Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Mùa thi, sinh viên kiếm tiền triệu mỗi ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Bỏ ra 10 triệu đồng tiền vốn để trang bị cho quán nước mía, nhưng đổi lại mỗi ngày nhóm bạn của cậu sinh viên Hoàng Kim Trung (năm thứ 2 Đại học Thủy lợi Hà Nội), lãi được ngót ngét gần 1 triệu đồng trong những ngày nắng nóng của các đợt tuyển sinh đại học này.
Không chỉ nhanh nhẹn trong việc róc vỏ mía, bưng bê, rửa ly, cốc… cậu sinh viên Hoàng Kim Trung còn được rất nhiều phụ huynh đưa đón con đi thi trước cổng trường đại học Thủy Lợi (Tây Sơn, Hà Nội) biết đến bởi tính tình vui vẻ và sự nhiệt tình khi hướng dẫn con em họ địa điểm các phòng thi cũng như đường đi lối lại trong trường và trong thành phố.
Theo quan sát của chúng tôi, sáng ngày 9/7, quán nước của Trung khách ngồi chật kín. Đa phần là những phụ huynh đưa các sỉ tử đi thi. Thức uống được nhiều người lựa chọn nhất là nước mía với 8.000 đồng/cốc, trà đá 2.000 đồng/cốc, có thể kèm với bim bim, hướng dương hoặc thịt bò khô, giá từ 5.000 – 20.000 đồng/túi.

Mặc dù công việc bận rộn nhưng lúc nào trên gương mặt của nhóm bạn này cũng túc trực nụ cười tươi rói.
Mặc dù rất mệt và công việc cũng bận rộn nhưng lúc nào trên gương mặt của nhóm bạn này cũng túc trực nụ cười tươi rói. Trung chia sẻ: “Ngoài mục đích kinh doanh, mình nghĩ cái chính là phục vụ cho các phụ huynh đưa đón các sỉ tử là chính nên quán mình không hét giá như nhưng quán nước khác. Song, với sự cạnh tranh từ các quán di động khách mới thấy, kinh doanh đâu phải chuyện dễ”.
Cũng theo Trung, mặc dù bạn đã xin phép nhà trường nhưng việc kinh doanh tại một  góc trước cổng trường đại học thế này chỉ là tạm thời vì có thể bị các chú công an giao thông “tuýt còi” bất cứ lúc nào, nên sắp tới, các bạn sẽ tìm thuê địa điểm gần trường để tiện kinh doanh.
“Kinh doanh chân chính, không chặt chém, ép giá nhất thời để kiếm lãi”, là phương châm của nhóm Trung. Với số vốn bỏ ra lên đến 10 triệu đồng, đối với sinh viên như Trung là rất lớn, nên Trung luôn suy nghĩ tìm cách phát huy tối đa “cơ ngơi” của mình sau khi các đợt thi đại học kết thúc.
Khác với Trung, bạn Nguyễn Thị Định (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) ngoài bán nước mía bạn còn kiêm luôn bán bánh mì và trứng vịt lộn. Định cho biết, bố mẹ ở quê không cho mình đi làm hè nhưng vì máu kinh doanh nên Định xin phép ở lại đi học và làm thêm. Nắm bắt được nhu cầu, cũng như để đáp ứng cho các phụ huynh đưa con đi thi đại học, Định thuê một không gian nhỏ ngay khu gần trường để bắt tay vào công cuộc "làm ăn".
Theo Định, những ngày qua, hôm nào hàng nước mía của bạn cũng thu hoạch được tiền triệu do mùa thi năm nay rơi vào những ngày nắng nóng, phụ huynh đưa con em mình đi thi nên khách lúc nào cũng tấp nập. Một ngàyhàng của bạn bán được vài kg chanh, khoảng 300.000 đồng tiền mua mía, và gần 100 chiếc bánh mì.
Bác Hùng (Nam Định) đưa con đi thi vào Đại học Hà Nội chia sẻ, trong lúc ngồi đợi con vì trời nắng nóng bác cũng chỉ biết quanh quẩn trước khu vực gần cổng trường, hơn nữa đi lại nhiều mệt nên ngồi uống cốc nước mía, nói "chuyện phiếm" cho đỡ phí thời gian. Nước ở đây vừa rẻ, vừa ngon mà các cháu lại phục vụ rất nhiệt tình, không có kiểu chặt chém như ở một số địa điểm khác.

Những tờ đáp án đề thi sớm luôn là mối quan  tâm của phụ huynh và sĩ tử.
Trong khi đó, cũng nắm bắt cơ hội mùa thi, Phạm Đình Cương và nhóm bạn tại Đại học khoa học tự nhiên kinh doanh theo kiểu “ít vốn nhiều chất xám”. Theo đó, Cương cùng nhóm bạn túc trực ở các cổng trường thi, để đề của những thí sinh vừa thi xong. Có được đề thi, cậu nhanh chóng mang về tụ tập nhóm lại cùng giải. Sau khi giải xong và tập hợp những câu hay nhất, cả nhóm chọn lọc đưa đi in và chia ra đến các địa điểm trường bán với giá 5.000 đồng/bản.
Để tạo niềm tin cho sĩ tử và phụ huynh, khi đi bán đáp án, các thành viên trong nhóm của Cương phải tranh thủ tất cả thẻ sinh viên, chứng minh thư và cả bảng thành tích học tập để chứng minh với khách hàng không phải là lời giải "rởm". Dự định năm tới Cương sẽ thành lập một đội giải đề thi chuyên nghiệp hơn và nhanh hơn để đảm bảo cho thí sinh có kết quả ngay sau khi bước ra khỏi phòng thi một thời gian ngắn nhất.
Tiền bán được sẽ chia chung cho tất cả các thành viên trong nhóm, dù không được nhiều nhưng với vốn là chất xám bỏ ra, nhóm bạn của Cương cũng rất tự hào về kiểu kinh doanh này.
Đối với sinh viên, kinh doanh không đơn giản để kiếm tiền. Đó là cơ hội trải nghiệm và thử sức. Môi trường kinh doanh buộc sinh viên phải tiếp xúc với nhiều người. Quá trình “làm dâu trăm họ” khiến các bạn trở nên dạn dĩ, khéo léo trong cách giao tiếp ứng xử. Đó là vốn lận lưng quý báu cho nghề nghiệp tương lai. 
Theo Trần Nguyên
(GDVN)

Bình luận (0)