Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm thi môn lịch sử thấp: Đừng vội đổ lỗi cho chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm bài thi đại học môn sử tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM năm 2011. Ảnh: M.Tâm
Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, tại các trường, tỷ lệ thí sinh đạt điểm môn sử từ trung bình trở lên chỉ có 0,3-5%, nhiều trường có tới trên 99% thí sinh điểm dưới trung bình, thậm chí có trường chỉ có 1 thí sinh có điểm thi trên trung bình. Dư luận gần đây cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là do tình trạng dạy và học lịch sử hiện nay ở chương trình phổ thông. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu về giáo dục thì điều này chưa hẳn là vậy…
Chương trình chỉ là một phần
“Môn lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước và tự hào của dân tộc nhưng hiện nay vai trò của môn học này lại đang bị xem nhẹ ở nhà trường phổ thông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là ở nhu cầu đầu ra của môn học này không cao”, TS. Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng khoa Sư phạm xã hội, Trường ĐH Sài Gòn nhận định.
Đồng tình với ý kiến trên, cô Nguyễn Hoàng Lệ Hằng, Tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Marie Curie cho biết: “Cũng chính vì đầu ra bị xem nhẹ nên mặc dù môn lịch sử rất hấp dẫn, lôi cuốn học sinh nhưng các em vẫn không thể có nhiều thời gian đầu tư vào môn học này. Mặt khác, đây là môn học khá hấp dẫn nhưng nội dung chương trình lại khá nặng, khối lượng bài giảng quá nhiều trong khi thời lượng phân bố chương trình lại chỉ có 1,5 tiết/tuần nên việc chuyển tải nội dung trọng tâm bài học cho học sinh cũng đã khá vất vả cho giáo viên. Ngoài ra, nếu dạy lịch sử chỉ đọc và chép thì hiệu quả chưa cao nhưng đồ dùng dạy học của chúng ta mới chỉ được cung cấp tương đối đầy đủ, nhiều trường vẫn còn thiếu hệ thống máy chiếu nên việc tạo ra các hình ảnh trực quan ở môn học chưa cao…”. Một giáo viên dạy lịch sử đề nghị được giấu tên cũng nêu: “Nguyên phần lịch sử THPT chủ yếu nói về quân sự, chiến tranh trong khi lịch sử Việt Nam còn có rất nhiều mảng hay, bổ ích như văn hóa nghệ thuật, tại sao chúng ta không tái hiện lại các mảng kiến thức để nội dung chương trình bớt khô khan hơn”.
Ngoài những vấn đề về nội dung, thời lượng chương trình, sự thờ ơ của phụ huynh và học sinh thì một trong những vấn đề khó khăn mà giáo viên giảng dạy môn lịch sử gặp phải nữa là mức thu nhập. Cô Chu Thị Bích Ngà, nguyên Tổ trưởng Tổ sử Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay: “Thu nhập giáo viên dạy sử chưa cao nên một số giáo viên không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, chuẩn bị bài giảng không chu đáo khiến tiết dạy lịch sử kém chất lượng, không thu hút được sự chú ý học sinh, về nhà các em dành nhiều thời gian môn khác nên sẽ dẫn đến kết quả điểm thi thấp”.
Đề thi chưa rõ ràng
Chương trình dạy và học lịch sử ở trường phổ thông chưa có sự thu hút cho học sinh chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm thi vào ĐH, CĐnăm nay khá thấp. TS. Lê Minh Quốc, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng: “Nếu có dưới 50% bài thi đạt yêu cầu thì phải xét nhiều khía cạnh liên quan, trong đó có những nguyên nhân thuộc về nhà trường phổ thông, nhưng ở kỳ thi nào nhiều trường chỉ có khoảng 5% thí sinh đạt yêu cầu (trên trung bình) thì nguyên nhân này xuất phát từ đề thi chứ chưa hẳn ở việc dạy học”. Cùng bàn về đề thi, TS. Nguyễn Đức Hòa cho hay: “Đề thi môn lịch sử năm nay đòi hỏi tính tư duy cao nhưng lại không có tính khoa học. Ở môn địa lý và môn văn, điểm thi không rơi vào tình trạng quá thấp như môn lịch sử bởi đề thi vừa sức với trình độ của học sinh. Theo tôi, người ra đề thi giỏi chưa hẳn là đề thi phải hay mà cần phải có sự phân hóa tốt, phù hợp với trình độ của người học và mang tính gợi ý. Tuy nhiên đề thi môn lịch sử năm nay chưa hội đủ những điều kiện này”.
“Khi cầm đề thi, chính bản thân giáo viên chúng tôi thấy đề thi này cũng khá phân vân, đặc biệt là phần tự chọn vì câu hỏi chưa được rõ ràng, sau một hồi suy nghĩ chúng tôi mới suy luận ra các câu hỏi trong đề thi”, một giáo viên ở trường THPT tại Q.3, TP.HCM cho biết. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Hòa phân tích: “Đề thi câu 1, 2, 3 không khó nhưng thí sinh cần có tư duy tốt mới hoàn thành được bài thi. Tuy nhiên, ở phần tự chọn đề thi có nâng cao nhưng lại không rõ ràng, cụ thể trong khi lịch sử lại luôn luôn đòi hỏi sự cụ thể. Đề yêu cầu khái quát tình hình phát triển của tổ chức liên kết kinh tế – chính trị lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến 2000, thí sinh có thể nghĩ ra nhiều tổ chức, khi xác định sai thì chắc chắn nội dung bài thi cũng sai. Nếu đề cụ thể hơn, khoanh vùng theo khu vực châu Á hay châu Âu… thì thí sinh sẽ làm tốt bài thi”.
Còn TS. Lê Minh Quốc thì quả quyết: “Kết quả điểm bài thi môn lịch sử thấp không phải nằm ở phía người học mà chủ yếu là do đề thi có rất nhiều khuyết điểm khiến thí sinh khó có thể làm bài đạt yêu cầu. Chẳng hạn, ở câu 1 đề yêu cầu thí sinh phân tích nguyên nhân Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nhưng đề thi lại hoàn toàn không đưa ra sự kiện. Muốn phân tích thì phải dựa vào sự kiện, nếu không có sự kiện để định hướng cách làm bài thì thí sinh khó làm tốt bài thi; câu thứ 2 so sánh bản luận cương chính trị nhưng muốn so sánh tốt cũng cần có dẫn chứng là 2 văn kiện đó bởi nếu chỉ dựa vào trí nhớ của mình thí sinh khó làm tốt bài thi, câu này đã vượt quá trình độ của thí sinh; còn ở câu 3, hỏi về thắng lợi nào “đánh cho Mỹ cút” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quá chung chung, nhiều thí sinh khi đọc xong liền nghĩ ngay đến lĩnh vực quân sự là chiến thắng Điện Biên Phủ chứ không phải là Hiệp định Paris nên xét về logic, cách suy nghĩ của thí sinh có thể đúng”.
Dương Bình

Bình luận (0)