Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thông tin gây “sốc”: “Khai tử” hàng loạt ngành học tuyển khối B

Tạp Chí Giáo Dục

 

Không chỉ ngành công nghệ thông tin, các ngành quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán… tại một số trường cũng không được tuyển khối B.

Một buổi tư vấn tuyển sinh tại Trường Lê Quý Đôn năm 2009 – Ảnh: HTD

Trong mấy ngày qua, hàng loạt trường ĐH, CĐ trong cả nước đều bất ngờ khi biết thông tin năm nay Bộ GD&ĐT đã siết chặt các khối thi tuyển sinh và xét tuyển của một số ngành nghề. Điều đáng nói, thông tin này còn gây sốc cho cả triệu thí sinh đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ.
Nhiều ngành học đột ngột bị “khai tử”…
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) vốn được xem là một ngành học được hầu hết các trường ĐH, CĐ đua nhau mở ngành, tuyển sinh và được hàng triệu thí sinh xem là ngành học “thời thượng”, “hot” nhất trong những năm học gần đây. Nhưng theo cuốn “Những điều cần biết tuyển sinh ĐH,CĐ 2009”, không chỉ ĐH FPT không được tuyển thí sinh dự thi khối B mà tất cả các trường ĐH, CĐ có tuyển sinh ngành CNTT theo khối B năm nay đã bị Bộ GD&ĐT cho “khai tử”.
Không chỉ ngành CNTT, trong mấy ngày qua, hàng ngàn thí sinh và phụ huynh điện thoại về Phòng Đào tạo của ĐH dân lập Hùng Vương thắc mắc vì sao nhà trường thông báo tuyển sinh khối B một số ngành quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán nhưng giờ lại không tuyển nữa.
Bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo ĐH dân lập Hùng Vương, nói: “Chúng tôi không biết trả lời sao với các thí sinh. Từ cuối năm 2008 đến nay, trong tư vấn tuyển sinh chúng tôi đã thông báo với các em có tuyển khối B các ngành trên. Tháng 2-2009, trong thông tin nhà trường gửi ra Bộ để chốt lại các ngành tuyển cũng được Bộ phản hồi là các ngành trên có tuyển khối B nhưng đến nay lại không được tuyển. Bộ làm bất ngờ quá!”.
Tương tự, ĐH dân lập Văn Hiến cũng cho biết đến giờ này nhà trường cũng chưa nhận được văn bản chính thức trả lời từ phía Bộ GD&ĐT. ĐH Văn Hiến có hai ngành học là tâm lý học và xã hội học đã được nhà trường tuyển sinh từ năm 2007 với bốn khối thi A, B, C, D. Nhưng năm nay, Bộ không cho phép trường tuyển sinh khối B ở hai ngành học này.
Cho phép rồi thản nhiên…“cắt phép”!
Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo ĐH dân lập Văn Hiến, cho biết trong năm 2007, nhà trường đã có tờ trình với Bộ và thuyết minh rất rõ vì sao hai ngành tâm lý học và xã hội học phải tuyển sinh khối B. Đơn cử, ngành tâm lý học đào tạo theo hai hướng chuyên sâu, trong đó có hướng trang bị cho sinh viên kiến thức về tâm lý quản trị nhân sự. Các khối kiến thức về tâm lý, thần kinh học, giải phẫu sinh lý người… Vì vậy, tuyển sinh khối B là phù hợp với nhu cầu đào tạo.
Theo bà Mai Bình, năm 2006, ĐH Hùng Vương tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh các khối A, B, D. Năm 2007 thêm hai ngành tài chính ngân hàng, kế toán cũng được tuyển sinh. Tất cả đều có tờ trình xin mở ngành và được Bộ có văn bản cho phép. Trong đó, nhà trường nêu lý do tuyển khối B khối ngành kinh tế là vì các khối ngành này đều có thi môn toán. Kiến thức môn toán cũng được vận dụng chính trong quá trình học tập của sinh viên.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, ngành CNTT hiện nay là một ngành kinh tế kỹ thuật, có độ phủ rất rộng trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Các kỹ sư CNTT khi ra trường sẽ làm việc ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau và đòi hỏi không chỉ có nghiệp vụ chuyên môn CNTT mà còn cần có những tư chất và hiểu biết nhất định liên quan đến các lĩnh vực khác, trong đó có không ít các lĩnh vực liên quan đến sinh học. Hơn nữa, một trong những lĩnh vực phát triển mạnh trong tương lai không xa của ngành CNTT chính là việc thiết kế và chế tạo các máy tính sinh học, các mạng tính toán dựa trên mạng neuron thần kinh, các công nghệ vật liệu sinh học, các công nghệ chế tạo rô – bốt phỏng sinh học…
Ảnh hưởng lớn đến nhà trường và thí sinh…
Ông Hợp nhận định, việc Bộ “khai tử” tuyển sinh khối B hai ngành tâm lý học, xã hội học sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà trường, của bộ phận khoa, cả nhu cầu và cơ hội tuyển sinh của các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay.
Trong khi đó, tại ĐH dân lập Hùng Vương, năm 2007, trong ba ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, trường này tuyển sinh đến gần 1.000 chỉ tiêu, chiếm 50% tổng số chỉ tiêu tuyển của trường. “Có thể nói ba ngành học này là chủ lực của nhà trường. Nếu cấm tuyển sinh khối B sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đào tạo, quản lý của nhà trường” – bà Mai Bình nói.
Ông Phong bức xúc: “Việc thay đổi đột ngột, không hề báo trước cho các trường và thí sinh là việc rất không nên làm vì nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các thí sinh”. Ông Phong lấy ví dụ, trường hợp của một em học sinh chuyên sinh muốn theo học ngành CNTT. Hai năm nay em đã ôn thi theo khối B nhằm mục tiêu sẽ thi và theo học ngành CNTT. Em học sinh đó sẽ phải làm gì trong trường hợp này khi kỳ thi sắp diễn ra? Chỉ trong vài tháng liệu em có ôn tập kịp môn lý, chưa nói đến việc môn toán của khối A có nội dung ôn tập khác toán khối B?”.
“Tôi nghĩ các nhà quản lý giáo dục cần trả lời thấu đáo trước khi biến nó thành quyết sách có ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của thí sinh cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một quyết định không có căn cứ khoa học và đầy cảm tính” – ông Phong, nói.
Theo TRƯƠNG HIỆU – Pháp Luật TP.HCM

Bình luận (0)