Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên còn bươn chải đến khi nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Sự đầu tư nửa vời cho giáo dục khiến nhiều GV phải bươn chải để sống

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng đã xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Theo TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập hóa, cần thiết phải đổi mới cơ cấu đầu tư. Phải đầu tư đủ theo mục tiêu phát triển của nhà trường, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên”.

PV: Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp GD-ĐT và trải qua nhiều cương vị khác nhau, tiến sĩ có nhận xét gì về chế độ tiền lương của giáo viên (GV) hiện nay?
TS. Huỳnh Công Minh: Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã xác định lương của GV là cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Về mặt chữ nghĩa, khi đọc chữ “cao nhất” thấy nó hay. Có lẽ vì vậy mà khi học về chủ trương này, người thầy giáo rất hài lòng. Còn người dân cũng rất yên tâm vì thấy rằng xã hội đã lo đủ cho người thầy. Nhưng có một điều trong thực tế của cuộc sống, không phải người ta chỉ sống bằng lương. Trong hệ thống lương của Nhà nước, có nhiều người lương thấp hơn lương của GV nhưng mà người ta sống rất phung phí. Trong khi đó GV không thể sống được bằng đồng lương của mình. Và người thầy phải tìm cách khác để có thể sống. Từ đó, người thầy giáo – nhân tố quyết định cho sự nghiệp giáo dục bị phân tán, không còn tập trung, nhiều khía cạnh về tâm lý, về đạo đức cũng bị ảnh hưởng.
Về vấn đề này, có nhiều người nói rằng tại cơ cấu lương, cũng có ý kiến cho rằng tại người thầy mất chất. Nói như thế nào cũng đúng hết. Nhưng có một điều cần phải nói rằng, người thầy cũng là một con người chứ không phải thần thánh mà không cần đến vật chất. Nếu cứ đầu tư đủ cho người thầy giáo, ai mà mất chất sẽ cho nghỉ việc thì chuyện này sẽ không xảy ra. Bây giờ cứ nói nửa chừng, nói hàng hai thì năm này qua tháng kia cũng không bao giờ giải quyết được.
Theo tiến sĩ, lương của GV phải như thế nào mới gọi là đủ?
Lương của GV là phải đủ ăn, đủ mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, nuôi con. Trong lịch sử xã hội Việt Nam có giai đoạn người thầy giáo lãnh lương 30 ngàn đồng/tháng nhưng họ ăn cơm tháng, ở nhà sang trọng, chỉ tốn có 5 ngàn đồng thôi. Nói một cách đơn giản là lãnh 5 mà tiêu hàng ngày chỉ có 1. Giai đoạn đó, người thầy giáo tự dưng trở thành một tấm gương, một vị trí mà ai cũng trân trọng. Và bản thân người thầy giáo đó cũng phải sống, làm việc và quan hệ để xứng đáng. Người thầy giáo phải rất tự tin vào cuộc sống của mình, tự tin vào tương lai và có điều kiện học tập để nâng cao nghiệp vụ, không ngừng học hỏi thì mới đủ sức làm thầy được.
Ngược lại lương của người thầy giáo bây giờ là lãnh 1 mà tiêu tới 5. Cuối cùng phải đắp đổi cái này cái kia, tức là cấp bù. Lương của người thầy giáo mà dùng cái chữ “cấp bù” nghe là thấy xấu hổ.
Trong những năm làm giám đốc, tôi thấy TP.HCM là nơi đầu tư cho giáo dục lớn nhất cả nước, có khi lên tới 25%. Nhưng ngân sách đầu tư này có tới 80% chi cho lương GV, song vẫn không đủ sống. 20% còn lại cũng không đủ chi cho những hoạt động thường xuyên của nhà trường như điện, nước, chi phí cho hoạt động dạy và học. Trong thực tế có những trường lớn, GV có thâm niên nhiều thì 80% dùng để chi lương là không đủ nên đã phải lấn qua 20% còn lại. Chính vì vậy mà có những trường không đủ kinh phí để đóng tiền điện, tiền nước hàng tháng…
Vậy cách nào để người thầy giáo có thể sống được bằng chính đồng lương của mình, thưa tiến sĩ?
Cái khó hiện nay là năng lực đầu tư của ngân sách không đủ để trả lương cho người thầy giáo. Vì vậy, Nhà nước phải xây dựng một kế hoạch đầu tư phù hợp. Theo tôi có hai phương án.
Phương án thứ nhất là tính đủ lương của GV và thiết chế trường học theo yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế để đầu tư. Ngân sách đầu tư được bao nhiêu trường công, còn lại là xã hội hóa – để nhân dân và các nguồn lực khác đầu tư (đó là các trường ngoài công lập). Và trường công sẽ không thu học phí, trường ngoài công lập thu học phí nhiều. Phương án này cũng có thể thực hiện được như giai đoạn trước kia đã làm.
Phương án thứ hai (hiện nay đang sử dụng) là duy trì một số lượng lớn trường công nhưng trong trường công có một phần học phí của phụ huynh. Cái hay của phương án này là có nhiều con em nhân dân học trường công và chỉ phải đóng một phần học phí thay vì phải đóng nhiều hơn nếu học ở trường ngoài công lập. Tuy nhiên, phương án này gặp phải cơ chế tài chính rất phức tạp và khó khăn. Trên thực tế là hơn 10 năm rồi mà học phí không thể điều chỉnh được. Đây là vấn đề phải tháo gỡ.
Đổi mới căn bản phải là thẳng thắn, Nhà nước đầu tư đến mức nào, mức nào thì phụ huynh lo. Phải rõ ràng như thế, chứ như bây giờ ai làm giáo dục là đi xin – hết xin chuyện này tới xin chuyện kia. Cuối cùng đưa hệ thống giáo dục vào một trạng thái thụ động, không làm sao phát triển được. Tất cả phụ thuộc vào sự chòi đạp, phấn đấu, nỗ lực chủ quan của người thầy giáo. Và phụ thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo từng địa phương. Điều kiện phát triển như thế là thiếu căn bản.
Xin cám ơn tiến sĩ!
Hòa Triều (thực hiện)

“Cũng cần phải nói thêm rằng, chính cái cách đầu tư nửa vời như hiện nay nên GV phải bươn chải để sống. Trong quá trình bươn chải đó cũng có một bộ phận GV làm quá đà, làm hư tính chất của người thầy giáo. Truyền thống của ông bà mình từ trước đến giờ, nghề thầy giáo là cái nghề thanh bạch. Muốn vậy thì phải tạo điều kiện cho người thầy sống một cách vững vàng, tự tin, để người thầy làm tròn chức năng của mình”, TS. Huỳnh Công Minh nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)