Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục Việt Nam một năm nhìn lại

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường MN Minh Đạo (Củ Chi, TP.HCM) đón mừng trường mới. Ảnh: Q.H
Năm 2010 kết thúc. Nhìn lại một năm qua có thể thấy, giáo dục Việt Nam có nhiều niềm vui nhưng cũng chất chứa không ít nỗi buồn.
Lần đầu tiên một công dân Việt Nam đoạt giải thưởng Fields
Ngày 19-8-2010, tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, huy chương Fields – giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học – đã được trao cho GS. Ngô Bảo Châu. Trong lịch sử hơn 70 năm của giải thưởng Fields, đây là lần đầu tiên một người có quốc tịch Việt Nam đoạt giải thưởng này. Cũng từ sự kiện này, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng nhằm đưa Việt Nam lên hàng thứ 40 thế giới về toán học.
Nhiều đề án đi vào thực tế
Năm học 2010-2011 là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện một loạt đề án lớn: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 đối với học sinh tiểu học; bắt đầu triển khai đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên… Trong đó, Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký quyết định phê duyệt với tổng kinh phí lên đến 2.300 tỷ đồng. Dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; hơn 600 tỷ đồng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; hơn 27 tỷ đồng để phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục. Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh, các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng.
Riêng tại TP.HCM, UBND TP đã chỉ đạo các sở – ngành, quận – huyện cấp bách quy hoạch xây dựng trường lớp, đào tạo giáo viên mầm non để hoàn thành chủ trương trên vào năm 2013.
Xây dựng trường chất lượng cao
“Xây dựng trường học chất lượng cao vì một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập” được Sở GD-ĐT TP.HCM đề ra để thực hiện trong những năm tới. Sau nhiều tháng nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo khắp các tỉnh thành trên cả nước, ngày 27-12, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề trên.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, để xây dựng được một trường chất lượng cao, các trường phải đảm bảo 5 yếu tố cơ bản như đủ thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh, phòng chức năng đạt chuẩn, sĩ số lớp học đạt 30 HS/lớp, tổ chức 2 buổi/ngày và giáo viên phải có năng lực chuyên môn. Ngoài ra, yếu tố tư tưởng nhận thức của xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc tổ chức được một trường chất lượng cao, nhất là vấn đề công bằng trong giáo dục, học phí và ngân sách đầu tư.
Tham dự hội thảo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Việc xây dựng trường chất lượng cao là vấn đề cấp bách.
Quốc hội giám sát chất lượng ĐH
Năm 2010, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một chuyên đề giám sát chung về chất lượng giáo dục ĐH trên quy mô toàn quốc. Mục tiêu của đoàn giám sát là đánh giá tổng thể về các vấn đề: thành lập trường, đầu tư cho giáo dục ĐH và thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Báo cáo giám sát đã được đọc tại phiên toàn thể của kỳ họp Quốc hội vào tháng 6-2010, nêu lên một số vấn đề nổi cộm của giáo dục ĐH, đặc biệt là việc mở trường, mở ngành ồ ạt dẫn tới chất lượng không theo kịp quy mô phát triển. Sau báo cáo giám sát này, Quốc hội đã ra một nghị quyết nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH.
Bạo lực học đường gia tăng
Năm 2010 cũng là năm xuất hiện nhiều cảnh quay, đoạn ghi âm phản ánh hiện tượng xấu trong giáo dục như học sinh bị đánh hội đồng, bảo mẫu hành hạ trẻ, cô giáo chửi học sinh… Sự kiện đầu tiên gây xôn xao dư luận là clip nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bị đánh được tung lên mạng hồi tháng 3. Sau sự kiện này, một loạt cảnh quay học sinh đánh nhau; giáo viên chửi bới, lăng mạ học sinh… được các mạng xã hội chuyển tải. Trước làn sóng bức xúc của dư luận, tháng 7-2010, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã tổ chức một hội thảo cấp quốc gia đề cập thẳng vào vấn đề: “Ngăn ngừa tình trạng học sinh đánh nhau”. Hội thảo không chỉ có riêng ngành GD-ĐT ngồi bàn với nhau để tìm giải pháp mà còn có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành liên quan. Không chỉ học sinh đánh nhau mà cả hình ảnh các bảo mẫu tại các cơ sở trông trẻ tư nhân bạo hành trẻ cũng đã khiến dư luận bức xúc.
ĐH tuyển sinh không đủ chỉ tiêu
Mùa tuyển sinh 2010 đối với ĐH chỉ đạt trên 95% so với chỉ tiêu đề ra. Không chỉ các trường ngoài công lập tuyển sinh chật vật mà ngay tại trường công lập, nhiều ngành học cũng phải đóng cửa vì không có thí sinh như một số ngành của ĐH Đà Nẵng, một số ngành liên quan đến nông – lâm ngư. Hay như ngành CNTT từng được coi là ngành nóng thời gian gần đây cũng phải đóng cửa tại nhiều trường.
Sự xuống cấp đạo đức trong giáo dục
Điều này được thể hiện bằng một loạt các sự kiện có tính ảnh hưởng lớn như vụ hiệu trưởng mua dâm tại Hà Giang, cô giáo văng tục tại lớp, cô giáo chửi học sinh tại lớp ở Hải Phòng, nữ sinh tự tử vì thầy hiệu phó tống tình tại Vĩnh Phúc. Không những thế, vấn đề đạo văn trong giáo dục cũng được dư luận quan tâm. Đầu năm là sự kiện GS. Trần Ngọc Thơ phản ánh giáo trình Tài chính quốc tế của PGS-TS Phan Thị Cúc và một số tác giả Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xuất bản năm 2008 có nhiều nội dung sao y giáo trình Tài chính quốc tế của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM do ông chủ biên, xuất bản năm 1996. Sau đó, nhiều dẫn chứng lại cho thấy giáo trình Tài chính quốc tế của GS. Thơ lại “đạo” giáo trình International Financial Management của GS. Jeff Madura – Trường ĐH Florida (Mỹ). Gần cuối năm, giới khoa học trong và ngoài nước lại xôn xao trước sự kiện hai tạp chí uy tín về vật lý trên thế giới đã có tuyên bố rút lại bài báo đã được đăng do tác giả đạo văn. Đó là bài báo Was the fine-structure constant variable over cosmological time? (tạm dịch: Hằng số tương tác điện từ có thay đổi theo thời gian?) của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao, N.T.Hung và Trần Văn Hùng.
Thiếu trường tại các thành phố lớn
Hình ảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm tại Hà Nội và TP.HCM để xin chỗ học cho con đã không còn xa lạ. Điều này cho thấy, tại các thành phố lớn, thiếu chỗ học cho học sinh đang là vấn đề đặt ra. Các nhà quản lý cho rằng chỗ học không thiếu. Nhưng thực tế cho thấy, chỗ học tại các trường ngoài công lập thì còn rất nhiều, nhưng phụ huynh một phần vì không có đủ chi phí cho con đi học, phần khác, chất lượng tại các cơ sở này chưa có gì có thể đảm bảo.
Cùng với vấn đề thiếu trường, năm 2010 còn đánh dấu bằng sự kiện Bộ GD-ĐT chính thức “khởi động” vấn đề đưa các trường ĐH ra nội thành. Nội dung này được các trường ủng hộ. Tuy vậy, để thực hiện việc này thì còn nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn về kinh phí, thủ tục xây dựng… Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết việc di dời các trường ra ngoại thành là không thể không làm vì chủ trương này đã có từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn còn giậm chân tại chỗ do vướng mắc nhiều thủ tục.
Dấu hỏi đối với chất lượng tại chức
Năm 2010, Đà Nẵng chính thức nói không với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức. Không chỉ có Đà Nẵng mà tại Hà Nội, trong thi công chức ngành sư phạm, TP cũng nói không với hệ này. Sự kiện này đã đánh một dấu hỏi lớn đối với đào tạo hệ tại chức của Việt Nam hiện nay. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ siết chặt chỉ tiêu hệ đào tạo này để đảm bảo chất lượng.
Nhóm PV

Bình luận (0)

Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục Việt Nam – một năm nhìn lại

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong trong ngày tuyên dương khen thưởng. Ảnh: T.T.Q

Trong không khí háo hức của những ngày cuối năm, người ta thường có thói quen tổng kết những việc làm được, những gì còn dang dở. Xen vào đó là tâm trạng mừng vui, hạnh phúc hoặc buồn rầu, ủ dột. Riêng với ngành giáo dục năm vừa qua, năm 2008, thì chỉ với hai từ “nuối tiếc” là đã đủ để nói lên tất cả.

Hạn chế, tồn tại còn nhiều
Nhiều năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã có rất nhiều cố gắng nhằm cải cách, đổi mới nền giáo dục theo hướng chuẩn, đa dạng và hiện đại. Chính phủ cũng đã liên tục ra các nghị quyết, quyết định liên quan đến cải cách giáo dục, như Nghị quyết 14-2005/NQ-CP ra ngày 2-11-2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010 hay các nghị quyết về đổi mới giáo dục trung học, tiểu học hoặc mầm non… Nhưng, thành tựu thu được là chưa tương xứng với hy vọng và tâm huyết bỏ ra. Hạn chế, tồn tại của nền giáo dục nước nhà vẫn còn hiển hiện. Điển hình là nội dung chương trình quá tải, sách giáo khoa còn nhiều mặt lạc hậu, chậm đổi mới; cách dạy và học còn nặng về nhồi nhét kiến thức một cách thụ động; giữa học và hành còn chưa hài hòa. Trong khi đó, học sinh, sinh viên thì kém năng động, thiếu mày mò sáng tạo, khả năng thực hành, thực nghiệm thành công thấp.
Trước hết là do quan điểm và mục tiêu đào tạo của hệ thống giáo dục chưa mang tầm chiến lược. Thêm vào đó là việc xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp dạy học cũng như đội ngũ giảng viên còn nhiều yếu kém. Hệ thống tổ chức và công tác quản lý cũng có nhiều bất cập. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tính cạnh tranh kém, đội ngũ lao động lành nghề, có chuyên môn và giàu sức sáng tạo thiếu.
Chưa có giải pháp hữu hiệu
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “hai không” (với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và nói không với ngồi nhầm lớp) nhưng vẫn còn nhiều nơi, nhiều trường chưa thực hiện tốt. Tình trạng gian lận trong thi cử, bệnh chạy theo thành tích hay hiện tượng mua bằng cấp, vi phạm đạo đức trong giáo dục còn nhiều.
Giáo dục đại học được coi là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho mỗi quốc gia. Vì thế, đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nước nhà, nhưng hiệu quả là chưa có. Chỉ cần nhìn vào bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của riêng nhóm Webometrics (nước Ý), tuy đã có tên 7 trường đại học của Việt Nam nhưng thứ tự rất thấp, thứ 1920 và hơn nữa. Trong bảng xếp hạng của THES, Guardian, Maclean thì lại không có tên của bất kỳ một trường đại học nào của Việt Nam. Còn Diễn đàn Kinh tế thế giới chấm điểm cho yếu tố “Đào tạo và giáo dục đại học” của nước ta với số điểm rất khiêm tốn (3,94 điểm) và xếp hạng 98. Thế mới biết, nền giáo dục của chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới, còn chất lượng giáo dục thì báo động đến mức nào.
Những chỉ số ở trên tuy chỉ mang tính tương đối, lý thuyết nhưng nó cũng rất đáng để cho mọi người cùng suy ngẫm, thấm thía. Bởi ở tầm vĩ mô, Đảng và Nhà nước đã nhiệt liệt ủng hộ chủ chương đổi mới trong giáo dục với hàng loạt những hành động thiết thực: ngân sách đầu tư cho giáo dục liên tục tăng cao; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho giáo dục được tăng cường; trình độ dân trí được nâng cao, hợp tác quốc tế không ngừng phát triển. Vậy sao chất lượng nền giáo dục còn thấp, vẫn không được thế giới thừa nhận? Phải chăng, việc triển khai các biện pháp còn mang nặng tính hình thức, thiếu khoa học và chưa đồng bộ giữa các khâu, các bước? Hay là do các biện pháp của chúng ta vẫn còn chưa mang tính khả thi cao? Cho nên, trong mỗi chúng ta, những người có tâm với nền giáo dục nước nhà đều có chung một tâm trạng nuối tiếc cũng là điều dễ hiểu.
Những tín hiệu vui
Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới là cần có ngay những giải pháp khả thi hơn nữa, thiết thực hơn nữa nhằm tăng tốc cho nền giáo dục Việt Nam trên con đường đi tới sự hợp lý, và cao hơn là đẳng cấp quốc tế, được quốc tế thừa nhận. Do đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhất là ở bậc đại học. Vừa qua, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Chỉ thị về 14 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2008-2009. Theo đó, các trường tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo và đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Liên tục quán triệt đến từng cán bộ, giảng viên, sinh viên các yêu cầu đặc thù của giáo dục đại học là “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Về công tác tổ chức và quản lý đào tạo, sẽ xây dựng và ban hành 100 chương trình khung giáo dục đại học trong năm 2008. Các trường chuẩn bị đủ điều kiện và lộ trình hợp lý để chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ vào năm học 2009-2010 hoặc chậm nhất là năm học 2010-2011. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước gắn với tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý sử dụng tài chính của cơ sở giáo dục đại học.
Hy vọng rằng, với những việc làm tích cực trên, cùng với quyết tâm và nỗ lực lớn của toàn xã hội, trong tương lai không xa, thế hệ trẻ nước nhà sẽ được hưởng một nền giáo dục hiện đại, xứng đáng với một dân tộc có truyền thống giáo dục đáng kính trọng như Việt Nam chúng ta. Và sự nuối tiếc của năm cũ sẽ được thay bằng một tâm trạng mừng vui, phấn chấn hơn, hạnh phúc hơn trong năm mới Kỷ Sửu này.
Nguyễn Danh Phương