Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH,CĐ: “3 chung” đã lỗi thời

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 10 năm tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung điểm), một số ý kiến cho rằng với giáo dục hiện đại “3 chung” là… không ổn. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến nên duy trì hình thức thi này.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, "3 chung" không còn phù hợp với mục tiêu đổi mới quản lý, phát triển giáo dục hiện đại.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các ĐH – CĐ ngoài công lập Việt Nam, nhận định, việc áp dụng 4 khối thi chung cho hàng trăm ngành không còn phù hợp nữa. Đây cũng là một lí do khiến kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, không ít trường cạn nguồn tuyển và phải đóng cửa nhiều ngành học.
Kỳ thi nặng nề
Nhận định về thi “3 chung”, không ít giáo viên cho rằng đây là một cuộc “tổng động viên” với sức ép rất nặng nề cho Bộ GD – ĐT, các ngành khác và cho xã hội. Điều này được minh chứng là cứ mỗi kỳ thi, không khí thi cử cứ “nóng rực” bên cạnh sự uể oải, mệt mỏi của số đông thầy cô giáo, giám thị, lực lượng cảnh sát, phụ huynh, thí sinh. Không ít người than vãn vì thi cử khiến cuộc sống đảo lộn, giao thông ách tắc, tai nạn gia tăng, áp lực về kinh tế tiền bạc không đáng ngại bằng việc tốn kém thời gian và căng thẳng vì áp lực nhà trọ, địa điểm thi, đi lại.  Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập, khẳng định, việc thi theo phương án “3 chung” khiến các trường tổ chức thi tổn hao khá lớn về tài chính, cơ sở vật chất, đi lại, nhân sự cho kì thi.
Thi ĐH,CĐ theo “3 chung” phải huy động nhiều nguồn lực xã hội nhập cuộc. Ảnh: Như Ý

Đồng tình với những khó khăn này, Trưởng phòng đào tạo một học viện, cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán, lãnh đạo trường phải đi đến các trường ĐH, THPT, THCS, Tiểu học để hợp đồng thuê phòng thi. Việc ước lượng không bào giờ chuẩn xác nên dễ thiếu thừa. Ế phòng thi, cộng với giá cả tăng cao khiến các trường càng nhiều thí sinh càng lỗ nặng, nhất là khi có lắm thí sinh ảo”. Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho biết, tìm kiếm địa điểm thi hết sức khó khăn, thậm chí phải liên hệ từ trước mùa thi vài tháng, hay đặt từ năm trước, bởi rất nhiều trường cùng tổ chức thi. “Thậm chí phải dùng tiểu xảo, giành giật, nâng giá mới kiếm được địa điểm thi”, một cán bộ trong ngành giáo dục cho hay.

Lỗi thời
Kỳ thi 3 chung vừa qua, có rất nhiều thí sinh trên điểm sàn nhưng lại không trúng tuyển được trường nào. Lí do, những thí sinh này dự thi khối B, trong khi nguồn tuyển khối này ít nên nghiễm nhiên trượt dù đạt điểm sàn. Oái oăm ở chỗ, dù nhiều trường có ngành học chỉ cần thí sinh có tư duy về toán (khối B: thi Toán, Hóa, Sinh) là có thể chấp nhận đào tạo nhưng vì phải chung điểm, chung khối, nên cũng không thể “cứu” được thí sinh khối B. Vậy là, thí sinh thì trượt, còn trường thì cạn nguồn tuyển nên ngậm ngùi đóng cửa ngành học.
Thế nên, theo phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, về mặt kỹ thuật “3 chung” rất tốt nhưng về giáo dục hiện đại là không ổn. Ví dụ, rất nhiều trường có ngành phải thi môn Toán, nhưng mục đích giảng dạy cho đầu ra của các ngành khác nhau (khoa Toán của trường ĐH sư phạm đào tạo SV để sau này làm giáo dục phổ thông; khoa Toán của ĐH Quốc gia đào tạo những người nghiên cứu về Toán và để làm toán; ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo Toán để giúp các chuyên gia làm việc sử dụng về Toán…). Bởi vậy, khi môn Toán của các trường có đầu ra khác nhau, và các trường có sự phân tầng khác nhau thì đầu vào cũng phải khác nhau. Không lí gì lại áp dụng máy móc “3 chung” mãi được!
Trói buộc tự chủ
Để tuyển được thí sinh phù hợp với từng ngành, Bộ GD-ĐT nên giao việc tuyển sinh cho các trường được tự chủ động và Bộ sẽ giám sát đầu ra. Hiện việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH là xu hướng tất yếu trong đổi mới giáo dục. “Bản thân Bộ đã giao quyền ký và cấp các văn bằng tốt nghiệp từ cử nhân, thạc sĩ và sắp tới đây là tiến sĩ cho hiệu trưởng các trường thì tại sao lại vẫn cứ phải khăng khăng dùng “3 chung” để "siết" đầu vào”, giáo sư Trần Hồng Quân đặt vấn đề. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, nhận định: “Nền giáo dục của chúng ta đang đi ngược quy trình của các nước tiên tiến trên thế giới. Trong khi họ khá thoải mái đầu vào và “siết” chặt đầu ra, thì  ta lại làm ngược lại, như vậy liệu có hợp lý?”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng, vì “3 chung” mà Bộ GD – ĐT quanh năm chỉ lo kì thi này, không có thời gian làm các công việc khác, trong khi, các trường lại bị hạn chế sự tự chủ.

Theo T.Trúc- Q.Hải
(Đất Việt)

Bình luận (0)