Trong ngày 22.5, ghi nhận thêm tỉnh An Giang phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Như vậy là đã có hơn một nửa số tỉnh thành trong cả nước bị ảnh hưởng và dịch vẫn chưa có dấu hiệu bị chặn đứng.
Thịt heo sạch trên thị trường vẫn rất dồi dào. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Giá heo tiếp tục giảm, trữ đông khó
|
Dịch bệnh liên tục phát triển, tác động đến tâm lý người tiêu dùng ngày càng lớn làm cho sức mua liên tục giảm mạnh. Giá heo hơi hiện phổ biến ở mức 35.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá còn thấp hơn mức này. Giá bán heo hiện đã thấp hơn giá thành sản xuất từ 5.000 – 7.000 đồng/kg.
Tỉnh Đồng Nai nơi được coi là “thủ phủ” ngành chăn nuôi heo, mới đây, đã tổ chức cuộc họp với các sở ngành và các doanh nghiệp lớn để bàn giải pháp thu mua, giết mổ heo và trữ đông.
Về lý thuyết, trữ đông là giải pháp tốt vừa giải quyết đầu ra hiện tại, ngăn ngừa dịch bệnh tiếp tục lây lan sang đàn heo khỏe và quan trọng là bảo đảm nguồn cung trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất khó thực hiện.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Đồng Nai, để cấp đông và bảo quản được trong thời gian dài, cần đảm bảo nhiệt độ âm từ 25 – 400C. Về nguồn thịt, phải đảm bảo thịt sạch (âm tính với dịch bệnh), được kiểm tra giám sát chặt chẽ từ nguồn gốc đến quy trình giết mổ, cấp đông. Nếu trong quá trình cấp đông, có lẫn thịt nhiễm mầm bệnh thì nguy cơ bùng phát lại rất cao vì vi rút dịch này có thể sống trong môi trường đông lạnh đến 1.000 ngày. Còn theo ông Lê Văn Lộc – Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, hiện trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nào có hệ thống kho lạnh và máy móc cấp đông đủ đáp ứng.
Một yếu tố quan trọng khác khiến việc cấp đông không đơn giản, đó là các doanh nghiệp hiện tại chỉ có kho lạnh mà không có kho cấp đông. Số ít có thì cũng rất nhỏ chỉ từ 500 – 1.000 kg. Việc thuê mướn các kho lạnh ở TP.HCM hay Bình Dương càng khó khả thi vì cần có kinh phí. Đó là chưa kể đến thói quen tiêu dùng thịt nóng của người Việt, nên việc trữ đông rất khó thực hiện.
Phòng ngừa lây lan là chính
Đến đầu tháng 4, nhiều địa phương (phía bắc) cơ bản khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, sau đó dịch lại bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Nam và miền Trung. Tại nhiều cuộc họp của Chính phủ và Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là do có tình trạng buông lỏng, lơ là của một số địa phương, để xảy ra tình trạng vận chuyển heo bị nhiễm bệnh đến nơi khác tiêu thụ. Dịch tả lợn châu Phi hiện không có thuốc trị cũng như không có vắc xin phòng ngừa. Vì vậy, biện pháp hữu hiện nhất hiện nay là ngành chức năng phải tăng cường kiểm soát, khoanh vùng dập dịch để tránh lây lan.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta bị thiệt 5% tổng đàn, còn 95% vẫn bình thường. Vì thế, không quay lưng lại với thịt heo sạch, được kiểm soát. "Phải có biện pháp phát triển các loại sản phẩm khác để bảo đảm đời sống cho nông dân và giải quyết thực phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn cuối năm…”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thực tế, dù phát triển trên diện rộng, nhưng dịch chỉ mới tấn công các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, những trang trại của các doanh nghiệp lớn vẫn an toàn. Chính vì vậy, nguồn cung thịt sạch trên thị trường rất dồi dào, người tiêu dùng có thể yên tâm tiêu thụ các sản phẩm thịt sạch nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi cũng như giảm bớt ngân sách hỗ trợ thiệt hại. Việc ăn thịt heo lúc này, chủ yếu là vấn đề tâm lý.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay ngay khi có thông tin về bệnh dịch, đơn vị này đã áp dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Hiện Saigon Co.op đang phối hợp cơ quan quản lý nhà nước siết chặt việc quản lý chất lượng thịt heo, đồng thời phối hợp các nhà cung cấp thịt trong nước có phương án dự phòng cho kịch bản nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch. Sức tiêu thụ thịt heo của hệ thống bán lẻ này đang duy trì mức tiêu thụ trung bình 40 – 50 tấn/ngày và tăng nhẹ vào các ngày cuối tuần.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều nơi
Ngày 22.5, tại Sở NN-PTNT Vĩnh Long, ông Trần Hoàng Tựu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tỉnh Vĩnh Long, chủ trì cuộc họp khẩn, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Vĩnh Long, trong hai ngày 20 – 21.5, trên địa bàn TP.Vĩnh Long xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi, với tổng số heo nhiễm bệnh và tiêu hủy hơn 120 con. Cùng ngày, Sở NN-PTNT An Giang đã công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại P.Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên.
Ngày 22.5, ông Nguyễn Bốn, Phó chủ tịch UBND H.Duy Xuyên (Quảng Nam), cho biết vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3 ở huyện này. Cùng ngày, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Hưng cho biết tại TP.Huế đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn 7 con của một hộ gia đình ở P.An Tây. Đây là ổ dịch đầu tiên ghi nhận ở TP.Huế. Lãnh đạo xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy (giáp với TP.Huế) xác nhận sau khi xuất hiện ở TT.Phú Bài, dịch này cũng phát hiện tại 2 thôn của xã Thủy Thanh.
|
Theo Chí Nhân/TNO
Bình luận (0)