Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ Việt tìm đường ra “biển lớn”

Tạp Chí Giáo Dục

Con đường để những gương mặt trẻ Việt Nam tiến ra các thị trường giải trí lớn trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… hiện có vẻ đã thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, để có thể bám trụ được lại là chuyện không dễ.

Xuất chinh

Chương trình thực tế tìm kiếm thần tượng đình đám tại Trung Quốc Chuang Asia vừa công bố danh sách 70 thực tập sinh từ nhiều quốc gia. Trong đó có Ánh Sáng (sinh năm 2006) từ Việt Nam, từng là thành viên của nhóm SGO48 khi 12 tuổi. Nhóm này dừng hoạt động vào tháng 12/2021.

Tham gia các cuộc thi tuyển chọn tài năng là con đường được nhiều gương mặt trẻ lựa chọn để tiến sang các thị trường lớn. LyLy (Nguyễn Hoàng Ly) chọn thi đấu tại The Next Stage 2023. Chi Pu (Nguyễn Thùy Chi) thi Chị đẹp đạp gió rẽ sóng. Đỗ Nam Sơn chinh chiến ở Fanpick. Đặng Hồng Hải, Nguyễn Thành Công chọn Boys Planet làm nơi thể hiện tài năng. Vũ Linh Đan là thí sinh của Universe Ticket, giành tấm vé để được ra mắt trong một nhóm nhạc Hàn.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm âm nhạc Việt Nam được chú ý trên thị trường quốc tế nhưng thực sự chưa nhiều ca sĩ Việt tận dụng được cơ hội để bứt phá. Quang Hùng MasterD là trường hợp hiếm có thể hoạt động tại thị trường Thái Lan.

Nhìn chung, âm nhạc vẫn là lĩnh vực chiếm ưu thế khi tài năng Việt mong muốn bước ra thị trường quốc tế, bởi đây là thể loại dễ tiếp cận khán giả, với ngôn ngữ xuyên biên giới.

Chi Pu biểu diễn trong chương trình giao thừa của đài Hồ Nam (Trung Quốc)  vào ngày 31/12/2023 - Nguồn ảnh: Facebook nhân vật

Chi Pu biểu diễn trong chương trình giao thừa của đài Hồ Nam (Trung Quốc) vào ngày 31/12/2023. Nguồn ảnh: Facebook nhân vật

Ở lĩnh vực phim ảnh, có Liên Bỉnh Phát, đóng phim Hóa ngại chi y của Đài Loan (Trung Quốc). Tháng 11/2023, Đăng Quân – quán quân Street Dance Vietnam 2022 – và Quang Đăng thi đấu tại Street Dance China, sân chơi về nghệ thuật nhảy.

Những viên gạch đầu tiên

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, các nghệ sĩ, công ty quản lý Việt Nam đã tìm đường ra thị trường quốc tế. Riêng lĩnh vực âm nhạc, thời điểm đó, các giải thưởng, chương trình nghệ thuật kết hợp 2 bên (nhiều nhất là với Hàn Quốc) là cơ hội để ca sĩ Việt được đứng trên sân khấu quốc tế. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể phát triển được.

Ông Phan Anh – Chủ tịch Công ty VMAS (đơn vị quản lý nhiều ca sĩ) – cho biết: sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, gu thưởng thức, chưa tìm hiểu kỹ thị trường… là điều khiến ước mơ tiến ra quốc tế của nhiều nghệ sĩ chưa thể thành hiện thực thời gian trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có sự chuyển biến. Trong nước, có những đơn vị bắt đầu tìm hiểu các thị trường nước ngoài, có chiến lược cụ thể, rõ ràng hơn cho nghệ sĩ.

Quang Hùng MasterD biểu diễn tại Thái Lan vào tháng 10/2022 - Nguồn ảnh: Facebook nhân vật

Quang Hùng MasterD biểu diễn tại Thái Lan vào tháng 10/2022. Nguồn ảnh: Facebook nhân vật

Những năm gần đây, một số công ty giải trí, chương trình tại Hàn Quốc, Trung Quốc mở cửa hơn với các nhân tố từ những quốc gia khác. Phần lớn các chương trình thi đấu đều nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả sở tại, tạo điều kiện tốt để các tài năng trẻ được chú ý. Những chương trình này thường kéo dài, giúp họ tiếp cận khán giả lâu hơn so với những chương trình biểu diễn giao lưu một/vài đêm như những năm trước đây.

Các nghệ sĩ được mời dự thi nhờ danh tiếng, thành tích đã có tại quê nhà, phù hợp với tiêu chí của sân chơi như trường hợp của Đăng Quân, Chi Pu… Trong khi đó, một số gương mặt đầu quân cho các công ty đào tạo thần tượng, sau đó mới dự thi, tìm cơ hội ra mắt trên thị trường. Tuy nhiên nếu chọn đi theo hướng này thì sự cạnh tranh thường khốc liệt hơn. Họ thường phải thi đấu với vài chục cho tới hàng trăm đối thủ từ nhiều nơi trên thế giới. Chi Pu là trường hợp hiếm hoi, lọt tốp 7 tại chương trình Đạp gió 2023, bắt đầu có những hoạt động sôi nổi tại thị trường tỉ dân Trung Quốc.
Đỗ Nam Sơn cũng giành cơ hội để trở thành 1 trong 7 thành viên nhóm nhạc Pickus, dự kiến ra mắt đầu năm sau. Đặng Hồng Hải mới ký hợp đồng với Công ty Dongyo Entertainment ở Seoul. Hanbin ra mắt trong nhóm nhạc thần tượng TEMPEST do Công ty Yuehua Entertainment quản lý. 

Ở con đường dựa vào sản phẩm giải trí (chủ yếu là âm nhạc), việc phát hành hiện khá dễ dàng bởi các ca sĩ, ê kíp đều có kênh riêng, thậm chí có lượng người theo dõi lớn. Nhưng các tài năng trẻ vẫn chưa ở thế chủ động, vì để sản phẩm nổi tiếng phải có sự “chắp cánh” của mạng xã hội. Không phải tác phẩm nào cũng có được sự may mắn này, dẫu hiện tại các ê kíp đều cố gắng nắm bắt xu hướng. 

Tài năng Việt vẫn còn là nhân tố mới ở thị trường quốc tế. Vì thế, các công ty, nghệ sĩ cần tìm hiểu thấu đáo về thị trường muốn hướng đến. Yếu tố quan trọng không kém là phải tìm được đối tác sở tại phù hợp, đáng tin cậy. Ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc… sự cạnh tranh rất lớn do nhiều nghệ sĩ từ các quốc gia khác đều muốn tìm cơ hội ở đó. 

Điều quan trọng là nghệ sĩ Việt cần xác định phải có tố chất phù hợp với thị trường nào, từ đó xây dựng kế hoạch, định hướng hình ảnh theo từng lộ trình. Hiện tại, những ai có khả năng sáng tác, ca hát, biểu diễn, có cá tính nghệ thuật rõ nét, có ngoại ngữ là lợi thế. Họ cũng cần trau dồi bản thân liên tục khi đi tìm cơ hội hoặc sẵn sàng đón nhận khi cơ hội đến.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng, với nghệ sĩ, việc xây dựng bản sắc, cá tính nghệ thuật rõ ràng vẫn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Có nền tảng vững thì mới đủ mạnh để phát triển sự nghiệp ở bất kỳ đâu.

Cùng với sự phát triển của nghệ sĩ, ê kíp quản lý phải ngày càng chuyên nghiệp hóa, có tầm nhìn sâu rộng hơn. Ông Hữu Anh – đại diện công ty quản lý nhiều nghệ sĩ, trong đó có Chi Pu – cho rằng: quản lý nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là việc nhận show, sắp xếp công việc mà phải hoạch định được đường đi, định hướng cho nghệ sĩ phát triển trong một khoảng thời gian. Điều đó đòi hỏi người quản lý cũng cần nhiều kỹ năng, đa nhiệm, mở rộng mạng lưới quan hệ, kết nối… 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Bình luận (0)