Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thử tìm về văn hóa tết Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Nhà xuất bản Trẻ) là tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh phát hành vào dịp tết năm nay. Từng trang viết đã khảo sát chu đáo về đời sống tâm linh của người Việt và các sinh hoạt liên quan đến tết.

Xét về ý nghĩa ngày tết của người Việt, tác giả khảo sát từ sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, viết vào cuối đời nhà Trần (thế kỷ XIV), cho biết thuở xa xưa người Việt đã sử dụng từ “tết”. Cụ thể: “Truyện bánh chưng (Chưng bính truyện) trong sách nói đến bầu không khí cuối năm với cụm từ “tuế thì tiết hậu” (mùa cuối năm) và từ “Tiết Liệu” (Tết Liêu).

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã bàn về vấn đề này, tức đồng thuận khởi đầu từ đời vua Hùng Vương: “Đúng kỳ, vua lệnh các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có chàng Liêu đem dâng bánh chưng, bánh giầy. Chàng Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng, ăn không chán; phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vua khen ngợi giây lát, rồi cho chàng Liêu được giải nhất. Năm hết, vua dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của chàng Liêu để gọi là tết Liêu” (tr.76).

Sách Thực hành văn hóa  tín ngưỡng  Việt Nam

Sách Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam

Tục đón tết của người Việt khởi nguồn từ đâu? Nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh cho rằng: “Qua Truyện bánh chưng, tục đón tết Nguyên đán bắt đầu từ việc kính nhớ tổ tiên thời họ Hồng Bàng. Dưới góc nhìn khác, tết là kỳ nghỉ dài ngày sau khi thu hoạch mùa màng, của những người sống trong nền văn minh lúa nước. Việc kính nhớ tổ tiên và ngày nghỉ dài ngày khởi đi từ chữ hiếu, chữ ân, chữ lễ, chữ lạc; để trở thành phong tục ngày tết” (tr.79). 

Tết là dịp con cái quy tụ về gia đình, gia tộc thăm hỏi ông bà, cha mẹ, cúng bái bày tỏ lòng thành kính đối với đấng thiêng liêng, là “hiếu”; còn “ân” hay “ơn” là thể hiện đạo lý, bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, trời đất – tất cả điều này bày tỏ qua “lễ” là tế cúng thần thánh, tổ tiên và vật dâng cúng bày tỏ lòng biết ơn. “Lạc” là sự vui mừng trong những ngày tết đến… 

Ngày tết còn có tục tiễn ông táo về trời. Tác giả lý giải: “Trong xã hội nông nghiêp, có những nhà 3 đời, có khi 4 đời, thậm chí 5 đời cùng sống chung. Mỗi ngày có đến 3 bữa cơm do nhà bếp cung ứng, làm sao táo quân không giữ vị trí quan trọng cho được?” (tr.96). 

Ở đây, tác giả căn cứ vào chi tiết cúng lễ có cá chép đưa ông táo về trời: “Có lẽ, theo tích xưa của văn hóa Trung Hoa, trong cuộc thi vượt vũ môn do Ngọc Hoàng tổ chức, chỉ có mình cá chép thành công”. Phong tục của người Việt là “Cuối năm đem bếp cũ ra bờ sông đập bể và lấy đất bờ sông về nhà nặn bếp mới – tựa như đổi nhà cho vua bếp vậy. Trăm năm trước đây, trong dân gian, người Việt xem táo quân (1 bà 2 ông) là biểu tượng của sự trung tín và bền bỉ trong đạo nghĩa vợ chồng” (tr.107).

Tác giả cũng bàn về tục dựng cây nêu, treo câu đối tết, tảo mộ, nấu bánh chưng, xuất hành, hái lộc, mừng tuổi… trong ngày tết. 

Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam là một trong những cuốn sách chỉn chu bàn về văn hóa tín ngưỡng của người Việt – từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan trong đời sống tâm linh với nhiều thông tin lý thú. Khi đọc sách này cũng là lúc chúng ta “ôn cố tri tân” và hiểu hơn những điều chúng ta đã biết nhưng chưa thấu hiểu cặn kẽ. 

Theo Lê Minh Quốc/PNO

 

Bình luận (0)