng cáo, chế tài xử phạt, cần phải cụ thể hơn.
Có nhiều dạng chất được phép sử dụng có tính kích thích tạo nạc như vậy. Liệu tới đây có kiểm soát hết không?
Chúng tôi cho tổng kiểm tra toàn bộ thức ăn chăn nuôi bổ sung, cơ sở bán thuốc thú y, đây là những nơi có thể lợi dụng để bán chất cấm tạo nạc. Tiếp tục lấy thêm mẫu để phân tích. Quan điểm của chúng tôi là tìm ra những đường dây, doanh nghiệp nào đang kinh doanh, buôn bán loại chất cấm phải xử lý nghiêm khắc.
Đặc biệt, trong quý 2, sẽ tổng kiểm tra toàn bộ, không chỉ những chất cấm vừa qua ở các cơ sở nội địa, mà mở rộng với nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, xem có xuất hiện các chất khác, ảnh hưởng ATTP hay không, tại nơi nhập khẩu.
Mức xử phạt những đối tượng buôn bán, sử dụng chất cấm còn thấp, nên chưa đủ sức răn đe?
Với các hộ chăn nuôi vi phạm khi sử dụng chất cấm, phạt 15-20-25 triệu đồng/hộ. Các hộ ở Đồng Nai mới đây bị phạt, đàn lợn hàng trăm con đến lúc xuất chuồng nhưng chưa được phép của cơ quan chức năng, với họ như thế cũng là nặng nề, chứ không chỉ mỗi chuyện phạt không.
Đương nhiên, với các hộ lần đầu, khi xét có kết quả âm tính với chất cấm, đàn lợn mới được bán, nhưng vẫn chịu xử phạt vi phạm hành chính, cao nhất là 25 triệu đồng.
Còn các hộ buôn bán chất cấm, có thể phạt từ 10-40 triệu đồng, chưa kể các mức phạt bổ sung, bắt thu hồi, tiêu hủy, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải xử phạt hình sự.
Việc thông tin về chất tạo nạc thời gian qua, khiến ngành chăn nuôi thiệt hại hơn 2 nghìn tỷ đồng, đây không phải là con số nhỏ, nên không thể nương tay với đối tượng vi phạm.
Phạm Anh (TPO)
Bình luận (0)