Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quản lý sinh viên ngoại trú: Quá khó!

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đang tra cứu thông tin tại trường
Hầu hết các trường ĐH-CĐ chỉ quản lý được sinh viên (SV) khi truy cập internet trong trường, còn việc các em làm gì trên mạng tại các tiệm bên ngoài hoặc qua điện thoại thì các đơn vị lại tỏ ra lúng túng vì rất khó nắm bắt hết…
Buông lỏng việc quản lý… SV ngoại trú
Tại hội nghị giao ban “Công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học khu vực TP.HCM” được Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Công an tổ chức ngày 17-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã đề nghị các trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý HS-SV để việc sử dụng internet phục vụ tra cứu thông tin, học tập được thực hiện đúng mục đích; đồng thời thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với SV để nắm bắt tâm tư tình cảm của các em, kịp thời xử lý những khuất mắc có thể có. Thực tế hiện nay, việc quản lý đời sống học tập của SV tại nhiều trường còn đối mặt với không ít khó khăn. Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương hiện có 400 SV nội trú KTX và một lượng lớn SV tạm trú tại 12 KTX liên kết nhà dân với tổng cộng từ 20-40 phòng/ KTX. Đại diện nhà trường cho rằng, dù có hẳn đội ngũ quản lý nhưng việc quản lý sâu sát lực lượng SV ngoại trú vẫn được xem là khó. Vì sự quản lý chưa hiệu quả nên vẫn còn tình trạng sinh viên ngoại trú tổ chức nhậu nhẹt, quậy phá, sống thử… Chính đại diện đơn vị này thừa nhận, việc kiểm soát SV khi truy cập mạng internet tại trường được thực hiện bài bản, chặt chẽ… tuy nhiên khi các em truy cập mạng bên ngoài thì trường không thể nào nắm bắt hết được. Đây lại là địa bàn khá phức tạp vì ngoài SV trường còn có một lượng lớn SV các trường ĐH Bình Dương, CĐ, TCCN khác cư ngụ. Trưởng phòng Công tác HSSV Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Quang cũng nêu: “Đội ngũ thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự của trường hầu như không được đào tạo bài bản, lại kiêm nhiệm những chức vụ khác nên trong thực tế quản lý còn tỏ ra lúng túng, bị động”. Hiện, việc yêu cầu SV nộp phiếu nhận xét của địa phương nơi các em cư trú để làm cơ sở xác định và xét hạnh kiểm cho các SV ngoại trú là một trong những hướng mà rất nhiều trường thực hiện. Tuy nhiên, để tạo được hiệu quả lâu dài, còn cần đến những phương án thiết thực hơn.
Tăng cường “đề kháng” cho SV
Việc tạo “sức đề kháng” cho SV trước những tác động tiêu cực bên ngoài được các trường chú trọng. Theo Giám đốc KTX ĐH Quốc gia TP.HCM Trần Thanh An, chỉ có thể yêu cầu SV nội trú chấp hành việc truy cập internet đúng quy định chứ không thể cấm các em nghe nhìn, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin rất phát triển như hiện nay. KTX ĐH Quốc gia TP.HCM quy tụ rất đông SV (11.000 em) đến từ 22 trường ĐH. Vấn đề củng cố niềm tin cho SV, để các em yên tâm, toàn tâm toàn ý cho học tập cũng được ông An đặc biệt nhấn mạnh. ThS. Nguyễn Anh Đức (Trưởng phòng Công tác HSSV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) nêu dẫn chứng cho thấy tầm quan trọng của việc nắm diễn biến tư tưởng SV và giải quyết đúng, kịp thời nguyện vọng của các em để được sự đồng thuận. Theo ThS. Đức, năm 2003, trong điều kiện thiếu lực lượng giảng dạy, eo hẹp kinh phí đào tạo, trường đã thực hiện việc yêu cầu SV mua giáo trình của trường để phục vụ học tập. Quy định này gặp phải sự phản ứng quyết liệt của SV với muôn vàn lý do. Sau đó, chính SV đã gợi ý cho trường ý tưởng thành lập quỹ giáo trình sử dụng chung. Theo đó, mỗi học kỳ, SV sẽ chỉ đóng 30 ngàn đồng để có thể sử dụng nguyên bộ giáo trình phục vụ việc học. Trường thì có thể tận dụng khoản phí đó xoay vòng đầu tư cho trang bị giáo trình. Đến nay, chủ trương này vẫn rất được các khóa SV đón nhận. Vấn đề làm tốt công tác tư tưởng, trang bị kiến thức, kỹ năng để SV “miễn nhiễm” với các tác động không tốt bên ngoài đều được các đơn vị đào tạo cho là mấu chốt, quan trọng. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với 90% SV ngoại trú, học tập tại sáu cơ sở cho thấy tính chất phức tạp của công tác thực hiện quản lý. Đại diện nhà trường chia sẻ kinh nghiệm, bằng việc thực hiện nghiêm túc khâu tổ chức tuyên truyền nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước vào những tuần sinh hoạt đầu khóa (có thi và cấp giấy chứng nhận cho SV tham gia; SV không đạt phải tham gia thi lại, SV có giấy chứng nhận mới được xét tốt nghiệp…) mà tư tưởng của SV đã được thông suốt. Trong bằng tốt nghiệp trường cấp cho SV mới đây, bên cạnh xếp loại học lực, còn có thêm thông tin công bố điểm rèn luyện suốt quá trình tham gia học tập của các em.n
Bài, ảnh: M.T

Bình luận (0)