Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bốc hơi tuổi vàng nữ trang

Tạp Chí Giáo Dục

Giá trị vàng phụ thuộc độ tuổi vàng và cân nặng. Thế nhưng người tiêu dùng đang bị “móc túi” công khai bằng công nghệ ăn gian tuổi vàng.

Hiện không có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý tuổi vàng, do vậy trừ trường hợp mua nữ trang của các công ty lớn, có tên tuổi, còn lại người tiêu dùng chỉ còn cách trông chờ vào “lòng hảo tâm” của người kinh doanh.

Khó biết tuổi thật
Dạo quanh các khu kinh doanh vàng sầm uất như khu vực Lê Thánh Tôn, Tân Định (quận 1), chợ Vườn Chuối (quận 3, TP.HCM)… người tiêu dùng hoa mắt trước những món trang sức lấp lánh bày bán trong các tủ kính.

Theo quy định, đơn vị sản xuất vàng nữ trang phải đóng tên đơn vị và tuổi vàng lên sản phẩm để chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm – Ảnh: Minh Đức – Tuổi trẻ

Chỉ vào sợi dây chuyền, một chủ tiệm vàng tại chợ Tân Định cho biết đó là vàng 18K, còn sợi dây chuyền bên cạnh là vàng Ý bán theo gam chứ không bán theo chỉ như vàng VN, nếu mua thì tính giá hữu nghị 36 USD/gam (khoảng 700.000 đồng).

Nên mua đâu bán đó

Theo nữ giám đốc một công ty kinh doanh vàng tại quận 1, bằng mắt thường không thể phân biệt được tuổi vàng do các đơn vị gia công có thể nhuộm màu để các loại vàng thấp tuổi như 10K, 14K trông y như vàng 18K. Do vậy nếu chỉ nhìn vào màu sắc vàng đậm hay vàng nhạt thì không thể biết được hàm lượng vàng trong sản phẩm là cao hay thấp.
Khi bán lại các món nữ trang, các tiệm vàng thường thử bằng phương pháp đánh đá để xác định tuổi vàng nhưng phương pháp thử này chỉ có tính chính xác tương đối. Do vậy các tiệm vàng sẽ trừ hao một khoảng nhất định để đảm bảo không bị lỗ vốn. Do đó người tiêu dùng chỉ còn cách mua đâu bán đó để hạn chế hao hụt.

 Chủ tiệm vàng này cho biết chỉ bán vàng 7,5 tuổi (vàng 18K), cam đoan đúng tuổi. Đeo một thời gian nếu không thích đem ra bán, tiệm sẽ mua lại với đúng tuổi ghi trên hóa đơn.

Tại nhiều tiệm vàng khác cũng khẳng định hàng nữ trang của họ đều được làm từ vàng 7,5 tuổi. Nói là vậy, nhưng trên thực tế phần lớn các món nữ trang đều không ghi tuổi vàng vì theo như chủ tiệm lý giải, tất cả là vàng 7,5 tuổi, do vậy trên từng món hàng chỉ viết tắt một vài ký hiệu riêng để phân biệt hàng của từng cửa tiệm.
Nhiều người mua vàng cho biết chỉ có cách mua đâu bán đó chứ nếu ra tiệm khác bán sẽ mất ngay mấy chục phần trăm do tuổi vàng thật sự là bao nhiêu thì không ai biết.
Chị T. (quận 1) cho biết từng mua đôi bông tai 6 phân vàng 18K giá 1,25 triệu đồng (trong đó tiền công là 150.000 đồng) tại một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), nhưng khi đem đến một tiệm vàng khác tại chợ Tân Định thì giá trị món hàng đã bị “bốc hơi” còn 800.000 đồng vì người mua nói tuổi vàng thật sự chỉ có 14K (5,85 tuổi).
Lập lờ để “hét” giá
Phó tổng giám đốc một công ty vàng bạc đá quý lớn cho biết hiện trên thị trường không có chuẩn chung nào cho vàng nữ trang. Theo bà, trước đây vàng tây lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K (tương đương 7,5 tuổi) và 14K (tương đương 5,85 tuổi). Nhưng sau đó vàng 7,5 tuổi bị ăn gian chỉ còn 7 tuổi.
Một thời gian dài, bên cạnh sản phẩm vàng 18K còn có vàng chợ chỉ 7 tuổi. Giữa những năm 1990, một số cửa hàng vàng tư nhân đã tiếp tục hạ tuổi vàng nhằm cạnh tranh với nữ trang của các công ty có thương hiệu.
Các công ty đã đối phó bằng cách đưa ra thị trường thêm loại hàng chợ có ký hiệu ST. ST là viết tắt của chữ “sáu tám”, tức vàng 6,8 tuổi. Sau đó, vàng chất lượng ST đã trở thành “tiêu chuẩn” trên thị trường!
Các công ty vàng bạc cho biết giá vàng càng lên cao thì xu hướng nữ trang càng thấp tuổi, hiện phổ biến là nữ trang 14K, 10K, thậm chí các hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu khách hàng chỉ đặt làm vàng 3,75 tuổi (9K), thậm chí 3,33 tuổi (8K).
Việc hạ thấp tuổi nữ trang chủ yếu là để giá cả mềm hơn, người tiêu dùng dễ chấp nhận. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Hải, phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBJ), quan trọng là phải sòng phẳng với khách hàng, tức là trên mỗi sản phẩm nữ trang phải ghi rõ tuổi vàng và tên đơn vị sản xuất để chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuổi vàng.
Tuy nhiên hiện nay mới chỉ các công ty vàng bạc đá quý lớn làm điều này. Còn lại các cửa hàng vàng tư nhân chủ yếu lập lờ tuổi vàng để tùy cơ “hét” giá, còn tuổi vàng chính xác là bao nhiêu thì chỉ có người bán mới biết.
Đó cũng là lý do các cửa hàng vàng rất ít bán vàng của các công ty có tên tuổi mà chủ yếu lấy hàng từ các chành, vựa hoặc tự gia công tại nhà. Do vậy tuổi vàng là do các chủ tiệm tự quyết định và không ai có thể kiểm soát.
Buông lỏng quản lý
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết từ lâu Ngân hàng Nhà nước không còn quản lý chất lượng vàng nữ trang mà coi đó là một loại hàng hóa như những hàng hóa khác. Do vậy doanh nghiệp tự đăng ký chất lượng với cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng đã đăng ký. Và khi cơ quan quản lý tổ chức thanh tra nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử phạt.
Hiệp hội Kinh doanh vàng đã nhiều lần kêu gọi các đơn vị kinh doanh vàng không nên hạ thấp thêm tuổi nữ trang, đồng thời công bố tuổi vàng trên sản phẩm để tránh làm mất uy tín ngành nữ trang nhưng chẳng đến đâu! Trong khi đó người tiêu dùng thường quá tin vào các cửa hàng vàng lại không có thông tin đầy đủ.
Lỗ hổng về quản lý này dẫn đến việc các đơn vị thi nhau hạ chuẩn vàng, “treo đầu dê bán thịt chó”, đánh đố cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng. Trong khi đó các công ty có thương hiệu, bán vàng đúng tuổi lại không cạnh tranh được.
Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, bao gồm cả các chành, vựa, tiệm vàng, thợ bạc…, trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Do vậy nếu không có đơn vị nào đứng ra quản lý sẽ dẫn đến tình trạng thả nổi chất lượng, mạnh ai nấy làm. Cả nước cũng chưa có bộ tiêu chuẩn về chất lượng nên không có căn cứ đo chất lượng.
Một chuyên gia ngành nữ trang nói rằng tuổi vàng càng ngày càng tiến đến gần đáy, sau vàng 14K, thị trường có cả vàng 10K, 9K… Ông này nói nếu tuổi vàng thấp hơn thì khó có thể gọi là vàng.

Người tiêu dùng bị “móc túi” ra sao?

Giả sử giá vàng bốn số 9 là 26,35 triệu đồng/lượng, quy ra vàng nữ trang SL (6,5 tuổi) có giá 17,12 triệu đồng/lượng. Khi mua nữ trang có trọng lượng một chỉ vàng, người mua bị thiệt nhiều hay ít tùy thuộc vào người bán áp tuổi vàng nào để tính giá vàng.

Nếu người bán tính vàng ST (6,8 tuổi) thì người mua phải trả 1,791 triệu đồng/chỉ, thiệt 79.000 đồng/chỉ. Nếu người bán tính vàng 7 tuổi thì người mua phải trả 1,845 triệu đồng/chỉ, thiệt 133.000 đồng/chỉ. Trường hợp tính là vàng 7,5 tuổi thì người mua phải trả 1,976 triệu đồng/chỉ, thiệt 264.000 đồng/chỉ.
Theo các công ty vàng, với vàng trắng (bạch kim) thì dễ ăn bớt tuổi hơn vàng đỏ. Lý do là tuổi càng thấp thì vàng càng sáng. Do vậy các đơn vị gia giảm các thành phần hội (hợp kim), còn hàm lượng vàng rất thấp, chỉ khoảng 3-4 tuổi. Khác với vàng đỏ, người tiêu dùng mua vàng trắng chủ yếu là vì kiểu dáng, mẫu mã, do vậy so với vàng đỏ, vàng trắng khi bán mất giá nhiều hơn.

 Theo Tuổi Trẻ

Bình luận (0)