Những năm qua, dù đã có sự thay đổi về cách thi, song xét trên nhiều phương diện, mới thay đổi “nửa vời”, chưa đáng kể, chưa phù hợp. Do cách thi vẫn còn nặng điểm số nên cách dạy của giáo viên cũng… nặng về điểm (tuy nhiên vẫn có những giáo viên dám “bứt phá”, dạy học sinh kiến thức thiết thực ngoài sách giáo khoa). Nhiều bài học trong sách giáo khoa đã quá cũ, lạc hậu, kiến thức xa vời, thiếu thực tế buộc giáo viên phải linh hoạt trong quá trình dạy học. Nếu giáo viên cứ chăm chăm vào kiến thức sách giáo khoa thì sẽ… lạc hậu trước học sinh.
Với những giáo viên luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới thì kiến thức thực tiễn lồng vào bài học là rất cần thiết, giúp học sinh hiểu được những gì cần có ngoài sách giáo khoa. Không chỉ vậy, giáo viên nào trải nghiệm thực tế nhiều thì sẽ có những kiến thức thiết thực, bài học hấp dẫn cho học sinh. Đó thật sự là những tấm gương sáng yêu nghề, yêu trò.
Vì vậy, mong ước “cởi trói” là vô cùng chính đáng, vô cùng cần thiết! Bộ GD-ĐT phải thật sự đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp và đổi mới cách thi! Đừng bắt giáo viên phải phụ thuộc vào kiến thức sách giáo khoa, chỉ cần từ khung chương trình, giáo viên sẽ linh hoạt trong quá trình giảng dạy của mình, như vậy sẽ “cởi trói” cho người dạy lẫn người học. Nếu Bộ GD-ĐT “cởi trói” cho giáo viên thì cũng gián tiếp “cởi trói” cho học sinh. Trên thực tế, người khổ nhất không phải là giáo viên mà chính là “mầm non đang oằn mình vì kiến thức quá nặng, nhiều bài học… cao siêu và phải… học vẹt quá nhiều”. Chỉ riêng về chuyện học vẹt, học sinh hầu như phải học vẹt kiến thức nhiều môn, kể cả các môn khoa học tự nhiên. Thay vì kiểm tra học hiểu thì các em phải học thuộc, nhất là môn ngữ văn (đề cương dài dằng dặc mỗi khi thi giữa kỳ, học kỳ nên các bài văn cứ na ná nhau).
Nếu được “cởi trói” thật sự, chúng tôi tin rằng, học sinh sẽ được tiếp nhận kiến thức nhẹ nhàng, hiệu quả và thiết thực. Có như vậy các em mới chủ động trong quá trình học và tìm tòi kiến thức, trong khi đó giáo viên không còn phải dạy theo khuôn khổ. Từ đó, hạn chế việc học sinh giỏi kiến thức sách vở nhưng yếu kiến thức thực tế như hiện nay!
Thái Hoàng
Bình luận (0)