Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường học đồng hành cùng hàng Việt: Kỳ cuối: Để hàng Việt theo kịp thời đại

Tạp Chí Giáo Dục

Trang thiết bị công nghệ thông tin thương hiệu Việt ngày càng được tin dùng ở các trường. Ảnh: Q.Huy

Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng (NTD) trong nước biết đến mà đang dần dần hội nhập với thị trường thế giới. Tuy nhiên, hàng Việt đã theo kịp thời đại hay chưa? Đây là một câu hỏi lớn dành cho các nhà sản xuất vốn đang cố gắng để sản phẩm Việt đứng vững trên thị trường.
Ổn định giá để giữ thị phần
Ngoài chất lượng sản phẩm, NTD còn quan tâm đến vấn đề giá cả. Hiện giá cả nhiều sản phẩm trong nước tăng lên so với những năm trước, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba nhưng thu nhập bình quân của mỗi người vẫn còn hạn chế. Một nghịch lý nữa là nhiều sản phẩm nhập vào từ nước ngoài lại có giá cả thấp hơn nhiều nên mặc dù biết mức độ an toàn thấp nhưng NTD cũng ngậm ngùi tiêu thụ. Vì vậy, việc ổn định giá để giữ thị phần cũng là một vấn đề các doanh nghiệp (DN) quan tâm.
Bà Trần Vân Anh, Trưởng phòng khuyến mại, Công ty Viễn Thông A cho biết: “Ngay từ năm học 2008-2009 khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiên – Học sinh tích cực và ứng dụng CNTT”, công ty đã đưa ra chiến lược phát triển là đẩy mạnh những sản phẩm phục vụ trong trường học như máy tính, màn hình hoặc đầu tư phòng Lap cho các trường với giá cả hợp lý, phù hợp với ngân sách của trường, đặc biệt đảm bảo hàng chính hãng và chất lượng tốt. Đến bây giờ tôi có thể khẳng định, nhà trường là một “thị trường” đầy tiềm năng, bởi doanh thu hàng năm với gói chương trình trên mỗi năm công ty tăng tới 30 – 35 %”.
Theo Sở Công thương TP.HCM, trong dịp Tết Canh Dần, doanh số của các DN, siêu thị đều tăng 30 – 40% so với Tết năm trước do giá ổn định, hàng đảm bảo chất lượng, phong phú. Tuy nhiên, các DN hiện nay vẫn đang chịu áp lực của “di chứng” lạm phát nên đây cũng là thời điểm DN gặp phải khó khăn. “DN đang đứng trước những thử thách về giá nguyên liệu đầu vào như đường, sữa, bột mì tăng… Nếu không giữ mức giá cạnh tranh so với hàng ngoại thì hàng nội có thể tuột mất phần thắng bất cứ lúc nào”, ông Phạm Văn Thiện – Phó giám đốc Công ty bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) nói.
Đưa sản phẩm chất lượng đến mọi nhà
Tình trạng một số DN đối xử với NTD chưa chuẩn mực, có “vấn đề” trong các sản phẩm đang dần được khắc phục. Theo ông Lê Phụng Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô, “Phản ứng của NTD trên thị trường trong mùa Tết vừa qua là rất rõ: Họ không còn chi tiêu ồ ạt mà chọn mua những sản phẩm nội có thương hiệu, uy tín, đề cao vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ Kinh Đô mà các DN khác đều bị “cháy” hàng vào phút chót, sản lượng tiêu thụ đạt từ 100 đến 150 % kế hoạch. Chính điều đó đã giúp DN định hướng phải tiếp tục xây dựng thương hiệu và chú trọng chất lượng sản phẩm”.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lòng cho khách hàng thì một trong những khâu không thể thiếu đối với nhà sản xuất chuyên nghiệp là làm sao sản phẩm của mình được nhiều người biết đến. Đối với lĩnh vực kinh doanh trang thiết bị trường học, các đơn vị sản xuất đã đưa ra một số hoạt động riêng để thu hút NTD. 
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số lượng sách giáo khoa (SGK), sách bổ trợ của Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) đã phát hành trong quý 1 năm 2010 đạt trên 10 triệu bản. Để đạt được doanh số này, ngoài sản phẩm chất lượng và phù hợp với người dùng thì các hoạt động “bên lề” lôi kéo sự ủng hộ khách hàng cũng góp phần không nhỏ. Đại diện của NXBGD cho biết: “Công ty đã thực hiện công tác tặng sách cho con thương binh liệt sĩ theo chủ trương của NXBGD trên 4.000 bộ sách. Đồng thời tham gia xây dựng, cải tạo và sửa chữa trường lớp cũng như tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ đồng bào bão lụt, giúp đỡ gia đình HS nghèo hàng trăm triệu đồng và nhiều sách vở…”
Trong kế hoạch bám trụ thị trường nội địa, hệ thống phân phối là vấn đề mấu chốt đảm bảo đưa hàng đến tay NTD. Hiện nay, chính sách phát triển hệ thống phân phối của DN khá tương đồng nhau, chen chân vào siêu thị, nông thôn, miền núi… và tăng độ phủ qua kênh bán hàng truyền thống. Số DN có hệ thống phân phối riêng qua cửa hàng, điểm bán độc lập còn ít. Vì vậy, đối với thị trường nội địa, để nâng cao tính cạnh tranh DN cần phải hiểu thị hiếu NTD và tính được dung lượng tiêu thụ của thị trường, từ đó mới đưa ra chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm phù hợp.
Q. HUY – M. BÌNH

 

Bình luận (0)