TS Bùi Trân Phượng (trái) trao bằng tốt nghiệp cho SV Trường ĐH Hoa Sen |
Liên quan đến vấn đề chống tham nhũng trong giáo dục, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen về vấn đề này ở bậc ĐH, nơi “chưa” được đề cập tới trong hai cuộc đối thoại và hội thảo được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
PV: Thưa bà, trong kết quả khảo sát của Thanh tra giáo dục về tham nhũng trong giáo dục chỉ đề cập đến vấn đề tham nhũng ở giáo dục phổ thông, phải chăng trong lĩnh vực giáo dục ĐH không có “tham nhũng”?
– Giáo dục đã không miễn nhiễm được trong tình trạng tham nhũng tràn lan; thì đâu có lý do gì ĐH không có. Có chăng, chỉ là việc tuyển sinh đầu cấp ở phổ thông (và cả mẫu giáo!) bị “ô nhiễm” nghiêm trọng và phổ biến vì liên quan đến mọi người, mọi nhà và vì điều kiện tuyển sinh thiếu minh bạch; tuyển sinh CĐ, ĐH do “ba chung” nên có phần công khai, minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, tham nhũng đâu chỉ xảy ra ở khâu tuyển sinh.
Nếu có, theo bà, trong lĩnh vực giáo dục ĐH, tham nhũng được biểu hiện ở những khía cạnh nào?
– Về lý mà xét, trường ĐH trước hết là một tổ chức, có các chức năng quản lý như bất cứ tổ chức nào khác, từ quản lý chung đến quản lý từng mặt chuyên biệt; chẳng hạn tuyển dụng (cấp quản lý, giảng viên, nhân viên), nhân sự (phân công, khen thưởng, kỷ luật…), tài chính kế toán, hành chính quản trị (bao gồm mua sắm tài sản, thiết bị; trong nhiều trường hợp là bao gồm cả xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, thuê mướn cơ sở vật chất). Để bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả toàn diện (bao gồm hiệu quả tài chính) trong các chức năng này, nếu thiếu sự chuyên nghiệp và những chính sách rõ ràng, cơ chế giám sát chặt chẽ thì sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý, kiểm tra sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng. Không nên vì là trường học mà coi nhẹ tính chuyên nghiệp (năng lực, kinh nghiệm và những tố chất cần thiết khác) trong việc quản lý tổ chức, quản lý bộ phận. Nếu chỉ chọn giảng viên giỏi hay có kinh nghiệm (giảng dạy, nghiên cứu, hoặc quản lý thiên về học thuật, như là trưởng bộ môn) để đề bạt làm quản lý mà không đào tạo nghiệp vụ quản lý thì rất dễ bất cập. Đối với cấp quản lý Nhà nước, có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, “ban phát” tài nguyên như cơ sở vật chất, kinh phí và nhiều “ân sủng” khác thì, như ở khắp mọi nơi, ở đâu có “xin-cho” ở đó tham nhũng dễ phát sinh và phát triển.
Bà có nói đến cảm giác bất an, trì trệ vẫn nặng nề. Bà có thể lý giải vì sao lại có cảm giác này?
– Tôi nghĩ vì cơ chế quản lý chậm được đổi mới. Nhiều người nói ngành giáo dục là ngành còn tập trung hóa cao nhất, nhân danh là bảo vệ quyền lợi người học. Nhưng khi công luận đều thấy tất cả những nặng nề, bất tiện, ách tắc do tập trung, đồng thời lại thấy chất lượng giáo dục nói chung vẫn nhiều bất cập, quyền lợi người học cũng không được bảo vệ, thì ai mà không nóng ruột? Đã quản lý tập trung thì cấp quản lý cao nhất phải bảo đảm được là tất cả cơ sở giáo dục phổ thông, chí ít là giáo dục công lập phải có mặt bằng chất lượng như nhau và đủ để toàn xã hội yên tâm. Sau đó mới có một số ít “trường chuyên, lớp chọn” để bồi dưỡng nhân tài. Nhiều nước từ chối cách làm này, nhân danh giá trị dân chủ; họ chỉ cho người có năng khiếu đặc biệt học sớm, nhanh, nhảy lớp. Ngoài ra còn có lý do sư phạm xác đáng là nhân tài thật thì không thể nhiều như 100% hay gần 100% học sinh giỏi của nhiều trường tiểu học hiện nay, không chút ngẫu nhiên khi đó không bao giờ là trường nghèo ở vùng sâu! Cho nên “Trần Minh khố chuối” đậu Trạng nguyên chỉ là cổ tích, trong khi đáng lẽ giáo dục phải ngày càng phổ cập, ngày càng dân chủ, công bằng. Nhân tài cũng cần học cách làm việc và sống với người khác. Mà đã nói là bồi dưỡng nhân tài thì tiêu chuẩn tuyển chọn cả người quản lý, thầy và trò đều phải là sự xuất sắc và khả năng phát triển sự xuất sắc, chứ không dính đến tiêu chí tiền bạc.
Năm vừa qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện 3 công khai và công bố trên website của trường. Theo bà, những công bố này có thực sự đáng tin cậy để thí sinh có thể lựa chọn trường vào học?
Trong giáo dục, lại có những khả năng tham nhũng riêng của ngành, như tuyển sinh, tốt nghiệp, thi, kiểm tra và nhiều khâu khác mà nếu cơ chế không minh bạch, công khai và không áp dụng nghiêm minh thì “mua bằng, bán điểm” sẽ phát triển vì “có cầu, ắt có cung” và ngược lại; vi phạm không bị trừng trị, người trung thực bị thiệt thòi thì lạ gì tiêu cực không phát triển? |
– Có công bố thì tốt hơn là không công bố. Nhờ công bố mọi người mới thấy độ chênh khó lý giải giữa những tiêu chí bảo đảm điều kiện đào tạo (hiện đang được xác định thống nhất không phân biệt tính cách đặc thù nào của mỗi trường, chỉ tỉ lệ GV/SV là có phân biệt lĩnh vực đào tạo thôi, nên rất dễ so sánh) với chỉ tiêu được giao (hiện cũng chỉ có một thẩm quyền duy nhất tập trung). Nhưng còn “để thực sự đáng tin cậy” thì… Vì hiện nay, nói dối không ai kiểm tra, không bị tội gì, nói thật thì đứa con nít đi học cũng biết là sẽ thiệt thòi, chỉ e số trường chọn nói thật không phải là đa số. Đó là chưa nói cộng đồng ĐH cũng không hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục” rằng các tiêu chí do cấp trên đề ra thực sự là tiêu chí phù hợp, xác đáng với đầy đủ cơ sở khoa học để “bảo đảm chất lượng”. Chưa nói, “chất lượng” ở ĐH, ngoài một mặt bằng tối thiểu, còn phải được “cân đong đo đếm” bằng những tiêu chí đa dạng do ngành nghề, lĩnh vực, bậc đào tạo, định vị của trường và cả mục đích, kỳ vọng của người học. Giải pháp đáng tin cậy hơn, sẽ là tạo điều kiện cho cộng đồng xã hội tham gia nhiều hơn vào quá trình giám sát, kiểm định, đánh giá, xác nhận hiệu quả đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng đó là chuyện dài; chuyên gia trong, ngoài nước lên tiếng đã nhiều, chưa thấy chuyển động bao nhiêu, bởi vì, một lần nữa, ở đây, quyền lực còn rất tập trung.
Bà cũng có nói rằng, nhiều trường học ở Việt Nam, nhất là trường công còn quá nhiều chi phí thiếu công khai, minh bạch mà phụ huynh phải chi cho giáo dục con em. Vậy theo bà, sự thiếu minh bạch này thể hiện ở những khía cạnh nào? Tại sao sự thiếu minh bạch ấy lại thể hiện nhiều ở trường công?
– Các khía cạnh thì người ta đề cập đã nhiều lắm: “chạy” trường, “chạy” lớp, “chạy” điểm, thu ngoài sổ sách kế toán, thu kèm “đơn tự nguyện nộp”… Chưa nói sự phân biệt đối xử mà trẻ em đi học nào cũng ít nhiều từng trải nghiệm; “phân biệt” do khiếm khuyết về nghiệp vụ sư phạm đã là điều đáng ra không được phép có trong trường học tử tế; phân biệt dựa trên tiêu chí “đóng góp vật chất” còn tệ hại hơn. Nó làm tổn thương chẳng những là học sinh và gia đình các em, mà còn đau xót gấp bội với những thầy cô giáo (tôi tin là còn rất đông) đang thấy mình bị “vàng thau lẫn lộn” trong bức tranh phải trái chẳng phân minh, mà nghĩa tình càng không trọn vẹn.
Tại sao ở trường công? Theo tôi vì cơ chế. Cơ chế tài chính trường công ở Việt Nam không minh bạch (vì quá nhiều khoản thu ngoài học phí, khoản chi ngoài ngân sách Nhà nước giao), các khoản thu từ phụ huynh chênh lệch xa giữa trường này và trường khác, giữa các thành phần học sinh trong trường (không chỉ “đúng tuyến”, “trái tuyến” mà còn “tự nguyện”…, chưa kể thu trực tiếp của giáo viên thông qua dạy thêm chính học sinh lớp mình), thì bất cứ ai, kể cả tôi hay bạn giá có ở vị trí đồng nghiệp mình cũng chẳng biết có làm gì hơn họ được không. Nói vậy không có nghĩa là mỗi người không tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhất là trong nghề nhà giáo. Mặt khác, vì sự không minh bạch mà nhiều khoản thu chi hoàn toàn chính đáng cũng bị “vạ lây”. Tôi biết nhiều đồng nghiệp của tôi đau xót về điều đó, mà bất lực.
Sống và học tập trong môi trường bị tham nhũng như thế, học sinh, sinh viên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
– Tôi nghĩ ảnh hưởng đáng phải lo lắng sâu sắc hơn là ở học sinh phổ thông (và cả nhà trẻ, mẫu giáo nữa; vì trẻ càng nhỏ thì càng ít khả năng tự vệ) vì tác hại lớn lao cho sự hình thành các giá trị đạo đức, sự hình thành nhân cách của các em. Trong các giá trị đạo đức cơ bản mà bất cứ gia đình nào, thành phần xã hội nào, cộng đồng dân tộc nào, nền văn hóa Đông Tây kim cổ nào đều phải coi trọng, chắc chắn có sự trung thực, lương thiện, lẽ phải và công lý. Tham nhũng hủy hoại lòng tin ở các giá trị đó. Nếu điều này xảy ra từ tuổi thơ non dại của trẻ em, ngay trong môi trường giáo dục mà sứ mạng của nó chính là giáo dục công dân tương lai, là giảm thiểu bất bình đẳng xã hội bằng cách tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi học sinh, chẳng phải là nghiêm trọng và cấp bách phải quan tâm sao?
Còn sinh viên thì họ là người đã trưởng thành. Quá 18 tuổi, họ đã là công dân. Chọn cách sống như thế nào, chọn tiến thân bằng giá trị thật của kiến thức, tài năng, phẩm hạnh hay bằng gian trá, lọc lừa, nịnh hót, mua chỗ ngồi trong giảng đường, mua bằng, mua điểm (kể cả bằng tiền hay không phải bằng tiền), theo tôi, họ đủ tư cách chịu trách nhiệm hoàn toàn về chọn lựa của mình.
Xin cảm ơn bà!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Trong thực tế, chúng ta đang tập trung ở chỗ không cần, thậm chí không nên tập trung; mà tập trung có khi cũng chỉ là hình thức; còn chỗ cần kỷ cương thống nhất thì lại buông lỏng và không ai chịu trách nhiệm, không có chuẩn mực tối thiểu nào. Chẳng hạn, thi “ba chung” chưa hẳn là giải pháp hay cho tuyển sinh ĐH; nhưng đã là thi “ba chung”, đã có điểm sàn, mà vẫn có thể “vận dụng” để tuyển thấp hơn điểm sàn rất xa thì làm sao mà xã hội yên tâm cho được về chất lượng và cả về sự minh bạch, liêm chính? |
Bình luận (0)