Người dân Tiền Giang, Bến Tre và cả ĐBSCL hôm nay hào hứng đón nhận tin vui: cầu Rạch Miễu được hợp long, nối liền 2 bờ sông Tiền. Đặc biệt, đây còn là công trình từ thiết kế cho đến thi công đều do người VN làm hết. Nguồn vốn của dự án cũng là vốn trong nước.
Từ ngã ba Trung Lương vào quốc lộ 60, thuộc TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cầu Rạch Miễu sừng sững trước mặt, với 2 trụ tháp cao vút, hoành tráng. Thấm thoát đã hơn 6 năm kể từ ngày khởi công (30.4.2002), với bao khó khăn, vất vả, giờ đây công trình này đang trên chặng đường cuối cùng để về đích.
7 giờ 30 sáng nay (20.8) là thời khắc quan trọng của những người thợ xây dựng cầu Rạch Miễu khi thực hiện đổ mẻ bê tông chính thức hợp long 2 nhịp chính của cầu, cũng là nối 2 bờ sông Tiền bao đời nay ngăn cách xứ dừa Bến Tre với cả ĐBSCL.
Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đang có mặt ở công trường đã biểu dương nỗ lực, cố gắng của các đơn vị tham gia trên công trường như ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu đã khắc phục khó khăn, tập trung thi công, làm chủ được công nghệ. Đóng góp công sức lớn cũng cần kể đến nỗ lực của chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các đơn vị tham gia xây dựng cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, trên trục quốc lộ 60 nối Tiền Giang với Bến Tre. Tổng chiều dài toàn tuyến là 8.331m, trong đó chiều dài cầu là 2.878m, rộng 12m (riêng phần cầu dây văng rộng 16m), có 2 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ và người đi bộ. Khổ thông thuyền cầu là 37,5m x 220m. Dự án được đầu tư theo phương thức: xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, trong đó 58% là vốn ngân sách nhà nước và 42% là vốn BOT. Chủ đầu tư phần vốn BOT là Liên doanh các tổng công ty Cienco1, Cienco 5 và Cienco 6 (Bộ GTVT). |
Với cảm xúc lâng lâng xen lẫn tự hào là người trực tiếp thi công phần cầu chính, anh Lê Lệnh Bắc, Giám đốc điều hành dự án, thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), nói: “Cầu Rạch Miễu với tôi giống như một đứa con tinh thần, giờ sắp hoàn thành, là một niềm vui khó tả. Tôi tự hào khi tham gia công trình lớn như thế này”. Anh Bắc cho biết, công nghệ cầu dây văng rất khó, nhất là thi công trụ tháp ở độ cao 106 mét và việc định vị hệ thống ống dẫn hướng dây văng… Nhưng tất cả đều làm thành công, cho thấy tay nghề của những người thợ xây cầu VN không thua kém ai.
Chiều qua, ông Chu Ngọc Sủng, Chủ nhiệm dự án thiết kế công trình, phấn khởi nói: “Tôi cũng như những người làm kỹ thuật thiết kế và thi công của ngành GTVT, có thể nói rằng, đây là dịp để chứng tỏ người VN đã tiếp cận công nghệ tiên tiến và có thể tự chủ kỹ thuật xây dựng cầu của thế giới. Một khi lãnh đạo có quyết tâm và tập hợp được đội ngũ kỹ thuật thì sẽ thực hiện được những công trình lớn như cầu Rạch Miễu. Bắt đầu từ việc thiết kế và thi công thử nghiệm ở chiếc cầu Đa Krông (Quảng Trị) năm 2000, đến cầu Rạch Miễu với khẩu độ nhịp lớn hơn đã được nghiên cứu cách đây 10 năm, lực lượng cán bộ, kỹ sư thiết kế và thi công cầu đã ngày một trưởng thành hơn qua 2 công trình xây dựng này. Riêng cầu dây văng Rạch Miễu, từ thiết kế cho đến thi công đều do người VN làm. Nguồn vốn của dự án cũng là vốn trong nước. Có thể khẳng định rằng, cầu Rạch Miễu là công trình thành công cả về mặt kinh tế, quản lý dự án và về mặt kỹ thuật”. Những người con của quê hương Đồng Khởi cũng đón nhận tin vui này với tâm trạng khó tả. Anh Lê Văn Hùng, ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) nói: “Mỗi khi về thăm quê hương, thấy các trụ tháp của cầu vươn cao lên giữa sông, niềm xúc động lại trào dâng. Tôi mừng cho quê hương sắp thoát khỏi cảnh ốc đảo, qua sông phải lụy phà. Tôi nghĩ chiếc cầu sẽ mở ra cho mảnh đất Bến Tre một hướng phát triển kinh tế, giúp người dân quê tôi thoát nghèo”.
“Nhưng xen lẫn trong niềm vui của sự kiện hợp long cầu Rạch Miễu là một nỗi trăn trở, khi còn nhiều anh em công nhân xây dựng cầu có tay nghề cao, mà đời sống thì lại quá khó khăn”, ông Chu Ngọc Sủng chạnh lòng.
Mai Vọng (Theo TNO)
Bình luận (0)