Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Ở Việt Nam chứ đâu phải nước ngoài”

Tạp Chí Giáo Dục

Xem clip một nữ giúp việc ở Hà Nam hành hạ cháu gái mới hơn 1 tháng tuổi và clip bạo hành trẻ ở quận 12, tôi lại nhớ đến một học sinh nam mà tôi dạy cách đây mấy năm. Hôm ấy, em đến trường với nhiều vết bầm trên mặt, tay chân. Tôi hỏi, em trả lời do nghịch phá bị ba đánh. Bức xúc, tôi mời ba em đến trường. Tôi chỉ mới nhẹ nhàng nói với ông dạy con là điều đúng nhưng không nên đánh con như thế. Phụ huynh ấy đã hằn học trả lời: “Con tôi, tôi dạy. Ở Việt Nam chứ đâu phải ở nước ngoài mà không được đánh con”, rồi bỏ về. Phải chăng những hành động sai trái, phạm tội với trẻ là do những người ấy không biết gì về Quyền Trẻ em, về Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em vào ngày 20-2-1990. Tháng 2-2001, được Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị, trường tôi đang dạy cùng với 5 trường khác trong thành phố bắt đầu thí điểm dự án “Xây dựng môi trường học thân thiện với trẻ” với mục tiêu xây dựng nhà trường đạt được những ý tưởng theo các điều khoản trong các Công ước về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc. Thực hiện dự án, chúng tôi đã phổ biến, giáo dục học sinh 4 nhóm quyền của trẻ em theo công ước, đó là: quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Trong thời gian thực hiện dự án này (2001-2005), một lần trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình thành phố, tôi đã nêu ý kiến của mình là để thực hiện tốt Công ước về Quyền Trẻ em nên phổ biến các quyền trẻ em này đến tất cả mọi người trong xã hội vì các em còn nhỏ có biết cũng không thể tự bảo vệ mình được. Trong chương trình của lớp 5 hiện hành, học sinh cũng được học bài “Luật bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em”. Thế nhưng, thật đáng buồn khi học sinh được học về Quyền Trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ nhà trường thì ngay trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội, trẻ lại bị chà đạp nhân phẩm, thậm chí bị cướp đi mạng sống.

Vì vậy, tôi nghĩ Công ước về Quyền Trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần nhanh chóng phổ biến rộng rãi đến từng người dân ở tổ dân phố, đến tất cả các cơ quan công sở, đến cả những trung tâm giới thiệu người giúp việc nhà, người trông trẻ để chúng ta không còn đau xót trước sự ngược đãi trẻ em nữa.

Lê Phương Trí
(Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)