93 tỉ đồng là kinh phí của đề án đưa 146/176 hộ dân tộc Đan Lai từ vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát ra vùng tái định cư xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Các hộ sẽ được hỗ trợ vốn để chuyển đổi phương thức sản xuất từ săn bắn hái lượm sang trồng lúa nước, làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. 30 hộ còn lại sẽ chuyển đến bản Cò Phạt, xã Môn Sơn để tham gia bảo vệ rừng, kết hợp với du lịch sinh thái.
Đề án được thực hiện đến năm 2009, theo đó Chính Phủ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục đào tạo tại khu vực dân tộc Đan Lai sinh sống… Nhưng hiện nay phần lớn người Đan Lai vẫn đang sống ở Cựa Rào, Khe Búng và Cò Phạt xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Khi chúng tôi đến, 150 em học sinh Đan Lai ở trường tiểu học Môn Sơn đang phải học chay vì không đủ sách giáo khoa.
Thôn Cựa Rào là nơi sinh sống của 24 hộ, 122 khẩu người Đan Lai, thuộc xã Môn Sơn huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Mỗi khẩu ở thôn Cựa Rào được chia 1,2 sào để trồng lúa nước. Nhưng ở Cựa Rào “khát” từ tháng 2 cho đến tháng 8, đúng vào thời gian làm hai vụ lúa. Vào thời gian này người dân Cựa Rào phải ra khe mòi, cách nhà gần 1 km để tắm giặt và lấy nước nấu ăn.
Chúng tôi đi qua những thửa đất bằng lơ thơ cỏ, chỗ đất bằng thế này mà có nước là đang vào vụ gặt rồi đây. Bên cạnh đường đi là 5,6 cái bể đựng nước bằng xi măng, mỗi cái phải chứa được đến 5,6 m3 khối nước, nằm chình ình, chả có giọt nước nào.
Chúng tôi vào nhà trưởng thôn, trưởng thôn đang xoay trần đánh vật với cái nóng. Thấy khách cuống quít sỏ áo quần. Hỏi: trưởng thôn đi đâu vậy? Trưởng thôn đáp: Không biết nói đâu tìm vợ về cho nó nói. Rồi đi. Thành ra không kịp hỏi tên trưởng thôn là gì. Một lát sau vợ trưởng thôn về, chân đất, sắn quần móng lợn. Chị là La Thị Nguyệt, cán bộ hội phụ nữ xã, phụ trách thôn Cựa Rào. Chị kể: Ăn cái tết độc lập năm 2002 xong thì chúng mình ra đây, có nhà xây, mỗi khẩu được phát 1,2 sào đất, 1 con trâu, hai con lợn, không phải trả tiền điện một năm. Bây giờ thì nhà mình có hai con bò, một con trâu. Phải đi vay vốn của ngân hàng để nuôi trâu, bò. Vay được 5 triệu, 5 năm sau phải trả, mà không biết có trả được không.
– Vậy còn lợn đâu?
– Không có lợn. Không có nước tắm cho lợn, không nuôi được.
– Thế chị có nuôi được nhiều gà không?
– Có nuôi được gà. Nếu không ăn thì nhiều lắm.
– Sao mà phải ăn gà?
– Không có gì ăn thì phải ăn gà. Ba ngày ăn một con gà. Đất ở đây khô lắm, làm nhiều mà thu được ít thôi. Đói lắm, không no đâu.
– Người Đan Lai đã có ai được đi học đại học chưa?
– Chưa có ai đâu. Mới có hai người được đi học trung học y tế, có một cô giáo và một người đang học ở trường nội trú của tỉnh thôi.
Truyền thuyết của người Đan Lai kể lại rằng: Người Đan Lai xưa kia ở dưới Thanh Chương, năm ấy quan đến bảo, vua bắt phải nộp 100 cây nứa vàng. Người Đan Lai sợ quá, biết tìm đâu ra 100 cây nứa vàng bây giờ. Thế là dắt díu nhau chạy tút vào trong rừng sâu. Trong rừng sâu lạnh lẽo, không có cái gì ăn thế là trở lại phương thức của người cổ xưa là săn bắn và hái lượm. Nhà ở đơn sơ, nhiều thế hệ sống chung trong nhà. Mùa đông không có cái đắp cả đại gia đình ngồi quây quanh cái bếp lửa cho ấm. Thế là sinh ra thói quen ngủ ngồi. Ngủ say rồi thì đổ kềnh. Mới nghĩ ra cái chạc cây chống vào trán để giữ cho người khỏi đổ. Rét uống rượu vào thấy ấm, lại thấy không đói nữa. Vậy là cứ rượu mà uống, uống rồi say la đà, lúc nào cũng say. Lâu dần thành tộc người say. Người Đan Lai không đi đâu xa, bởi ở sâu trong rừng lại cách sông sâu, ghềnh lớn. Người Đan lai chỉ lấy người Đan Lai. Hôn phối cận huyết đã làm cho người Đan Lai ngày càng suy thoái. Tuổi thọ của người Đan Lai ngày càng thấp.
Ngoài 24 hộ người Đan Lai sống ở Cựa Rào thì phần lớn người Đan Lai ở Môn Sơn hiện đang sống ở hai bản Khe Búng, 85 hộ, 429 khẩu và Cò Phạt, 58 hộ, 209 khẩu. Muốn vào hai bản Khe Búng và Cò Phạt thì chỉ có thể đi bằng xuồng máy, ngược dòng sông Giăng. Cả mùa lũ và mùa cạn đều không đi được.
Chúng tôi vào trường tiểu học Môn Sơn gặp được cô giáo La Thị Hằng là người Đan Lai duy nhất hiện nay là cô giáo. Cô kể rằng người Đan Lai nghèo đói vì dân trí thấp lắm. Người Đan Lai lại sống ở vùng đệm của rừng quốc gia Pù Mát nên không được chặt rừng làm rẫy, chỉ sống bằng săn bắt hái lượm. Người dân khổ lắm, các em học sinh cũng khổ lắm. Đưa người dân ra nơi ở mới là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước. Nhưng ra nơi ở mới rồi người Đan Lai vẫn khổ quá.
Phó hiệu trưởng Vi Thị Bảo cho chúng tôi biết: Trường TH Môn Sơn hiện có 150 em học sinh người Đan Lai, ở phân trường chính có 35 em, ở bản Khe Búng có 49 em và bản Cò Phạt có 66 em. Điểm trường trong Cò Phạt và Khe Búng có 13 lớp với 13 giáo viên cắm bản ở trong đó. Các em học sinh người Đan Lai nghèo lắm, đi học không có áo quần lành lặn, giầy dép, không có sách giáo khoa..
– Tại sao lại không có sách giáo khoa? Các em được phát SGK và vở viết mà? Tôi hỏi cắt ngang.
– Chỉ có vở viết được Nhà nước cấp cho các em hàng năm. Còn tủ sách dùng chung thì được cấp từ năm học 1999- 2000 nay đã rách nát hết cả rồi.
– Vậy các em học sinh Đan Lai không có sách giáo khoa để học ư?
– Vâng. 150 cháu học sinh Đan Lai đang rất thiếu sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó khối 1,2,3 thì thiếu nhiều. Vở bài tập toán và tiếng Việt thì hoàn toàn không có. Hàng năm nhà trường đều phát động trong cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh quyên góp ủng hộ SGK cho học sinh Đan Lai nhưng ở đây cuộc sống khó khăn nên không được mấy.
– Điểm trường Khe Búng và Cò Phạt có xây dựng nhà công vụ cho giáo viên không?
– Từ ngày có dự án di dân ra ngoài này nên không đầu tư xây dựng ở trong đó nữa. Trước có thế nào thì vẫn dùng thế thôi. Chúng tôi thay nhau vào trong đó để dạy học cho các em, nam thì 3 năm, nữ thì 2 năm. Vào đó đi xuồng vừa đi vừa về hết 150.000 đồng, mùa lũ,mùa cạn thì phải nằm lại đấy thôi, không đi được. ở điểm trường chính các thầy cô tự nguyện trích lương mỗi người 20.000 đồng để giúp các thầy cô ở trong đó.
Rời bản người Đan Lai trong đầu tôi cứ âm vang những con số, 93 tỉ đồng và 150 em học sinh không có SGK để học; 150 bộ sách giáo khoa và 93 tỉ… Tại sao những người làm dự án lại không bắt đầu từ việc mua 150 bộ sách giáo khoa cho các em học sinh mà lại đi xây những cái bể đựng nước to đùng kia rồi để không đấy nhỉ? Phải bắt đầu từ sự nhận thức của người dân trước đã và chỉ có tri thức mới nâng cao được nhận thức của người dân thì công cuộc xoá đói giảm nghèo mới có hiệu quả chứ. Tại sao nhỉ? 93 tỉ và 150 bộ sách giáo khoa!
Y Ban (Theo gdtd.com.vn)
Bình luận (0)