Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Từ sinh viên đến… phóng viên: “Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”…

Tạp Chí Giáo Dục

Phóng viên trẻ tác nghiệp trong lễ khai mạc hoạt động hè 2009 tại Đầm Sen. Ảnh: Mê Tâm

Không ít sinh viên báo chí thú nhận họ từng chọn… đại ngành học này mà thiếu hẳn việc hình dung rõ ràng về nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, có người dấn thân vào con đường làm báo, cũng có người không. Mặc dù ở một số trường, báo chí luôn dẫn đầu top những ngành có điểm đầu vào và tỷ lệ chọi cao nhất.
“Nhà báo”… sinh viên!
Giữa học báo và làm báo là cả một khoảng cách. Bắt đầu từ năm hai, hầu hết sinh viên (SV) báo chí đều bắt đầu tập tành cầm bút, một số đã cộng tác với các báo. Vào năm 3, năm tư, không ít “nhà báo SV” thể hiện được khả năng nổi trội và năng khiếu làm báo. Họ vừa học vừa làm, tích lũy kinh nghiệm và hàng tháng cũng “kiếm” được một khoản kha khá. Cũng có SV báo chí nhờ vào… nghề sớm cũng tự trang trải được phần nào chi phí học tập. Song, với SV khác, viết được một bài báo thôi đã là niềm mơ ước…
Thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường, kết quả học tập được tính bằng điểm số cao chưa làm SV báo chí hài lòng mà việc được đăng bài trên báo với họ mới là quan trọng. Một SV lớp Báo chí khóa 2006 (Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM) tâm sự: “Trước giờ cứ học vậy nhưng em không biết mình có khả năng làm báo được không. Nhất là khi thấy bạn bè cùng lớp cứ có bài lai rai trên các báo trong khi em tập viết hoài mà chưa được, em thấy lo lo. Cuối cùng giờ em cũng đăng được một bài trên báo tuy chỉ ở dạng “ý kiến bạn đọc” nhưng thấy tự tin hơn hẳn”. Các chuyên mục “ý kiến bạn đọc”, diễn đàn… là “đất” để SV bắt đầu tập viết.
Thực tập là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng cũng là cơ hội quý báu để SV được làm “nhà báo chuyên nghiệp”. Thời gian thực tập từ 1,5 tháng đến 3 tháng đối với SV, học sinh ngành báo chí các hệ ĐH, CĐ và trung cấp. Nhiều SV đã từng than thở: “Viết được một bài báo sao mà khó thế. Chạy đi chạy lại kiếm thông tin, có thông tin rồi lại không biết phải viết thế nào. Mất cả tuần mới xong bài báo, có khi lại chẳng được đăng”. Đây là tình hình… chung của rất nhiều cây bút trẻ. Không ít SV suốt mấy tuần đầu thực tập cứ nhấp nhổm như ngồi trên lửa vì không hề có tác phẩm được đăng. Khóc là chuyện không còn lạ! T.H. (Trường CĐ Phát thanh truyền hình) vừa trải qua 6 tuần thực tập tại một tòa soạn báo. T.H. tâm sự: “Chỉ có 6 tuần thực tập mà phải đạt 8 tin, 1 bài được đăng trên báo, không phải chuyện nhỏ. Nguyên tuần đầu tiên, chưa hòa nhập được môi trường làm việc của báo. Đến tuần thứ hai, em được một phóng viên hướng dẫn đề tài. Khi em xuống liên hệ phỏng vấn lấy thông tin, người ta bất hợp tác và còn nặng lời với mình nữa. Em về cứ ấm ức mãi, hễ nghĩ tới là nước mắt chảy dài. Đúng là làm phóng viên chẳng hề đơn giản”.
Những bài học… để đời
Hầu như SV và những cây bút mới vào nghề nào cũng có những phút… “làm nên lịch sử”. Minh Trung từng học Trường CĐ Phát thanh truyền hình TP.HCM, hiện đang làm báo nhưng vẫn chưa sao quên được kỷ niệm ngày đầu tiên đi thực tập tại Báo Sân Khấu. Khi ấy, Ban biên tập giao anh đến Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM để tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Đinh ninh là chỉ đến lấy số liệu về tuyển sinh, nên sau khi được trường cung cấp cho một báo cáo về chỉ tiêu và số lượng hồ sơ đăng ký dự thi, anh đem nộp y nguyên chúng cho tòa soạn. Anh nhận ngay được ánh mắt tròn xoe của trưởng ban: “Sao em không viết tin?”. Lúc đó anh mới ngớ người, thì ra phải hoàn thành tin chứ không phải nộp số liệu thô.
Ngay cả những phóng viên trẻ trong vài ba năm đầu khởi nghiệp cũng có những phen toát mồ hôi. Đi tác nghiệp bị người khác hỏi thăm “Em đang học trường nào?” là bình thường; những câu “Em là phóng viên hay… sinh viên?” hay “Phóng viên bây giờ… nhí quá!” nghe đến quen tai. Kim Hồng (Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) kể lại một lần tác nghiệp bị quê đến đỏ mặt. Thời điểm đó, cô chỉ mới ra trường và đang tập sự trong một tờ báo. Đến dự để đưa tin lễ trao bằng tốt nghiệp tại một trường ĐH, do khán phòng khá nhỏ nên hạn chế người nhà và SV chụp hình để đảm bảo trật tự trong thời điểm trao bằng. Chọn được góc hình đẹp, Hồng chạy lên định chụp, ai ngờ vừa giơ máy chưa kịp nhấn nút đã bị một “trật tự viên” (SV của trường) lên nhanh nhảu dắt xuống với lý do “SV không được chụp hình đâu em!” trong khi cô chưa kịp giải thích được lời nào. Chắc vì trông phóng viên này lúc ấy còn… SV quá!?!
Có vô vàn những bài học nhớ đời trong chặng đường vào nghề của những người làm báo trẻ. Nhưng cũng chính từ những kinh nghiệm đáng quý ấy, các cây bút mới vào nghề càng thêm cứng cáp, vững vàng. Không thể dùng đơn vị thời gian để đo được cách biệt giữa SV và phóng viên. Vì đâu đơn giản cứ hoàn thành xong 4 năm đại học là có thể trở thành phóng viên thực thụ. Chặng đường mà SV phải bước tiếp để trở thành người làm báo chuyên nghiệp có thể rất dài, rất xa, nhiều chông gai và cần nhiều sự nỗ lực từ phía họ. Nhưng cứ nỗ lực không ngừng thì khoảng cách dù xa mấy cũng sẽ được kéo gần…
Mê Tâm

Bình luận (0)