Nếu cứ để như tình trạng hiện nay, sau hệ tại chức và bằng tốt nghiệp ĐH của các trường ngoài công lập, sẽ đến lúc xã hội từ chối bằng của chương trình liên thông.
Liên thông có nhiều mặt tích cực, giúp người học có điều kiện học tập suốt đời. Thế nhưng vừa qua nhiều trường đã vận hành chương trình này hết sức tùy tiện, tổ chức những kỳ thi đầu vào lỏng lẻo… Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT đang có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng liên thông.
Có nên nới lỏng điều kiện dự thi?
Trước đây, theo quy định liên thông, người có bằng tốt nghiệp trung bình phải có một năm công tác mới được dự thi liên thông từ trung cấp lên CĐ, 3 năm công tác mới được dự thi liên thông lên ĐH. Tuy nhiên, dự thảo quy định mới cho phép “người có bằng tốt nghiệp được tham gia dự tuyển đào tạo liên thông ngay sau khi tốt nghiệp”. Quy định này được nhiều trường ĐH đồng tình. Ông Bùi Duy Cam cho biết: “Thực tế hầu hết TS khi tốt nghiệp chưa có việc làm mới tiếp tục học liên thông. Nếu quy định sau 1 đến 3 năm mới được dự thi thì làm lãng phí thời gian của TS”.
Trong khi đó, ý kiến khác lại cho rằng đối tượng học liên thông cần phải có thời gian làm việc để có kinh nghiệm vì vậy không thể cho dự thi ngay.
|
Thi đầu vào cùng với chính quy: Chưa hợp lý
Theo quy định của dự thảo về đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra, các thí sinh (TS) của chương trình này phải tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH cùng với TS chính quy. Điểm trúng tuyển của TS liên thông phải bằng với TS chính quy cùng ngành học.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một số chuyên gia giáo dục cho rằng quy định này chưa thực sự hợp lý. Ông Bùi Duy Cam – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng: “Kỳ thi liên thông dành cho các đối tượng đã học được những kiến thức và tốt nghiệp một bậc học để lên một bậc học cao hơn chứ không phải từ phổ thông lên ĐH. Vì vậy, các môn thi phải là các môn liên quan đến kiến thức chuyên môn. Thi chung với kỳ thi ĐH chính quy, TS phải dự thi các môn thuộc kiến thức trung học phổ thông thì không hợp lý”.
Cùng quan điểm như vậy, ông Lê Trọng Thắng – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ – Địa chất, nhấn mạnh: “Đặc thù của liên thông là việc bổ sung kiến thức cho người học với nguyên tắc thiếu cái gì học cái đó. Liên thông mà thi tuyển như thi ĐH chính quy thì cũng không khác tuyển sinh ĐH chính quy. Các em sẽ phải làm bài thi các môn toán, lý, hóa… thì khó có thể đỗ”.
Mới đây, tại cuộc bàn luận về dự thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng cần phải xem xét lại chất lượng đào tạo liên thông bởi đây không phải là đường vòng để vào ĐH. Đặc biệt, ông Ga nhấn mạnh: “Cần phải làm rõ là có nên đào tạo vượt cấp từ trung cấp lên ĐH hay không; đầu vào học hệ chính quy thì phải thi như thế nào, không thể để mỗi trường có một thước đo. Liên thông lên chính quy thì phải học chung với hệ chính quy và nằm trong chỉ tiêu hệ chính quy…’’.
Nhiều trường ĐH chiêu sinh chương trình đào tạo liên thông – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Cùng chuẩn đầu ra
Theo ông Bùi Duy Cam thì việc tổ chức thi tuyển sinh đầu vào vẫn có thể giao cho các trường nhưng Bộ GD-ĐT phải khống chế chỉ tiêu để đảm bảo việc tuyển sinh đạt chất lượng. Đặc biệt chỉ nên thi chuyên môn để tuyển được những TS có năng lực tốt. Tuy nhiên khi trúng tuyển thì những sinh viên này sẽ phải học như sinh viên của hệ chính quy để đảm bảo khi tốt nghiệp phải cùng một chuẩn. Ông Lê Trọng Thắng cũng đề xuất: “Cần phải tiến tới việc học tại chức hay chính quy cũng chỉ có một loại văn bằng vì hình thức học không quyết định chất lượng. Dù học buổi tối, hay ban ngày thì chương trình học cũng phải đảm bảo như nhau để người học tốt nghiệp hình thức nào cũng có giá trị như nhau”. Nhưng những người làm quản lý lại có quan điểm khác. Theo ông Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) thì kỳ thi liên thông, Bộ GD-ĐT vẫn phải ra đề thi để có một thước đo chung, đảm bảo TS có đủ năng lực mới được vào học. Chương trình đào tạo phải được thiết kế riêng để phù hợp với đối tượng.
Những vụ việc lộn xộn
– Nhiều học sinh lớp kế toán KB2 (khóa II) Trường ĐH Chu Văn An (cơ sở TP.HCM) cho biết đã tốt nghiệp từ ngày 30.11.2010, đến nay gần 14 tháng vẫn chưa được nhận bằng. Dù vậy, một số học sinh vẫn được học lớp liên thông ngành kế toán từ trung cấp chuyên nghiệp lên CĐ.
– Hơn 300 sinh viên vừa tốt nghiệp bậc CĐ, trung cấp của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai bỗng nhận được giấy thông báo trúng tuyển vào hệ ĐH liên thông các ngành quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng – khách sạn, kế toán, công nghệ kỹ thuật ô tô dù không hề qua thi tuyển cũng như nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Sau khi làm thủ tục hồ sơ nhập học, đóng học phí học kỳ 1 và bước vào học môn đầu tiên, nhà trường đột nhiên ra thông báo ôn thi để chuẩn bị thi tuyển đầu vào.
– Tháng 10.2011, Bộ GD-ĐT đã hủy kết quả thi tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tại trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM tổ chức trong hai ngày 22 và 23.10.2011. Kỳ thi đã mắc những vi phạm nghiêm trọng: cơ sở liên kết đặt lớp đào tạo không đúng quy định, không có văn bản của Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh đào tạo chính quy ngoài cơ sở chính của trường, tổ chức thi tuyển sinh không nghiêm túc…
Đăng Nguyên
(tổng hợp) |
Ý kiến:
Bất hợp lý
“Dự thảo có nhiều bất hợp lý. Thứ nhất về vấn đề thời gian: Lịch học của sinh viên liên thông CĐ kết thúc vào tháng 10 hằng năm trong khi học sinh THPT là tháng 5, nếu như phải thi chung đợt với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì sẽ phải đợi quá lâu. Thứ hai là về môn thi. Từ trước đến nay, sinh viên liên thông phải thi 2 môn cơ sở và chuyên ngành, tôi cho là khá quan trọng để đánh giá năng lực nếu sinh viên đó muốn học lên bậc học cao hơn. Còn nếu phải thi các môn văn hóa ở các khối A, B, C, D thì lại không có liên quan gì đến ngành mà TS đó đã được học và lại phải quay về ôn thi lại từ đầu những kiến thức có thể đã quên từ lâu”.
TS Nguyễn Văn Thư
(Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) Tăng cường giám sát, kiểm tra
“Nên để các trường tiếp tục tự tổ chức thi liên thông. Điều quan trọng là Bộ nên tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, trường nào lộn xộn, chất lượng kém thì cũng cắt chỉ tiêu hoặc ngưng đào tạo. Việc tổ chức thi chung đề thi, khối thi với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ rất bất cập. Cái cần kiểm tra ở đây là kiến thức cơ bản, nghiệp vụ của ngành nghề mà sinh viên đó đã học chứ không phải là kiến thức về các môn văn hóa”.
TS Phạm Châu Thành
(Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM) Mỹ Quyên (ghi)
|
Theo Vũ Thơ
(TNO)
Bình luận (0)