Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Năm học mới 2011 – 2012: Năm học của sự đổi mới toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thềm năm học mới 2011-2012, nhiều địa phương đã chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức ngày khai trường sớm, đón chào một năm học hứa hẹn nhiều đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo ở tất cả các cấp học. Đây là năm học có ý nghĩa rất quan trọng bởi là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Năm 2011- 2012 năm đầu tiên thực hiện NQ Đại hội XI
về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
                                            Ảnh: HOÀNG ANH THẮNG
Bốn nhiệm vụ trọng tâm chiến lược
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, kế hoạch khung thời gian năm học mới và phương hướng thực hiện sẽ chú trọng bốn nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; phát triển mạng lưới trường, lớp học và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Giáo dục phổ thông sẽ điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; điều chỉnh để từng bước hoàn thiện việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm khắc phục những bất cập trong những năm qua. Đối với giáo dục thường xuyên, củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học. Riêng đối với giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện phân luồng và tăng quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo; triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục triển khai nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các địa phương. Mục tiêu, nhiệm vụ năm học mới được Bộ GD&ĐT đề ra sẽ tập trung đề xuất chủ trương, kế hoạch và giải pháp để xây dựng chương trình hành động hướng tới việc đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Công tác cung ứng SGK cũng được Bộ đề nghị các đơn vị liên quan lên kế hoạch xuất bản, cung ứng đầy đủ, chính xác nội dung, số lượng sách, đảm bảo không có địa phương nào xảy ra tình trạng thiếu sách; học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa sẽ được hỗ trợ, tài trợ về sách, thiết bị đồ dùng học tập từ nhiều hoạt động xã hội. Đội ngũ giáo viên cũng sẽ tiếp tục được Bộ GD&ĐT đề xuất các phương án kiện toàn, chuẩn hoá. Tiếp tục đẩy mạnh đề án kiên cố hoá trường lớp học, xây nhà công vụ giáo viên; các địa phương phải hết sức chăm lo, tạo điều kiện nâng cao đời sống giáo viên đặc biệt là khu vực miền núi, vùng khó khăn.
Công tác chuẩn bị cho dịp khai giảng năm học mới, kế hoạch năm học cũng được các địa phương chuẩn bị chu đáo nhằm đảo bảo lễ khai giảng sẽ diễn ra chủ yếu từ ngày 3 đến ngày 5-9-2011; kết thúc năm học từ ngày 21 đến 31-5-2012. Để ngày khai giảng luôn mang ý nghĩa "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, Bộ GD&ĐT đề nghị các cấp ngành địa phương phối hợp tạo điều kiện cho Sở GD&ĐT các tỉnh thành tập trung làm tốt công tác khai giảng bao gồm cả hai phần "Lễ” và "Hội”. Quy định nêu rõ, phần "Lễ khai giảng” với nghi lễ trang trọng và các hoạt động chào cờ, hát Quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai giảng năm học mới.
Nhiều vấn đề nóng cần giải quyết
Trước thềm năm học mới, ngày 31-8 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi họp báo chuẩn bị công tác khai giảng năm học 2011-2012. Hàng loạt vấn đề nóng trước thềm năm học mới đã được đề cập như đổi mới chương trình, chấn chỉnh xử lý tình trạng lạm thu ở các trường phổ thông, những bất cập cần được điều chỉnh của tuyển sinh ĐH-CĐ cũng đã được đề cập, vạch ra nhiều phương hướng giải quyết.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, ngày 3-9, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện việc giảm tải chương trình học của các lớp thuộc bậc học phổ thông. Khẳng định thêm điều này, ông Chuẩn cho biết hướng dẫn sẽ được xây dựng cụ thể theo hướng đơn giản, rõ ràng, dễ triển khai thực hiện, Bộ sẽ gửi email hướng dẫn tới các Sở GD&ĐT, Sở gửi xuống các trường và in thành từng bản, phát cho giáo viên. Giải thích những vướng mắc có thể phát sinh như việc thực hiện giảm tải chương trình liệu có gắn với việc điều chỉnh, giảm áp lực các kỳ thi hay không? Ông Chuẩn cho rằng, những bài học đã được chuyển sang đọc thêm, hoặc không dạy thì chắc chắn sẽ không nằm trong đề thi. Hướng đổi mới cả Bộ sẽ tập trung giảm tải, giảm áp lực và chú trọng giảm tần suất thi. Về phương án đổi mới tuyển sinh, ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cho biết, trước những bất cập còn tồn tại ở mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, mục tiêu của Bộ sẽ đổi mới cơ bản phương thức, hình thức áp dụng trong thi cử, xét tuyển nhằm đảm bảo tối đa công bằng trong tuyển sinh ĐH-CĐ.
Nhằm chấn chỉnh việc lạm thu, tự đặt các khoản thu phí trái quy định thường xảy ra vào dịp đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 5584 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Trong công văn này, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh không sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc chi tiêu quỹ này phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.
Theo Hoàng Anh Thắng
(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)