Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quân sư tình yêu – Công khai về chuyện khó nói

Tạp Chí Giáo Dục

Quân sư tình yêu là chương trình thông tin về giới tính lần đầu tiên lên sóng truyền hình O2 TV, được kỳ vọng thành thật, thẳng thắn, công khai nói về chuyện thầm kín.

Đức Hải làm MC Quân sư tình yêu . Ảnh: T.Toan

 

Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS) cùng kênh truyền hình O2 TV hợp tác cho ra chương trình thời lượng 15 phút phát sóng 22h thứ bảy, chủ nhật, bắt đầu từ 5-6. Chương trình lấy cảm hứng từ thành công của chương trình truyền hình “Bác sỹ tình yêu” ở Singapore.

Thông tin khoa học, số liệu, thắc mắc về cơ thể, sức khỏe, khuynh hướng, thảo luận về giới tính là nội dung của Quân sư tình yêu. Vấn đề vốn được coi là nhạy cảm được thể hiện một cách nhẹ nhàng, dí dỏm dưới sự dẫn dắt của nghệ sỹ Đức Hải, tiến sỹ Khuất Thu Hồng. Đồng hành với chương trình còn có hai nhân vật rối, trong vai cặp đôi chuẩn bị kết hôn đi tìm hiểu kiến thức về giới tính.

Bản chạy thử ra mắt báo chí chiều 28-5 cho thấy triển vọng một chương trình bổ ích, dù cần nhiều chỉnh sửa. Đức Hải vốn dí dỏm, có duyên dẫn chương trình, vẫn bị chê hơi cứng. Ngay cả tên chương trình dễ khiến khán giả liên tưởng chương trình tư vấn cho thanh niên.

Đại diện O2 thanh minh: “Đức Hải nói dữ dội lắm chứ, tôi không hay ngượng mà còn đỏ mặt. Nhưng chúng tôi biên tập từng chữ, sao cho phù hợp, đủ liều lượng. Còn tên chương trình, chúng tôi cân nhắc, hy vọng nhận được ý kiến đóng góp của khán giả”. Đức Hải cho rằng phải từ từ – “nói mạnh sợ khán giả sốc”. Nhà sản xuất có ý định tăng dần liều lượng sau mỗi số lên sóng.

Thái độ tránh né, ngại ngần trong xã hội, gia đình và nhà trường khi nói về những điều thầm kín khiến các vấn đề này luôn là “dễ đùa, khó nói”. Đây là một trong những yếu tố để kênh thông tin, giáo dục và truyền thông về giới tính xuất hiện trên sóng truyền hình chính thống và công khai. Nói như người của Hội Dân số Việt Nam: “Vấn đề giới tính bây giờ nên được xem là một trong những yếu tố thể hiện chất lượng cuộc sống”.

Nhà sản xuất tin vào tính khả thi của chương trình: nhu cầu thông tin về giới tính rất lớn; chưa có chương trình giáo dục chính thức trên truyền hình; tương tác cao giữa người làm chương trình và khán giả. Tuy nhiên, họ tự lượng sức vì biết đây là chương trình khó, vừa phải đủ thông tin, lại không được phô, nhất là phải phù hợp với văn hóa Á Đông. Những người làm chương trình còn hi vọng có thể tiến hành các khoá đào tạo, tổng đài tư vấn nếu khán giả có nhu cầu.

Toan Toan (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)