Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang khuyến khích các trường đại học lớn trình phương án tự chủ tuyển sinh để Bộ duyệt. Nếu được thông qua, các trường có thể triển khai ngay trong mùa thi đại học, cao đẳng năm 2012.
Tuy luôn đề nghị Bộ thôi ôm đồm, trả kỳ thi tuyển sinh về cho cơ sở đào tạo, nhưng khi Bộ chuẩn bị “buông” thì lãnh đạo các trường lại tỏ ra khá cẩn trọng.
Năm tới, vẫn “ba chung”
Theo ông Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh “ba chung” đến nay đã cần phải thay vì hiểu về bản chất, giáo dục đại học là loại hình đào tạo mà ở đó quan trọng nhất là đánh giá chất lượng đầu ra. Việc tuyển đầu vào do đó không cần là cách thức thi cử nặng nề; cơ sở đào tạo có thể chọn đầu vào phù hợp với nhu cầu đào tạo của trường.
Thi giống nhau cũng là một cách đánh giá nhưng đã cổ và không chuẩn, vì đó đơn thuần là đánh giá khả năng nhớ. “Cách thi này còn kích thích quay cóp, tiêu cực, phải bảo mật đề, các thầy ra đề phải giữ riêng. Một kỳ thi rất nặng nề” – ông Giang nhận định.
Theo vị lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội này, chủ trương thay đổi của Bộ là hoàn toàn hợp lý. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã chuẩn bị phương án trình Bộ. Theo đó, thay vì kiểm tra kiến thức như hiện nay, kỳ thi sẽ chuyển sang hướng đánh giá năng lực thí sinh.
Thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ nghe quy chế tuyển sinh tại Hội đồng thi trường CĐSP Hà Nội
Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Minh Giang, dù đã có phương án nhưng trường sẽ không áp dụng ngay trong năm 2012. “Nếu chúng tôi tổ chức thi riêng thì những thí sinh đã dự thi vào trường nhưng không may bị trượt sẽ không có cơ hội học ở trường khác, vì với đề thi riêng, các em sẽ không thể sử dụng kết quả đó để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, 3” – ông Giang phân tích.
Cùng lo lắng này, ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho rằng, khi thi riêng, lại trùng với đợt thi “ba chung” của Bộ thì người thiệt thòi nhất sẽ là thí sinh. Hàng năm, số thí sinh dự thi vào Đại học Ngoại thương khá đông, nhưng chỉ một phần trong số đó có cơ hội đỗ vào trường. Những em còn lại, dù điểm số không thấp so với những thí sinh trường khác, nhưng cũng phải chấp nhận trượt.
Theo đó, vị hiệu trưởng này cho biết, trong dăm, bảy năm tới, Đại học Ngoại thương sẽ vẫn tiếp tục thi theo hình thức “ba chung” vì “chúng tôi không khó khăn về tuyển sinh. Thi “ba chung” thì Ngoại thương vẫn chọn được những thí sinh xuất sắc cho mình”.
Tiếp tục “ba chung” cũng là sự lựa chọn của Đại học Bách khoa Hà Nội trong mùa tuyển sinh năm 2012. Giống như Đại học Ngoại thương, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Trọng Giảng cho rằng, khi thi “ba chung,” trường vẫn đảm bảo được nguồn tuyển ổn định và chất lượng.
Tự chủ, không đơn giản
Các trường đấu tranh để được tự chủ, nhưng khi Bộ “bật đèn xanh”, trường lại… từ từ. Sự cẩn trọng, e dè của các trường đại học được đánh giá là có năng lực tốt nhất trong hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã cho thấy, rõ ràng, việc tự chủ tuyển sinh không hề đơn giản.
Chính Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu cũng phải thừa nhận rằng, “ba chung” có rất nhiều ưu điểm. Trong đó ưu điểm lớn nhất là khâu ra đề. Bộ GD&ĐT có một đội ngũ làm đề chuyên nghiệp, tập trung mà không một cơ sở đào tạo nào có thể sánh được. Thứ hai là khâu bảo mật đề thi. Nếu các trường tự lo đề thì khâu bảo vệ đề sẽ nan giải hơn nhiều.
Còn Phó Hiệu trưởng Học viện Bưu chính viễn thông Lê Hữu Lập cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi thích “ba chung”, vì với hình thức thi này, trường nhàn hơn rất nhiều.”
Phân tích cụ thể hơn, ông Vũ Quang Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Công đoàn cho biết, với cách thi này, trường gần như chỉ lo về cơ sở vật chất và đội ngũ coi thi. Tất cả các khâu quan trọng, then chốt nhất đã có Bộ GD&ĐT đứng mũi chịu sào. Bộ ra đề thi. Thi xong, Bộ có dịch vụ chấm (đối với thi trắc nghiệm). Chấm xong thì Bộ lo điểm sàn. Trường chỉ việc mang kết quả về và lấy điểm chuẩn sao cho không thấp hơn mức điểm sàn của Bộ.
Đã quen với sự “nhàn hơn” nên để tự chủ, các trường chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để chuẩn bị. Nhất là với những trường đại học thuộc nhóm trên, vốn không gặp nhiều khó khăn, không bức bách trong tuyển sinh.
Trường lớn không đã không “đủ gan” để tự thi thì với các trường nhỏ, đây lại càng là một thách thức. Vì thế, cho dù rất bức xúc vì phải chật vật để góp nhặt từng thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2011, nhưng khi họp “hội nghị Diên Hồng” để kiến nghị lên Bộ, các trường ngoài công lập cũng chỉ đề xuất Bộ lấy điểm kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học mà không hề nhắc đến việc tự thi riêng.
Với xu hướng này, có thể thấy, trong một vài năm tới, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn sẽ cơ bản theo phương thức “ba chung”: chung đề, chung đợt và chung kết quả thi.
Theo Hoàng Tuấn
(TT&VH)
Bình luận (0)