Năm học 2008-2009 được coi là năm học sẽ đánh dấu sự chuyển mình của ngành giáo dục. Đối với giáo dục (GD) phổ thông nói chung và GD cấp trung học nói riêng, năm học sắp tới được dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt với nhiều nhiệm vụ mới, nhiều thay đổi trong cách dạy, cách học và kiểm tra, đánh giá.
Địa phương chủ động
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2008-2009 thì kế hoạch GD của cấp GD trung học sẽ được điều chỉnh từ 35 tuần lên 37 tuần thực học. Trong đó, học kỳ I bố trí 19 tuần và học kỳ II có 18 tuần trên cơ sở giữ nguyên tổng số tiết học dành cho các môn học, điều chỉnh thời lượng và tích hợp một số hoạt động GD, giảm số tiết học hàng tuần.
Ông Lê Quán Tần – Vụ trưởng Vụ GD Trung học cho biết: Để cụ thể hóa kế hoạch GD điều chỉnh, trên cơ sở khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT ban hành phân phối chương trình cấp THCS, THPT và hướng dẫn thực hiện đến cơ sở cho từng môn. Văn bản phân phối chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành chỉ quy định phần chương trình phải hoàn thành đến thời điểm kết thúc học kỳ I, kết thúc năm học và quy định thời lượng tối thiểu dành cho thực hành, ôn tập, luyện tập, kiểm tra. Các sở GD-ĐT phân phối thực hiện chương trình bảo đảm tiến độ cơ bản thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố, có thể chủ động điều chỉnh thời lượng các chương, bài (phần, chủ đề…) cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Đối với các trường ngoài công lập, trường học 2 buổi/ngày và trường tự chủ tài chính có kinh phí trả giờ dạy vượt tiêu chuẩn, có thể tăng thời lượng cho các môn học cũng như các chương bài cho phù hợp với khả năng tiếp thu bài của học sinh (HS).
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Vụ GD Trung học, các trường THPT cũng cần rút kinh nghiệm trong hai năm học vừa qua để tổ chức tốt hơn việc phân ban, phù hợp với năng lực của HS.
Việc dạy học tự chọn ở cấp THPT dự kiến sẽ được quy định theo từng ban như sau: Đối với ban Khoa học tự nhiên và ban Khoa học XH-NV: Toàn bộ thời lượng dạy học tự chọn trong khoa học GD được sử dụng để dạy học tự chọn bám sát nhằm ôn tập, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kỹ năng cho HS mà không bổ sung kiến thức nâng cao mới.
Đối với ban Cơ bản, Bộ GD-ĐT đưa ra hai cách tổ chức dạy học tự chọn. Cách thứ nhất là giáo viên (GV) có thể dạy từ 1 đến 3 môn nâng cao trong số 8 môn nâng cao (toán, vật lí, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ). Các môn này có thể dạy theo CT- SGK nâng cao hoặc CT-SGK chuẩn và chủ đề tự chọn nâng cao. Thời lượng dạy học tự chọn còn lại dành để dạy chủ đề bám sát.
Cách thứ hai mà Bộ GD-ĐT đưa ra là dạy tất cả các môn theo CT-SGK chuẩn và thời lượng dạy học tự chọn dùng để ôn tập, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kỹ năng các môn học.
Ngoài ra, đối với các môn mỹ thuật, âm nhạc (ở cấp THCS), những trường không đủ GV được đào tạo đủ trình độ, đúng chuyên môn, không đủ thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT cần hợp đồng GV (kể cả GV môn học đó đã về hưu), sử dụng GV thỉnh giảng trong số các họa sĩ, nhạc sĩ ở địa phương, thuê thiết bị để đảm bảo kế hoạch GD. Nếu vẫn chưa khắc phục được khó khăn về GV và thiết bị thì địa phương đó cần có biện pháp tổ chức dạy học thích hợp để bảo đảm yêu cầu GD toàn diện.
Giảm thuộc lòng, ghi nhớ máy móc
Một trong những yêu cầu quan trọng mà Bộ GD-ĐT chỉ đạo đối với việc đổi mới kiểm tra đánh giá là GV phải đánh giá sát đúng trình độ HS với thái độ khách quan, công minh và hướng dẫn HS biết tự đánh giá năng lực của mình. Trong quá trình dạy học, GV cần kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS. Tuy nhiên, ông Lê Quán Tần lưu ý: Không tuyệt đối hóa hình thức trắc nghiệm bởi vì bên cạnh ưu điểm thì hình thức này có hai nhược điểm lớn là HS có thể được điểm do đoán mò và không đánh giá được thao tác tư duy của HS.
Năm học tới, việc kiểm tra, đánh giá cũng được đổi mới ở các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục theo hướng có thể chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang nhận xét kết quả học tập. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Có ý kiến tỏ ra lo ngại rằng nếu không cho điểm thì HS sẽ không chịu học. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thì đây là một cách suy luận không chính xác, bởi không thể lấy kết quả đánh giá để bắt ép HS. Nếu việc học đó không xuất phát từ nhu cầu của HS thì việc lấy kết quả đánh giá để HS buộc phải học sẽ đi ngược với nguyên lý GD.
Ông Lê Quán Tần cho biết thêm: Đối với một số môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý, GD công dân sẽ đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng giảm thiểu học thuộc lòng, tránh ghi nhớ máy móc. Chính vì vậy, trong quá trình dạy học, GV cần từng bước đổi mới kiểm tra đánh giá bằng cách nêu vấn đề mở, đòi hỏi HS phải vận dụng kiến thức, kỹ năng và biểu đạt chính kiến bản thân.
Từ năm học 2008-2009, với cấp trung học cần tập trung chỉ đạo đánh giá sâu hiệu quả dạy học của môn GD công dân theo hướng đổi mới, làm cho nó trở nên hấp dẫn và có hiệu quả hơn.
GV không nhất thiết phải dạy hết nội dung của SGK
Năm học 2008-2009, có 5 yêu cầu mà Bộ đặt ra đối với việc đổi mới phương pháp dạy học của GV.
Đầu tiên phải kể đến là yêu cầu phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của HS và vai trò chủ đạo của GV. Theo ông Tần, nhược điểm lớn nhất của GV nước ta hiện nay là phụ thuộc hoàn toàn đến mức “nô lệ” vào SGK. SGK được coi như “thánh chỉ”. Chính vì vậy, giờ học trở nên nặng nề, khô cứng, không phát huy được hứng thú học tập của HS. Do đó, năm học này, Bộ đưa ra điều cần lưu ý là việc dạy học trên lớp không bắt buộc GV phải dạy hết SGK. Ông Tần nêu ví dụ: Có thể trong SGK có 5 mục nhưng GV có thể chỉ chọn ra 3 mục để dạy trên lớp, 2 mục còn lại yêu cầu HS tự đọc và có hình thức để kiểm tra lại phần tự đọc đó của HS.
Yêu cầu thứ hai là việc thiết kế bài giảng của GV phải khoa học, sắp xếp hợp lý hoạt động của GV và HS, thiết kế hệ thống câu hỏi hợp lý, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải (nhất là với những bài dài, bài khó, nhiều kiến thức mới).
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, khuyến khích sử dụng hợp lý giáo án điện tử, sử dụng các phương tiện nghe nhìn, thực hiện đầy đủ thí nghiệm, thực hành, liên hệ thực tế trong dạy học phù hợp với nội dung bài học cũng là yêu cầu thứ ba về đổi mới phương pháp dạy học của GV. Tuy nhiên, ông Lê Quán Tần cho rằng: giáo án, dù là giáo án viết tay hay giáo án điện tử cũng chỉ là “cây gậy dẫn đường” cho người GV, không phải là phương tiện quyết định đến phương pháp giảng dạy. Không nên quá lệ thuộc vào các giáo án điện tử để trình chiếu, nếu không giáo viên sẽ trở thành các nhân viên chiếu phim – ông Tần khẳng định.
Yêu cầu thứ tư là GV phải sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng, sinh động và dễ hiểu. Tác phong của người GV phải thân thiện, coi trọng việc khuyến khích, động viên HS học tập, tổ chức hợp lí cho HS làm việc cá nhân và theo nhóm.
Yêu cầu thứ năm đặt ra là GV phải dạy học sát đối tượng, coi trọng bồi dưỡng HS khá giỏi và giúp đỡ HS yếu kém. Ông Tần cho rằng, thời gian tới cần coi trọng đúng mức hơn nữa việc giúp đỡ HS yếu kém. Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu những giải pháp và có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Đối với các môn học đòi hỏi năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc (THCS), thể dục (THCS, THPT) cần coi trọng truyền thụ kiến thức, hình thành kỹ năng, bồi dưỡng hứng thú, không thiên về đánh giá thành tích theo yêu cầu đào tạo chuyên ngành họa sĩ, nhạc sĩ hay vận động viên…
Về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học của GV nói chung, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm học tới, khi chuẩn nghề nghiệp GV THCS, THPT và chuẩn hiệu trưởng từ mầm non đến THPT chính thức được ban hành thì sẽ là thước đo để rà soát lại đội ngũ GV, những mặt nào còn hạn chế thì phải phấn đấu tiếp để đạt được chuẩn đó. Đồng thời, cũng thông qua chuẩn để xem xét và rút kinh nghiệm về việc bồi dưỡng GV theo chu kỳ, nếu chưa tốt thì phải điều chỉnh lại nội dung và hình thức bồi dưỡng.
Nghiêm Huê
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Thời gian vừa qua, nhiều địa phương chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc bồi dưỡng cán bộ cốt cán. Có địa phương khi biết việc tập huấn được tổ chức ở nước ngoài nên đã cử những cán bộ thuộc diện chế độ, chính sách đi mà không quan tâm đến việc cán bộ đó đi về có thể bồi dưỡng lại cho GV ở địa phương mình hay không. |
Bình luận (0)