Ông Trần Hoàng Thám đang trò chuyện với HS Trường THPT Lê Quý Đôn |
Trong hai ngày 12 và 13-2, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM do ông Trần Hoàng Thám, ĐBQH TP.HCM làm trưởng đoàn đã có hai buổi khảo sát và nghiên cứu mô hình trường phổ thông có yếu tố nước ngoài và mô hình trường tự chủ tài chính.
Đối với mô hình trường có yếu tố nước ngoài, sau khi có quá nhiều thông tin phản ánh rằng đa số các trường mang mác “quốc tế” thực hiện không đúng với những gì đã quảng cáo; dạy không đúng chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT; tùy tiện cắt xén chương trình… Ngay từ đầu năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có kế hoạch kiểm tra toàn diện một số trường có yếu tố nước ngoài. Thực tế, qua kiểm tra 3 trường: Horizon, APU và Khai Sáng đã lộ ra rất nhiều sai phạm. Cả ba trường, trường nào cũng có sai phạm, thậm chí có những sai phạm trầm trọng (chúng tôi sẽ đề cập trong bài khác). Riêng với Trường Song ngữ Horizon, qua kiểm tra đoàn Thanh tra Sở GD-ĐT đã phát hiện một số sai phạm như: dạy cho HS tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (chủ trường là người Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng chưa có sự đồng ý của các cơ quan chức năng; dịch bộ SGK của Bộ GD-ĐT từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhưng không có sự thẩm định và chấp thuận của Bộ GD-ĐT … (?). Việc làm này đã được ĐBQH Nguyễn Thị Thu Cúc đề cập với lãnh đạo nhà trường vào chiều 12-2.
Hai mô hình tốt
Theo ghi nhận, trong buổi sáng 13-2, đoàn ĐBQH đến hai đơn vị giáo dục thực hiện hai dạng mô hình khác nhau. Tại hai nơi này, đoàn đánh giá cao và có những ghi nhận rất tốt về hai mô hình này. Tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình đoàn ĐBQH đã nghe Hiệu trưởng Lê Xuân Dũng báo cáo: “Từ năm 2007, trường thí điểm mô hình không thu học phí tăng tiết (một tuần tăng 12 tiết đối với các bộ môn văn, toán, lý, hóa, Anh). Trường chỉ thu học phí 110.000 đồng/HS/tháng như các trường công lập tự chủ tài chính (CLTCTC) và được hưởng 80% ngân sách nhà nước so với trường công lập thuần túy”. Thầy Lê Xuân Dũng nhấn mạnh: “Từ khi thực hiện cơ chế CLTCTC, thu nhập của giáo viên tăng từ 200.000 đến 500.000 đồng/tháng, cơ sở vật chất cũng được nâng cấp, trang thiết bị được bổ sung …”. Dịp này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TS. Huỳnh Công Minh tiết lộ: “Hiện đã có 9 trường THPT CLTCTC làm đơn đề nghị xin được thực hiện mô hình như Trường THPT Nguyễn Thái Bình. Ông Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn ĐBQH đánh giá khá cao mô hình này. Ông nói: “Đây là mô hình rất hay cần tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT TP.HCM cũng cần tổng kết những ưu, khuyết điểm trước khi nhân rộng”. Đại biểu HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP bày tỏ sự băn khoăn, ông nói: “Ban Văn hóa – Xã hội chưa thống nhất việc nhân rộng mô hình của THPT Nguyễn Thái Bình. Bởi lẽ, mô hình này không đúng quy định, thu học phí như bán công nhưng lại được hưởng ngân sách giống trường công, sẽ dẫn đến sự so bì giữa các trường”. Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, trước khi nghe báo cáo, đoàn ĐBQH đã đi thăm từng lớp học, phòng thí nghiệm thực hành và các phòng chức năng khác. Đặc biệt, ĐB Trần Hoàng Thám đề nghị được thăm bếp ăn bán trú. Ông bất ngờ trước sự ngăn nắp, vệ sinh và hiện đại. Ông cũng yêu cầu được xem từng khẩu phần ăn. Ông nói: “Quá tuyệt!”. Theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, thầy Phạm Văn Phiệt: “Sau 3 năm thí điểm mô hình học phí cao (850.000 – 890.000 đồng/tháng/HS), HS của trường có rất nhiều chuyển biến như: các em năng động, tự tin hơn. Các em chủ động trong học tập cũng như các hoạt động khác. Theo thống kê, học kỳ 1 năm học 2008 – 2009, hơn 80% HS xếp loại học lực khá giỏi, không có HS kém. Ngoài ra, điều thu nhặt được sau ba năm thực hiện thí điểm mô hình này là trình độ lẫn tay nghề của đội ngũ thầy cô giáo nâng cao rất rõ”.
T.T.Q
Bình luận (0)