Việc cần làm của Bộ GD-ĐT là phải đổi mới cách ra đề và hướng dẫn chấm thi; nếu không, việc thỏa hiệp chấm thi sẽ “quy mô” hơn ở kỳ thi sau
Vụ thỏa thuận chấm điểm tốt nghiệp THPT của 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL thực sự đã gây “sốc” trong dư luận những ngày qua. Nhiều nhà giáo dục cũng đã bày tỏ thái độ bất an và cho rằng nguyên nhân của việc này còn sâu xa hơn cả một kỳ thi.
Học sinh ở 11 tỉnh thuộc ĐBSCL đang nóng lòng chờ Bộ GD-ĐT phán quyết vụ “đáp án mở”, trong khi ngày thi CĐ, ĐH sắp đến gần. Ảnh: CA LINH
|
Chuyện chưa từng có
PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên giảng viên Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhận định: Đây là một hiện tượng chưa từng có trong quá trình chấm thi. Xưa nay, đáp án của bộ đúng hay sai, dở hay hay thì các địa phương nhất nhất phải tuân thủ cho dù cảm thấy như thế nào, thoải mái hay ấm ức. Thế nhưng trên thực tế, chính vì sự ấm ức nhiều hơn là thoải mái nên đã có nhiều phản ứng. Chuyện 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL có riêng biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi là phản ứng cụ thể của sự không thoải mái đó. Nội dung của hướng dẫn chấm này mở hơn so với hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT nên có lợi hơn cho thí sinh, nghĩa là thí sinh dễ có điểm hơn. Thế nhưng, về mặt pháp lý chỉ có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT mới là căn cứ để giáo viên chấm thi.
Tôi chờ xem Bộ GD-ĐT xử lý việc này như thế nào. Nếu chấp nhận hướng dẫn chấm của 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL thì các kỳ thi sau, bộ cũng không cần phải ban hành hướng dẫn chấm nữa.
TS Mai Ngọc Luông (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TPHCM)
|
“Xét thỏa thuận dưới góc độ tích cực thì đây không phải là bệnh thành tích vì đáp án của Bộ GD-ĐT đã có vấn đề thì chuyện này mới xảy ra” – cô Dương Thu Trang, giáo viên môn văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi – TPHCM, nhận xét. Theo cô Trang, khi chưa chấm thi, nhiều giáo viên đã phản ứng với hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT đăng trên các báo vì đề thì mở, đáp án lại đóng. Lẽ ra, với hướng dẫn chấm môn văn, bộ chỉ cần yêu cầu thí sinh phát hiện được vẻ đẹp của thiên nhiên, hiện thực của cuộc sống trái ngược với nhau và làm sao để nói lên được giá trị của tác phẩm, giá trị tư tưởng, chủ đề mà tác giả muốn hướng đến. Đáp án chỉ nên nói một cách chung như vậy là đủ.
Cô Trang cho rằng sau khi chấm, đặc biệt vào ngày 8 và 9-6, mọi người rất bức xúc, thậm chí chấm không được vì cách viết của thí sinh không “gắn” được với yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Thực tế, có những bài học sinh viết còn hay hơn cả đáp án, nó đúng với tư tưởng của tác giả nhưng vẫn không có điểm. Ngày 10-6, Bộ GD-ĐT điều chỉnh hướng dẫn chấm; với hướng dẫn mới, học sinh được thêm 1 điểm.
Không ổn
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc thống nhất chấm thi của 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL là để tránh tình trạng nơi thì nặng tay, nơi lại nương tay trong việc chấm thi. Thế nhưng, xét trong bình diện chung cả nước, việc làm này là không ổn. Hướng dẫn chấm này nếu có tốt hơn hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT thì nên triển khai rộng trên phạm vi cả nước để tạo sự thống nhất chung. Mỗi nơi chấm mỗi kiểu thì ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh.
TS Mai Ngọc Luông, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TPHCM, cho biết: Cho dù hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT đã tốt hay chưa thì đây vẫn là căn cứ để các địa phương thực hiện. Nếu thấy hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT không ổn thì giáo viên chấm thi nên có đề nghị điều chỉnh để hướng dẫn chấm tốt hơn, có lợi hơn cho thí sinh và đặc biệt bảo đảm tính pháp lý. Có thể hướng dẫn chấm của 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL hay hơn đáp án của bộ nhưng nó là sự vô tổ chức, làm cho việc chấm thi trong cả nước không theo một chuẩn chung nào và ở những nơi thực hiện chấm theo hướng dẫn của bộ thì thí sinh ở nơi đó bị thiệt thòi.
“Chúng ta không ủng hộ kiểu làm tự phát này nhưng rõ ràng đó là tiếng chuông cảnh báo cần thiết đối với cách ra đề và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT. Việc cần làm của Bộ GD-ĐT là phải đổi mới, điều chỉnh cách thức ra đề và hướng dẫn chấm thi. Nếu không, e rằng sự việc trên sẽ lặp lại trên quy mô rộng hơn ở kỳ thi sau” – PGS-TS Trần Hữu Tá nói.
Theo Huy Lân
(nld)
Bình luận (0)