Giữa lúc xã hội đang đặc biệt quan tâm chuyện tỉnh Nam Định quyết định khước từ người tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, hiệp hội các trường này liên tục tổ chức ba hội thảo ở ba miền.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là một trong những trường còn giữ được những ngành đào tạo khá rộng. Trong ảnh: sinh viên năm 3 ngành cơ khí của trường này trong giờ thực hành – Ảnh: Như Hùng |
Nhưng nội dung chính không phải là bàn về việc tại sao người ta từ chối "sản phẩm" đào tạo của mình, mà chủ yếu bàn làm sao để các trường ngoài công lập tuyển được nhiều hơn.
Tại hội thảo vừa được tổ chức ở Hà Nội ngày 21-10, hiệp hội còn đề xuất phương án tuyển sinh mới, trong đó các trường đại học, cao đẳng tùy vào nhu cầu tuyển của mình có thể căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp năm môn để định điểm trúng tuyển!
Trước khi tổ chức các hội thảo, hiệp hội này đã ra hẳn bản kiến nghị đề nghị Bộ GD-ĐT dành cho mình những biệt lệ trong tuyển sinh. Trong đó, đáng chú ý nhất là kiến nghị “kéo dài thời gian tuyển sinh cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu”.
Hiệp hội cũng đề nghị: “Với những trường có nguy cơ đóng cửa, Bộ GD-ĐT nên có đoàn công tác đi thị sát nắm tình hình, có giải pháp tình thế hoặc giải pháp đặc biệt giúp các trường tháo gỡ khó khăn”. Theo hiệp hội, những giải pháp này là cách để cứu các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tháo gỡ khó khăn, bế tắc trong tuyển sinh.
Phải thừa nhận thực tế rằng những năm gần đây và đặc biệt là năm nay, rất nhiều trường, trong đó đa số là các trường ngoài công lập, rất chật vật trong tuyển sinh. Có người dùng từ hoa mỹ rằng sự khó khăn đó làm các trường không tuyển đủ chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao, không đào tạo, cung cấp đủ nhân lực cho xã hội.
Thế nhưng, nhiều trường nói thẳng rằng việc tuyển không được thí sinh khiến trường giảm đáng kể nguồn thu từ học phí. Nói cách khác, doanh thu của trường đã không đạt như mong muốn.
Dĩ nhiên, các trường dư sức hiểu rằng để tuyển được nhiều hơn, người ta buộc phải hi sinh tiêu chí chất lượng đầu vào. Sau đó, để luôn đảm bảo có nhiều người học, họ tiếp tục hi sinh tiêu chí chất lượng, sàng lọc sinh viên đầu ra. Nhiều trường, thậm chí cả những trường mang danh quốc tế, tìm đủ cách nới điểm ưu tiên, mở thêm hệ đào tạo “lạ” để tuyển cả những thí sinh đạt điểm dưới sàn.
Sau khi đã tuyển ồ ạt thí sinh, nhiều trường tổ chức những lớp đông hàng trăm sinh viên để tăng lợi nhuận. Sinh viên tiếp thu được gì, học được gì trong những lớp học như vậy có lẽ nằm ngoài tầm quan tâm của các trường.
Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề về cơ sở vật chất thiếu thốn, giảng viên chạy sô, kiểm tra đánh giá dễ dãi… Thế nhưng đến khi tốt nghiệp, tỉ lệ sinh viên khá, giỏi, xuất sắc của nhiều trường ngoài công lập lại cao chót vót. Không ít trường có tỉ lệ sinh viên khá, giỏi, xuất sắc đến gần 100%.
Dĩ nhiên, không phải tất cả các trường ngoài công lập đều chạy theo lợi nhuận trước mắt. Nhưng bức tranh toàn cảnh không mấy sáng sủa đó đã khiến nhiều cơ quan tuyển dụng nói riêng và thị trường lao động nói chung e ngại, thậm chí công khai từ chối sản phẩm đào tạo của các trường ngoài công lập. Điều đó chắc chắn tác động đến quyết định chọn trường của thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh.
Vì vậy, nếu các trường vẫn tiếp tục chọn con đường chạy theo lợi nhuận trước mắt qua cách tuyển sinh, qua cách tổ chức đào tạo cũng có nghĩa các trường đang đi vào cái vòng luẩn quẩn: tuyển sinh chất lượng thấp, đào tạo chất lượng kém, bị xã hội từ chối, người học không tìm đến lại phải tuyển sinh chất lượng thấp.
Chắc chắn đến một lúc nào đó các trường này sẽ bị xã hội tẩy chay. Lúc đó dẫu có kiến nghị và được phép tuyển đầu vào thấp đến mức nào đi nữa cũng chẳng có ai đến học.
Theo TRẦN LONG
(TTO)
Bình luận (0)