Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh 2012: Đề không dài và không khó

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc chia sẻ về những điểm cần lưu ý trước kỳ thi. Ôn kỹ chương trình lớp 12

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thưa ông, Bộ có chủ trương thế nào trong việc ra đề thi ĐH, CĐ năm nay? TS cần ôn luyện kiến thức gì để đạt kết quả tốt?

Thí sinh nên tập trung ôn tập kỹ những nội dung cơ bản trong chương trình phổ thông, đặc biệt là chương trình lớp 12

Đề thi năm nào cũng vậy, những phần giảm tải sẽ không có trong đề thi. TS nên tập trung ôn tập kỹ những nội dung cơ bản trong chương trình phổ thông, đặc biệt là chương trình lớp 12. Đề thi không quá dài, không quá khó, không đánh đố TS nhưng có tính phân loại cao.
Đi học thêm sẽ không giúp ích gì trong việc này. Vì vậy các em nên tự mình ôn luyện. Có như vậy các em mới có thể tự xoay xở được khi làm bài thi. Kiến thức tích lũy được là cả quá trình học tập. Đúc kết nó để trở thành của riêng mình là sự nỗ lực của mỗi người, không ai có thể làm giúp các em. Chính những kiến thức mà bản thân các em tự đúc kết sẽ quyết định kết quả của kỳ thi.
Trong những kỳ thi trước đã xảy ra một số sự cố về giám thị gây ảnh hưởng đến quyền lợi của TS như: ký nhầm vào giấy thi và bắt TS chép lại, hay không cho TS viết bằng mực tím… Năm nay, Bộ có quy định như thế nào về những tình huống này?
Trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị thi vừa qua, các đoàn công tác của Bộ đã quán triệt với các trường tập huấn kỹ cán bộ coi thi năm nay để tránh những sự cố đáng tiếc như đã xảy ra năm ngoái. Khi làm nhiệm vụ coi thi, nếu có tình huống bất thường, giám thị cần báo ngay cho điểm trưởng. Những trường hợp phức tạp hơn, điểm trưởng không giải quyết được thì báo lên hội đồng thi của trường. Nếu hội đồng thi của trường cũng không xử lý được thì báo về ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ để có phương án xử lý kịp thời. Các bộ phận này đều có thể kết nối liên lạc trong suốt quá trình tổ chức thi.
Phải công khai số đợt xét tuyển
Năm nay, Bộ không quy định số nguyện vọng được xét tuyển và TS có thể nộp cả bản sao giấy chứng nhận kết quả thi. Vậy TS có được phép gửi cùng một lúc nhiều hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường hay không? TS sẽ được quyền sử dụng như thế nào với 2 giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ?
Trong trường hợp TS không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì các em sẽ nhận được hai phiếu báo điểm có chữ ký và đóng dấu của trường tổ chức thi. Các em sẽ dùng phiếu này để đăng ký xét tuyển vào các trường khác, tùy yêu cầu của trường xét tuyển cần phiếu báo điểm gốc hay bản sao công chứng. Các trường được chủ động về số đợt xét tuyển nhưng phải công khai ngay từ đầu thời gian mỗi đợt, điều kiện cụ thể, không được phép kết thúc xét tuyển trước thời hạn đã thông báo. TS cần theo dõi thông tin xét tuyển của từng trường để làm hồ sơ đăng ký.

Thí sinh nhận giấy báo thi tại bộ phận tuyển sinh của cơ quan đại diện phía nam Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Có ý kiến cho rằng Bộ nên bỏ điểm sàn chung để các trường tự chủ trong xét tuyển cho phù hợp với năng lực của từng trường, ông nghĩ gì về điều này?
Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để TS có thể vào học ĐH hoặc CĐ. Quy định này cũng là một giải pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu chất lượng học sinh phổ thông đồng đều và được phân luồng tốt, mạng lưới ĐH, CĐ được phát triển rộng, có đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng để mọi người có nhu cầu học ĐH, CĐ đều có thể vào học rồi sàng lọc trong quá trình đào tạo thì sẽ tốt hơn.
Luật Giáo dục ĐH vừa được Quốc hội thông qua quy định rõ kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường sẽ công khai kết quả kiểm định chất lượng của mình kèm theo các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có học phí để người học cân nhắc lựa chọn vào học. Khi áp dụng luật này, hệ thống giáo dục ĐH của nước ta sẽ được phân tầng. Khi đó chỉ có những trường ĐH nghiên cứu tổ chức thi để lấy nguồn đào tạo nhân lực tinh hoa. Còn những trường khác chỉ xét tuyển TS tốt nghiệp phổ thông hay xét tuyển TS dự thi các kỳ thi chung rồi sàng lọc trong quá trình đào tạo. Chất lượng bằng cấp của sinh viên sẽ phụ thuộc vào uy tín của nhà trường.

Tra cứu thông tin dự thi qua mạng

Nhiều trường ĐH cho phép TS tra cứu những thông tin cá nhân liên quan đến kỳ thi ĐH, CĐ qua website. Trước ngày thi, TS có thể dễ dàng tìm kiếm địa chỉ chi tiết về số phòng thi, địa điểm thi kèm theo sơ đồ hướng dẫn và các thông tin như họ tên, số báo danh, ngành thi, khối thi… qua website của nhiều trường ĐH như: Công nghệ thông tin TP.HCM, Nông lâm TP.HCM, Khoa học tự nhiên TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Cần Thơ…
Khi hoàn tất việc tra cứu, nếu phát hiện có sai sót, TS liên hệ với trường để được chỉnh sửa trước ngày thi (khi đi mang theo phiếu đăng ký dự thi số 2). Riêng Trường ĐH Cần Thơ thông báo, TS chỉ được chỉnh sửa các sai sót về đối tượng, khu vực ưu tiên, khối, mã ngành, nơi học THPT tại trường; các sai sót về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, hộ khẩu điều chỉnh tại phòng thi trong ngày làm thủ tục dự thi.

theo GDVN

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)