Nơi có dự án chống ngập chậm triển khai cũng như nơi đã lắp cống, nâng đường, người dân đều phải “sống chung với ngập” sau những trận mưa…
Chỉ sau vài trận mưa không quá lớn, nhưng cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực của TP.HCM đã bị đảo lộn do nước ngập tứ bề. Những bất cập trong công tác chống ngập đã lộ ra, dự báo tình cảnh tồi tệ tái diễn trong mùa mưa năm nay.
Những “bờ đê” trên đường phố
Hai ngày cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi, anh Nguyễn Văn Thanh – nhà ở đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân – tranh thủ mua đất cát dồn vào bao để đắp đê chống ngập. Mới vào mùa mưa nhưng đường Hồ Học Lãm đã “gánh” hai trận ngập, nước dâng cao nửa mét. Do chưa kịp đề phòng, nhiều nhà dân bị nước tràn vào làm hư hỏng đồ đạc. “Nghe có dự án nâng đường, chờ hoài không thấy ai làm nên tụi tôi phải tự chống ngập” – anh Thanh bày tỏ.
Nhiều nhà dân ở đường Hồ Học Lãm dựng đê bằng bao cát trước nhà để chống ngập – Ảnh: S.V.
Những ngày qua, nhiều nhà dân ở mặt tiền đường Hồ Học Lãm phải chuẩn bị sẵn bao đất để chặn nước, chống ngập. Họ dồn đất cát vào bao tải rồi dựng thành hàng như bờ đê ngay trước nhà. Buổi sáng, người ta chừa lại một lỗ nhỏ để đi lại; buổi chiều, họ chất kín bao tải trước cổng để ngăn nước tràn vào nhà. “Đã tốn công tốn sức như vậy nhưng nhiều hôm mưa lớn, nước vẫn tràn ào ào vào nhà. Mùa mưa năm ngoái, nước ngập hoài làm hư hết đồ đạc. Năm nay, với kiểu thực hiện dự án ì ạch này, chắc cũng chẳng khá hơn” – chị Thu Trang, ngụ tại P.An Lạc, Q.Bình Tân, than thở.
Thật ra, từ tháng trước, do thấy đường Hồ Học Lãm vẫn chưa được nâng cấp, nhiều người dân đã rủ nhau nâng nền nhà mình cao hơn mặt đường để ngăn nước tràn vào khi mưa đến. Có một doanh nghiệp lớn đóng trụ sở trên đường này còn trang bị cả hệ thống chắn nước bằng sắt; hễ thấy trời mưa, lại kéo tấm chắn ra để trước cửa công ty.
Cùng cảnh ngộ như ở “rốn ngập” Hồ Học Lãm, người dân ở đường Quốc Hương (Q.2) cũng vô cùng khốn đốn vì hễ có mưa là đường lại biến thành biển nước. Với những người buôn bán ở lề đường, họ chỉ làm ăn được mấy tháng khô ráo, còn vào mùa mưa thì không làm ăn gì được. Năm ngoái, anh Toàn – quê Quảng Ngãi, làm nghề bán hủ tíu gõ – nghĩ ra sáng kiến “độ” lại bếp lò xe hủ tíu cao hơn thường lệ để khi đường ngập, nước không tràn vào. Tuy nhiên, sau mấy trận mưa lớn, bếp lò bị ngập nước, vỡ toang. Vậy là mùa mưa, anh Toàn đành nghỉ bán, về quê kiếm việc khác mưu sinh, đợi hết mùa ngập mới vào buôn bán lại.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, từ đầu tháng 5/2019 đến nay, đã có bốn trận mưa trên diện rộng, với hơn 10 tuyến đường bị ngập. Trong đó, các điểm thường xuyên ngập nặng là đường Quốc Hương (Q.2), đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân)… Đại diện công ty này nhận định, nguyên nhân gây ngập nặng ở hai điểm này là do hệ thống cống thoát nước xuống cấp, hư hỏng trong khi cao độ mặt đường thấp hơn mực nước triều.
Phập phồng với dự án mới
Không chỉ ở nơi có dự án chống ngập chậm triển khai, người dân ở nơi đã hoàn thành dự án chống ngập vẫn phải chịu tình cảnh tương tự. Điển hình là tuyến đường Nguyễn Văn Quá (Q.12), dù đã được nâng cấp, lắp cống chống ngập (với chi phí hơn 160 tỷ đồng) nhưng 2 – 3 năm nay vẫn cứ ngập. Từ tháng Tư, tuyến đường này đã mênh mông nước sau vài cơn mưa trái mùa, nay vào mùa mưa, càng ngập nặng. “Chẳng biết dự án thi công kiểu gì mà ngập vẫn hoàn ngập” – anh Thuận, có nhà ở đường Nguyễn Văn Quá, đoạn qua P.Đông Hưng Thuận, Q.12, ngao ngán.
Ngoài dự án chống ngập đường Nguyễn Văn Quá, dự án chống ngập Quốc lộ 1 đoạn qua Q.12 vừa hoàn thành trong năm 2018 cũng “tụ nước” chỉ với vài cơn mưa đầu mùa 2019. Đây là dự án bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phát hiện có nhiều sai sót và UBND TP.HCM đã yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan. Với thực trạng trên, chưa biết trong mùa mưa này, công trình sẽ phát huy hiệu quả ra sao. Theo nguồn tin của phóng viên, chủ đầu tư dự án là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (hiện đã giải thể, một bộ phận chuyển sang Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan đến dự án Xây dựng hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A (đoạn từ đường Lê Thị Riêng đến Ngã tư Ga), để kiểm điểm và có biện pháp khắc phục các sai sót.
Trong báo cáo gửi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước cho biết, các đơn vị liên quan như Công ty cổ phần Công trình giao thông công chánh (đơn vị thi công gói thầu xây lắp 1), Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (đơn vị thi công gói thầu xây lắp 2) đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng công trình và đã khắc phục sai sót. Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (đơn vị tư vấn khảo sát và lập dự án đầu tư, tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán) đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác khảo sát lập dự án, lập thiết kế bản vẽ thi công…
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia có thâm niên về công tác chống ngập ở TP.HCM cho rằng, cần phải thuê một đơn vị trung gian, tổ chức đánh giá hiệu quả cụ thể của một số công trình chống ngập thời gian gần đây, làm rõ vì sao đã thi công công trình chống ngập mà vẫn tái ngập để xử lý nghiêm, chứ không thể dừng lại ở hình thức “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” như lâu nay. Theo vị này, ngay cả những công trình có địa chỉ cụ thể mà cũng không biết được nguyên nhân dự án không phát huy hiệu quả, không xử lý được trách nhiệm các đơn vị liên quan thì khó lòng chỉ ra những yếu kém trong công tác chống ngập chung cho toàn thành phố.
UBND TP.HCM yêu cầu xử lý nhiều sai phạm về chống ngập
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa giao Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có sai phạm khi thực hiện ba dự án chống ngập tại TP.HCM, căn cứ vào kết luận của Thanh tra TP.HCM.
Cụ thể, Thanh tra TP.HCM yêu cầu phải làm rõ các đơn giá bất thường trong hồ sơ dự thầu khi đánh giá thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đồng thời phê duyệt lại dự toán ba dự án, gồm: dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Trần Nhân Tôn (Q.5); dự án cải tạo thoát nước Quốc lộ 1A; dự án bờ tả sông Sài Gòn. Trong đó, yêu cầu Ban quản lý dự án 1547 (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước) không thanh toán cho nhà thầu số tiền gần 1 tỷ/1,6 tỷ đồng tại hạng mục bốc dỡ vật liệu cống Bà Dìm thuộc dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn.
Liên quan đến kết luận của Thanh tra TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đối với dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Trần Nhân Tôn và Quốc lộ 1, đồng thời giao Sở Xây dựng tổ chức phê duyệt lại dự toán của hai dự án này.
Theo Sơn Vinh – Hoàng Nhiên/PNO
Bình luận (0)