Trong một giờ học theo lối truyền thống (ảnh chỉ manh tính minh họa). Ảnh: D.B |
Trước hết, chân tình mà nói, cách dạy sử chưa hấp dẫn, còn đơn điệu và máy móc là một trong những nguyên nhân khiến học sinh chán học! Vấn đề ở đây là đội ngũ giáo viên dạy sử, còn rất hiếm người có năng khiếu, năng lực dạy tốt bộ môn này!
Do đặc thù của lịch sử dân tộc, môn sử và môn văn thường song hành với nhau suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Người dạy sử phải là người am hiểu sâu sắc, tường tận văn học mới có thể mang lại sự hấp dẫn cho việc truyền thụ kiến thức lịch sử.
Nhưng đã là người có năng khiếu văn, có năng lực sư phạm thường chọn học ngành văn vì họ cho rằng môn sử là một “môn phụ”(!). Vì vậy, những người khác bắt buộc phải chọn môn sử để học, chứ thực ra lòng yêu thích sử, đam mê sử rất ít hoặc không có!
Nhiều khi dự giờ môn sử, tôi cũng góp ý với giáo viên đến đoạn này đoạn kia thì nên có một câu thơ, câu ca dao đưa vào đúng nơi, đúng lúc (Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng muốn ăn), thì học sinh sẽ rất thích, rất thấm thía… Tiếc thay, giáo viên trả lời “thiệt tình” là chưa nghe những câu ca dao như thế bao giờ!
Hoặc những bài Lịch sử có những kiến thức liên quan với thần thoại Hy Lạp, với những kiến thức văn học, địa lý… nhưng giáo viên hầu như không liên hệ được nên bài giảng chỉ gói gọn trong trang sách giáo khoa! Như thế để học sinh tự đọc sách, tự tìm hiểu bài học; cần gì đến giáo viên ngồi đọc chép trên lớp!
Bây giờ có nhiều giáo viên sử cũng có công sưu tập hình ảnh lịch sử để trình chiếu minh họa trong giờ lên lớp. Không khí lớp vui vẻ khi có những đoạn phim ngắn như thế này. Nhưng cũng không nên lạm dụng vì hình ảnh chỉ thoáng qua mà thôi! Những hình ảnh đó làm sao thay thế được chiều sâu hiểu biết của giáo viên, nếu không nói đó chỉ là hình ảnh vay mượn!
Đó là chưa nói đến ngữ điệu dạy sử, bởi khâu này liên quan đến năng khiếu, đam mê bộ môn! Nhiều giáo viên chỉ có một “chất giọng” đều đều từ đầu đến cuối bài dạy, có khi còn rời rạc, ngắt quãng nên giờ học sử là một trong những giờ buồn ngủ nhất! Hiếm khi có một giọng hùng hồn khi giảng về những năm tháng hào hùng; giảng về lòng quật khởi vùng lên, làm thức dậy lòng yêu nước thương nòi hoặc một giọng bi ai khi giảng về nỗi đau mất nước, nỗi đau nô lệ của dân tộc…
Vậy đó, vai trò người thầy dạy sử quan trọng biết bao! Đầu vào sư phạm môn lịch sử cần chú ý khâu năng khiếu, lòng đam mê môn sử để xét tuyển; để đào tạo được những người thầy dạy hấp dẫn bằng kiến thức tổng hợp, có chiều rộng và chiều sâu…
ThS. Lê Đức Đồng
Bình luận (0)